Giấc mơ trường lớp từ trang vở: Ông thầy xót xa phận trò nghèo
“Nếu là con mình mà vất vả đến lớp như vậy mình cũng xót lắm!”. Và thầy Nguyễn Quốc Khởi đã xăng xái để học trò không phải lội sình đi học, không phải học trong lớp học ướt mèm mỗi khi mưa…
Giấc mơ trường lớp từ trang vở: Ông thầy xót xa phận trò nghèo
“Nếu là con mình mà vất vả đến lớp như vậy mình cũng xót lắm!”. Và thầy Nguyễn Quốc Khởi đã xăng xái để học trò không phải lội sình đi học, không phải học trong lớp học ướt mèm mỗi khi mưa…
Năm 2007, khi mới 30 tuổi, thầy Nguyễn Quốc Khởi được điều về làm hiệu trưởng Trường tiểu học An Thạnh 2A. Trường nằm ở địa bàn hẻo lánh của huyện Cù Lao Dung, huyện nằm giữa dòng Mekong chảy ra biển, biệt lập với phần còn lại của tỉnh Sóc Trăng.
Nếu đó là con mình…
Do đi lại khó khăn, trường phải chia ra làm nhiều điểm lẻ để học sinh đi học gần hơn. Trường có 25 lớp thì có đến 5 điểm lẻ như thế. Hầu hết các điểm trường này đều cất bằng cây lá địa phương từ hàng chục năm trước nên đã xuống cấp.
Điểm Rạch Dầy dột ướt, học sinh không thể nào học được lúc trời mưa; điểm Xóm Rẩy vừa dột vừa ngập, hay điểm trường chính là Bà Chủ cũng nằm giữa vùng sình lầy…
Thầy Khởi nhớ lại: nhìn cảnh trẻ nhỏ xứ cồn đi học quá khó khăn, ông không khỏi chạnh lòng. “Nếu là con mình mà vất vả đến lớp như vậy, mình cũng phải xót lắm!”.
Thầy Khởi nói lúc đó ông đã nhờ các giáo viên trên đường đi dạy kiêm luôn nhiệm vụ đưa học sinh cùng tuyến đường đến lớp. Đám học trò nhỏ thay vì tự cuốc bộ tới trường thì chúng tụm lại thành nhóm để chờ giáo viên đưa đi học.
Đó là chuyện tạm thời để đám nhỏ tới lớp an toàn. Nhưng lâu dài, các em cần được học ở những lớp học đảm bảo không phải bị dột ướt. Lúc ấy, ngân sách của huyện cù lao chưa thể xây những ngôi trường khang trang để thay cho những điểm trường tạm bợ.
Thầy Khởi chỉ còn cách nhờ người dân tốt bụng giúp đỡ. “Ba tui ngày trước làm thầy thuốc trị bệnh cho nhiều người, nên tui về đây bà con cũng thương. Người dân chia sẻ khó khăn của trường nhiều lắm…”.
Đã 10 năm nhưng thầy Khởi nói ông không quên những tấm lòng của người dân đã giúp nhà trường sửa lại những lớp học cho tươm tất hơn. Như ông Mười Tiến đã kêu thầy hiệu trưởng lại cho hai cây dừa lão để cưa ra làm đòn tay lợp lại mái trường; ông Tư Tăng, người hiến đất xây điểm trường Rạch Dầy, cũng kêu lại cho cây gỗ…
Không tiền mướn nhân công sửa trường, thầy Khởi huy động giáo viên của trường, vận động người dân lân cận đến giúp sức. Cô giáo thì làm vệ sinh, phụ giúp việc nhẹ, thầy giáo thì ôm đất đắp đường, cưa cây, leo lợp lại mái tôn…
Con đường vào trường cũng được “xóa sình lầy” khi người dân đóng góp người 5.000, người 10.000 đồng… để tráng lại ximăng.
Từ câu chuyện sửa lại mái trường, tráng ximăng đường sình lầy, người hiệu trưởng trẻ tuổi đã hâm nóng tinh thần cùng chăm lo cho chuyện học của con em người dân An Thạnh 2 từ các giáo viên.
Nhiều giáo viên đứng ra “đỡ đầu” cho học sinh, cho các em nhà xa ở nhà mình, nấu cơm cho ăn… Phụ huynh rất hài lòng với cách mà giáo viên Trường An Thạnh 2A chăm lo cho con em mình.
Thầy Nguyễn Quốc Khởi là người hay phong trào, nhưng phong trào nào cũng tới nơi tới chốn
Ông Nguyễn Văn Giáp (phó chủ tịch Hội khuyến học huyện Cù Lao Dung)
Nghề giáo không thể dễ dãi
Còn đối với giáo viên của trường, từ khi nghe tin thầy Khởi được điều về làm hiệu trưởng thì nhiều người tỏ ra dè dặt. Một giáo viên kể: “Hồi đó, khi còn trong đoàn thanh tra của phòng giáo dục, nghe đâu thầy Khởi đề xuất cho thôi dạy 6 thầy cô giáo. Nên khi nghe thầy về đây nhiều người cũng ngán”.
Thầy Nguyễn Quốc Khởi xác nhận có chuyện ông từng đề xuất cho thôi dạy những giáo viên đó, bởi một lý do: “Tôi thấy họ không còn tâm huyết với nghề. Có người tôi dự giờ đến 7 lần nhưng cũng không thay đổi. Thậm chí còn bỏ tiết, dạy thì không có giáo án, nói năng thì không giữ chuẩn mực sư phạm…
Ngay trong thời gian tôi làm hiệu trưởng Trường tiểu học An Thạnh 2A cũng phải kỷ luật không ít giáo viên. Sau đó, họ đều là những giáo viên tốt”.
Ông chia sẻ quan điểm: “Anh công nhân không toàn tâm toàn ý có thể làm hư một sản phẩm. Nhưng giáo viên nếu không tốt thì có thể làm hư cả một thế hệ. Mình không thể dễ dãi được…”.
Năm 2009, điểm trường chính Bà Chủ được xây mới khang trang. Trường cũng được nhận nhiệm vụ xây dựng thành trường chuẩn quốc gia.
“Xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn là một chuyện. Còn xây dựng chất lượng dạy và học đạt chuẩn mới là vấn đề thiết thực hơn”, thầy Khởi chia sẻ.
Kết quả của quyết tâm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, xây dựng kỷ cương dạy và học từ nhiều năm tại nhà trường trở thành nền tảng để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2011-2012, Trường tiểu học An Thạnh 2A được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Đến năm học 2016-2017, trường được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, là một điểm sáng trong giáo dục của huyện Cù Lao Dung và tỉnh Sóc Trăng.
Năm học 2016-2017, các điểm trường lẻ ngưng hoạt động. Để cho học sinh được học ở ngôi trường mới khang trang, thầy hiệu trưởng tổ chức mời phụ huynh đến “tham quan” cơ sở vật chất của trường.
Bước vào ngôi trường rợp bóng cây xanh, từng góc nhỏ đều được chăm chút sạch mát… phụ huynh rất hài lòng. Từ hài lòng, người cho cây trồng trước sân trường, người xây cho bồn hoa, nhiều người góp tiền làm mái che… giúp cho trường thêm khang trang.
Giữ được chất lượng khó hơn
Thầy Nguyễn Quốc Khởi – Ảnh: TIẾN TRÌNH
Thầy Khởi là 1 trong 64 giáo viên tiêu biểu của cả nước được nhận bằng khen của bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017.
Và ông thầy phong trào vẫn đau đáu nỗi lo: “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã khó, giữ được chất lượng sau khi đạt chuẩn càng khó hơn”.