12/01/2025

TP Hồ Chí Minh nếu có cơ chế riêng, giáo viên sẽ sống được bằng lương

Làm sao nâng cao đời sống giáo viên, xây dựng chế độ để giáo viên sống được bằng lương… là vấn đề được đặt ra tại buổi gặp gỡ giữa Thường trực Thành uỷ – UBND TP Hồ Chí Minh cùng các nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 35 năm Ngày nhà giáo Việt Nam, vào ngày 17/11.

 

TP Hồ Chí Minh nếu có cơ chế riêng, giáo viên sẽ sống được bằng lương

 

Làm sao nâng cao đời sống giáo viên, xây dựng chế độ để giáo viên sống được bằng lương… là vấn đề được đặt ra tại buổi gặp gỡ giữa Thường trực Thành uỷ – UBND TP Hồ Chí Minh cùng các nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 35 năm Ngày nhà giáo Việt Nam, vào ngày 17/11.

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá về ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh, thầy Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho rằng sự phát triển của ngành giáo dục thành phố thể hiện rất rõ nét, thế nhưng sự phát triển này chưa thật sự bền vững. Theo thầy Huỳnh Công Minh, để ngành giáo dục phát triển một cách bền vững, quan trọng nhất là phải có chế độ chính sách cho giáo viên để họ yên tâm công tác.


“Hiện giáo viên có thể sống được bằng lương nhưng sống không yên tâm, phải xoay sở chạy vạy. Thầy giáo mà luôn tất bật lo lắng về cuộc sống thì chưa trọn vẹn là một kỹ sư tâm hồn. Đứng trên bục giảng mà đầu óc phải suy nghĩ, lo toan nhiều quá thì đó là thiệt thòi cho học sinh, cho đất nước”, thầy Minh chia sẻ.

 

Theo thầy Huỳnh Công Minh, để giáo dục phát triển bền vững thì cần phải có một chế độ chính sách ưu đãi cho giáo viên.

Còn cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, cho hay uy tín thương hiệu nhà trường sẽ được khẳng định bằng việc sinh viên ra trường có đáp ứng nhu cầu không. Để hội nhập, nhà trường thực hiện chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, thế nhưng việc chuyển giao chương trình từ nước ngoài gặp khó khăn do thiếu đội ngũ giáo viên có trình độ ngoại ngữ. Với điều kiện thu nhập của giáo viên như hiện nay, rất khó để thu hút và giữ chân giáo viên vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi ngoại ngữ.


Cũng băn khoăn về lương của người làm công tác giáo dục, thầy Phan Văn Quang, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình chia sẻ, với quy định về mức lương như hiện nay sẽ làm hạn chế việc nâng cao trình độ tri thức của đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, những giáo viên đang dạy tại các trường được điều động về công tác tại các phòng và Sở thì bị cắt nhiều khoản trợ cấp nên rất khó khăn. Do đó, Thành phố cũng cần phải có cơ chế riêng và quan tâm đến đội ngũ chỉ đạo công tác chuyên môn từ các Phòng giáo dục và Sở giáo dục.


“Ngành giáo dục thành phố sẽ có rất nhiều cơ hội nếu TP Hồ Chí Minh có cơ chế đặc thù riêng. Khi có cơ chế đặc thù riêng, thành phố hoàn toàn có điều kiện để chăm lo cho đội ngũ giáo viên và giáo viên của thành phố sẽ sống được bằng lương”, PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, khẳng định.


Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố luôn có chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo.


Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên, đảm bảo cung cấp đủ số lượng giáo viên các cấp cho ngành, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên các cấp.


Trao đổi với các đại biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, lãnh đạo thành phố luôn nhận thức đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Dù ngân sách thành phố đang gặp nhiều khó khăn, nhưng thành phố vẫn ưu tiên đầu tư cho giáo dục, mỗi năm thành phố có hơn 1.000 phòng học mới được đưa vào sử dụng.


Về chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của ngành học mầm non; hỗ trợ viên chức y tế trong trường học, có chế độ chính sách với tổng phụ trách Đội tại các trường, trợ lý thanh niên tại Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện.


Năm học 2016 – 2017, TP Hồ Chí Minh đã triển khai tiếp tục chế độ hỗ trợ thêm 3 năm đối với giáo viên mầm non mới ra trường. Thành phố cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho thành phố về chính sách hỗ trợ giáo viên dạy học sinh khuyết tật, giáo viên kiêm nhiệm công tác giáo dục công dân trong nhà trường. 


Sắp tới, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ đề xuất HĐND Thành phố về chính sách hỗ trợ cho giáo viên tiểu học đang công tác trên địa bàn thành phố.


 

 

 

Đan Phương/Báo Tin tức