850.000 giáo viên sẽ được bồi dưỡng
Sắp tới đây, hơn 850.000 giáo viên và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc sẽ được bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học.
850.000 giáo viên sẽ được bồi dưỡng.
Sắp tới đây, hơn 850.000 giáo viên và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc sẽ được bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học.
Tại hội thảo quốc tế “Phát triển năng lực các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ở Hà Nội ngày 22-11, nhiều chuyên gia bày tỏ trăn trở trước chất lượng của đội ngũ giáo viên hiện tại.
Nhiệm vụ trọng tâm: bồi dưỡng giáo viên
Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thừa nhận các giáo viên đương nhiệm được đào tạo theo định hướng trang bị kiến thức và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Vì vậy, dù có hiểu biết về các phương pháp dạy học tích cực nhưng họ ít được thực hành, thực tập, áp dụng trong thực tế dạy học ở phổ thông nên sự hiểu biết đó không tường tận.
Nhiều người còn hạn chế về khả năng tư duy độc lập, khả năng tự học, kỹ năng tin học và ngoại ngữ, các kỹ năng mềm…
Do đó, nếu trước đây nhiều trường sư phạm coi bồi dưỡng giáo viên chỉ là “việc làm thêm” thì bây giờ phải coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.
“Bộ GD-ĐT phải giao cho trường sư phạm nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên cùng với nhiệm vụ đào tạo. Các nguồn thu chi của trường phải cân đối cho cả hai nhiệm vụ này” – ông Hiển nhấn mạnh.
Thực tế từ năm 2016, Bộ GD-ĐT đã triển khai Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Tổng mức đầu tư cho chương trình từ nguồn vốn vay là 100 triệu USD. Có 8 cơ sở giáo dục ĐH được lựa chọn (gồm các trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên, Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, ĐH Vinh, ĐH Sư phạm TP.HCM, Học viện Quản lý giáo dục) thụ hưởng trực tiếp chương trình này.
Theo bà Nguyễn Thúy Hồng – phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), đồng thời là giám đốc ETEP, tới đây hơn 850.000 giáo viên và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc sẽ được bồi dưỡng, phát triển năng lực theo phương thức trực tuyến kết hợp với bồi dưỡng trực tiếp truyền thống trong khuôn khổ chương trình.
Theo bà Hồng, đây là chương trình đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam được thực hiện theo phương thức giải ngân dựa trên kết quả đầu ra. Khi việc thực hiện được Ngân hàng Thế giới thẩm định và xác nhận, chương trình mới được giải ngân.
“Tám trường tham gia chương trình đang nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu, đổi mới đào tạo giáo viên, nhưng chủ yếu dựa vào tài nguyên ngân sách của chính các trường. Còn nguồn tài chính Chính phủ Việt Nam vay Ngân hàng Thế giới hiện vẫn chưa được giải ngân chính thức” – bà Hồng nói.
Ông Lê Anh Phương – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế – cho biết thời gian qua trường đã chủ động đến các trường phổ thông thực hiện bồi dưỡng thường xuyên cho các giáo viên. Điều dễ nhận thấy là nhiều giáo viên chưa thích nghi ngay được với những thay đổi, nhất là về phương pháp giảng dạy.
Vừa làm vừa sửa
Bộ GD-ĐT phải giao cho trường sư phạm nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cùng với nhiệm vụ đào tạo”
Ông Nguyễn Vinh Hiển (nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT)
Các chuyên gia đều cho biết với đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông sắp tới, các trường sư phạm phải thay đổi mạnh mẽ về chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số trường ĐH sư phạm, đến thời điểm hiện tại chương trình môn học mới còn chưa “chốt” nên việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở một số trường vẫn là “vừa làm vừa điều chỉnh”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, PGS.TS Phùng Gia Thế – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 – cho biết trường đã xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy khoa học tự nhiên và dự kiến xin phép Bộ GD-ĐT để có thể bắt đầu tuyển sinh, đào tạo từ năm 2018.
Với môn khoa học xã hội dự kiến xuất hiện trong chương trình mới, trường cũng đã định hình và chuẩn bị phương án… Song chương trình mới lại thay đổi, không còn môn học này nên kế hoạch đào tạo của trường cũng phải xoay theo.
Hay cấp THPT trước đây dự kiến có môn khoa học tự nhiên, nay lại đẩy xuống cấp THCS nên cũng có những khó khăn nhất định.
“Nhu cầu giáo viên các môn đặc thù là bao nhiêu hiện cũng chưa có câu trả lời đích xác. Nếu đào tạo ồ ạt thì có nguy cơ thừa, nếu đợi chương trình môn học ban hành thì lại lo không kịp đáp ứng nguồn nhân lực.
Rồi các môn tự chọn cũng phải rất cân nhắc. Lúc này các môn đó tự chọn, lúc khác lại không tự chọn nữa thì giải quyết ra sao?” – ông Thế đặt vấn đề.
Trong khi đó, ông Lê Anh Phương cho rằng tất cả các trường sư phạm đều phải khẩn trương mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên để đáp ứng yêu cầu mới.