Di sản Việt lên lịch
Thị trường lịch Mậu Tuất 2018 sẽ có sự xuất hiện lạ lẫm và độc đáo của những bộ bloc siêu đại mang hình ảnh danh lam thắng cảnh, di sản VN.
Di sản Việt lên lịch
Thị trường lịch Mậu Tuất 2018 sẽ có sự xuất hiện lạ lẫm và độc đáo của những bộ bloc siêu đại mang hình ảnh danh lam thắng cảnh, di sản VN.
Trân trọng đặt lên bàn bộ lịch Dấu xưa Sài Gòn, thành quả sau gần 7 tháng lên ý tưởng, rồi “lao tâm khổ tứ” thực hiện, chỉnh sửa cùng đội ngũ biên tập viên, hoạ sĩ kỳ cựu, bà Đinh Thị Thanh Thuỷ, Tổng biên tập, Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM, thở phào nhẹ nhõm vì công việc đã hoàn thành đúng theo tâm nguyện.
Là dân văn chương, gắn bó với Sài Gòn – TP.HCM từ nhỏ, bà Thủy từng bần thần trước những di tích xưa bị đập bỏ để thay vào các công trình mới. Vì vậy, ý định phải làm một cái gì đó để góp phần lưu giữ di sản Sài Gòn cứ thôi thúc bà. Từ thành công của bộ lịch về cổ vật năm 2017, bà Thuỷ mạnh dạn “gõ cửa” ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử – văn hóa (Sở VH-TT TP.HCM), để xin phối hợp làm bộ lịch Dấu xưa Sài Gòn. Phía trung tâm đã cung cấp cho bà toàn bộ hình ảnh các di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử của TP.HCM để tuyển chọn. Bên cạnh đó, NXB cũng tổ chức đi chụp thêm các di sản Sài Gòn để có đủ hình ảnh cho 365 tờ lịch. Không chỉ có những hình ảnh dấu xưa Sài Gòn đẹp, trên mỗi tờ trong bộ lịch còn đăng kèm các câu ca dao, đoạn thơ hay tranh minh hoạ về sinh hoạt của người Sài Gòn xưa…
Cùng ý tưởng này, ông Hoàng Quốc Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Song Hành, đơn vị cùng NXB Hồng Đức vừa cho ra mắt bộ lịch siêu đại Hành trình Di sản Việt 2018, cho biết: “VN không chỉ có bề dày văn hoá mà còn có cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ. Chính sự giao thoa giữa văn hoá và thiên nhiên đã tạo cho VN một hệ thống di sản thiên nhiên, di sản văn hoá, đến di sản văn hoá phi vật thể đa dạng và phong phú, trải dài từ bắc đến nam. Do đó, chúng tôi ấp ủ ý tưởng cho ra đời bộ lịch về di sản trong suốt 2 năm. Sau khi tập trung cho hình ảnh, tôi phải nhờ nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hiền (ở Huế) lo phần giới thiệu để chỉ cần xem chú thích trên mỗi bức ảnh, mọi người sẽ có đủ thông tin cần thiết về di sản ấy”.
Nhờ được đầu tư công phu, hình ảnh màu đẹp, ghi chú cụ thể mà bộ lịch Hành trình Di sản Việt 2018 rất sinh động và hấp dẫn. Từ vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đến các quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn đều trở nên lung linh mà cũng rất gần gũi. Phần giới thiệu khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, quần thể danh thắng Tràng An có nội dung rõ ràng, đọc rất thú vị. Các kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại gồm: nhã nhạc, âm nhạc cung đình VN, không gian văn hoá cồng chiêng Tây nguyên, dân ca quan họ, hát ca trù, hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng, hát xoan ở Phú Thọ, đờn ca tài từ Nam bộ, dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh…, những di sản tư liệu thế giới: mộc bản triều Nguyễn, bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long… hiện lên hấp dẫn như những thước phim quay chậm. Các di sản tư liệu châu Á – Thái Bình Dương: mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm, châu bản triều Nguyễn tỉnh Thừa Thiên-Huế, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế…, công viên địa chất toàn cầu như cao nguyên đá Đồng Văn và một số khu dự trữ sinh quyển thế giới tại VN… đều sống động trên từng tờ lịch.
Sức mua tốt
Công ty văn hóa Hương Trang (TP.HCM) năm nay có rất nhiều đề tài lịch phong phú nhưng ông Nguyễn Hữu Cứ, đại diện công ty, vẫn tiếc vì đã “lỡ nhịp” với mảng lịch di sản. “Năm tới chúng tôi sẽ quyết làm hết sức hoành tráng. Nhiều công trình của Sài Gòn xưa được quốc tế biết đến mà người trong nước vẫn chưa tỏ tường. Hiện các đơn vị có xuất khẩu lịch sang Mỹ và một số nước có cộng đồng người Việt sinh sống… Do đó, lịch di sản là cơ hội quảng bá tốt cho di sản VN”, ông nói.
Theo bà Đinh Thị Thanh Thuỷ, do tính chất mới lạ, được đầu tư công phu nên sức mua các loại lịch di sản năm nay rất tốt. Các đơn vị phát hành đã đăng ký với số lượng lớn để phục vụ khách hàng, nhất là những người Việt xa xứ. Đặc biệt, khi biết NXB Tổng hợp TP.HCM ra ấn phẩm Dấu xưa Sài Gòn, có đơn vị tại TP.HCM đã ký kết hợp đồng trị giá trên 1 tỉ đồng.
Còn Tổng giám đốc Hoàng Quốc Hưng thì hy vọng từ thành công của bộ lịch Hành trình Di sản Việt 2018, nhiều đơn vị khác năm tới sẽ cùng đơn vị tham gia vào mảng đề tài độc đáo này để thị trường lịch ngày càng đa dạng, ngày càng có nhiều di sản được tôn vinh trên lịch.
Lê Công Sơn