12/01/2025

‘Những giỏ hoa nhiệt đới’ ở biển đảo Việt Nam

‘Những giỏ hoa nhiệt đới’ là cách một nhà nghiên cứu nói về các sản vật của VN, của vùng Đông Nam Á, khi giao thương với thế giới qua đường biển.

 

‘Những giỏ hoa nhiệt đới’ ở biển đảo Việt Nam.

‘Những giỏ hoa nhiệt đới’ là cách một nhà nghiên cứu nói về các sản vật của VN, của vùng Đông Nam Á, khi giao thương với thế giới qua đường biển.


 

 

Bìa cuốn sách	  /// Ảnh: Trinh Nguyễn

Bìa cuốn sáchẢNH: TRINH NGUYỄN

Trong cuốn Khảo cổ học biển đảo Việt Nam – Tiềm năng và triển vọng có nhiều câu chuyện như thế.
Xác định chủ quyền biển đảo
 
 
Cuốn Khảo cổ học biển đảo 
Việt Nam – Tiềm năng và triển vọng, do PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, TS Đặng Hồng Sơn đồng chủ biên, gồm 3 phần: Quá trình chiếm lĩnh khai thác các vùng biển đảo; Kết quả nghiên cứu khảo cổ học biển đảo VN; Ứng dụng một số lý thuyết, phương pháp trong nghiên cứu và khai thác di sản khảo cổ học biển đảo VN. 

 

PGS-TS Lại Văn Tới (Trung tâm nghiên cứu Kinh thành) từng tới Trường Sa khai quật khảo cổ học từ những năm 1990. Khi đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ thị cho Viện Khảo cổ khai quật ở quần đảo này. Những cuộc khai quật liên tiếp đã cho thấy văn hóa vật chất của người Việt ở quần đảo Trường Sa, cũng như sự có mặt liên tục của người Việt tại đây. Ngoài đồ gốm ở nhiều thời kỳ còn có các đồng tiền niên hiệu Minh Mạng và Tự Đức.

“Sự có mặt của tiền kim loại ở đây rất phù hợp với ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, năm 1776. Các di vật khai quật ở hố cho thấy sự có mặt của người VN trên đảo này ít ra từ cuối thời Trần”, ông Tới công bố trong cuốn Khảo cổ học biển đảo Việt Nam – Tiềm năng và triển vọng. Sách thuộc Tủ sách khoa học của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cuốn sách còn có những bài viết khác nói tới câu chuyện dân tộc ta đã sinh sống, thực thi chủ quyền quốc gia ở trên biển từ rất sớm. “Các nhà nước Ngô, Đinh, Tiền Lê dưới các hình thức khác nhau đều đã có sự quan tâm đặc biệt đến biển. Đến thời Lý, đặc biệt thời vua Lý Anh Tông, nhà vua đã có cả một chiến lược tương đối đầy đủ và hệ thống đối với các vùng biển đảo. Bước sang thời Trần, công việc tổ chức khai thác và phòng thủ biển đảo càng ngày càng đi vào quy củ, làm nền cho kỳ tích anh hùng 3 lần đánh bại đế chế Nguyên – Mông hùng mạnh và tàn bạo nhất thế giới thời ấy. Dưới thời Lê, đặc biệt thời Lê Thánh Tông cuối thế kỷ 15, Biển Đông trở thành con đường chủ đạo mở mang quốc gia Đại Việt. Vùng duyên hải phía nam được kéo dài đến địa đầu Phan Rang và mở rộng ra bãi Cát Vàng”, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện VN học và khoa học phát triển) viết.
Cũng theo GS-TS Ngọc, với các kết quả khai quật của Viện Khảo cổ tại Trường Sa, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định trên các đảo thuộc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã có dấu tích con người VN từ thời tiền sử cho đến thời dựng nước và thời hiện đại liên tục qua lại, làm ăn và cư trú.
'Những giỏ hoa nhiệt đới' ở biển đảo Việt Nam - ảnh 1

Cổ vật trên các con tàu đắm ở vùng biển miền TrungẢNH: HIỂN CỪ

Con đường buôn bán, con đường văn hóa
Mặc dù có những câu chuyện về chủ quyền, theo đồng chủ biên cuốn sách, PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, khảo cổ học biển đảo còn có nhiều vấn đề hơn thế. Chẳng hạn, trong cuốn sách có những câu chuyện về các con đường giao thương, về Hội An rực rỡ. Cũng có cả câu chuyện về văn hóa như các tục tập thờ cúng hay các điệu hò…
Tác giả Lê Hồng Khánh (Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi) giới thiệu di sản Vè các lái (còn gọi là Hò thuỷ trình) là một sản phẩm văn hoá dân gian độc đáo của những người đi ghe bầu. Bài vè là một hải đồ cất trong trí nhớ của người đi biển, miêu tả đầy đủ các địa danh, sông lạch núi non, ngầm đá cửa sông, phố xá, thời tiết khí hậu từng vùng, lưu ý những nơi hiểm nguy thường gây tai nạn cho thuyền bè; đồng thời giới thiệu về các đội tàu đưa ngư dân Quảng Ngãi đi làm nhiệm vụ ở đảo xa theo lệnh vua.
Nhà nghiên cứu độc lập Trần Thị Vĩnh Tường (California, Mỹ) lại có bài viết Việt Nam giỏ hoa nhiệt đới, trong đó kể các chi tiết về những món hàng như ngọc trai, gia vị đã làm khuynh đảo thế giới ra sao, và các thương nhân đã phải vượt biển để mang chúng về từ các nước Đông Nam Á như thế nào. Bài viết cũng kể một số chi tiết về ghe thuyền và cảng: “Chẳng hạn, năm 1428, khi thắng quân Minh, Vương Thông xin hàng, vua Lê Lợi sai đường thuỷ cấp cho 500 chiếc thuyền cho Vương Thông về nước. Hàng tướng lạy tạ mà về, vừa cảm ơn vừa xấu hổ đến chảy nước mắt”.
PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung giới thiệu về văn hoá Sa Huỳnh với những chuỗi đá hoàn hảo. Với dấu tích khảo cổ, bà Dung cho rằng nhiều khả năng người Sa Huỳnh đã nhập nguyên liệu và chế tác một số loại trang sức tại chỗ. Đồ sắt trong văn hoá Sa Huỳnh chủ yếu được sản xuất bằng cách rèn; quặng sắt được tìm thấy như đồ tuỳ táng trong một số chum, nhưng chúng ta không có nhiều tư liệu về nơi khai thác quặng sắt.
Làm chủ một khối lượng tư liệu từ châu Âu, Mỹ, PGS-TS Hoàng Anh Tuấn (ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), Đỗ Trường Giang (Viện Đông Nam Á) lại viết về Hội An trong mạng lưới thương mại biển Á châu (thế kỷ 7 – 13). Bài viết cho biết về nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hoá có nguồn gốc từ Đông Nam Á, chẳng hạn như trầm hương, quế, hồ tiêu, ngà voi, sừng tê…
TS Trần Đức Anh Sơn thì có bài về đóng thuyền và tàu thuyền Đàng Trong thế kỷ 17 – 18. Trong đó, ông cho biết ngoài việc đóng thuyền để phục vụ cho nhu cầu trong nước, Nguyễn Ánh còn đóng thuyền cho Xiêm La (Thái Lan) do mối quan hệ liên minh. Số thuyền chuyển sang Xiêm La còn nhằm đổi lấy vũ khí để trang bị cho binh sĩ… TS Phạm Văn Thủy (ĐH KHXH-NV Hà Nội) viết về thủy quân VN thế kỷ 17 – 18 và đầu 19 qua sử liệu phương Tây.
Theo PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, tiềm năng khảo cổ học biển đảo VN là rất lớn. Cuốn sách, vì thế cũng hé mở những hướng đi tiếp của khảo cổ học biển đảo. Trong đó có dự án của nhóm nghiên cứu 4 người Nhật, 1 người Việt có tên Nishimura Châu Tân – con tàu đắm cổ nhất tìm thấy ở VN, chứng cứ về tuyến đường gốm sứ ven biển. Con tàu Châu Tân đã bị lấy cắp đồ vật ngay khi được phát hiện. Trước đây, các di tích tàu đắm trong lịch sử VN đều bị bỏ mặc, không được lên kế hoạch bảo vệ như một địa điểm khảo cổ học và không có thông tin khảo cổ nào về quy mô cũng như vị trí tàu đắm. Môi trường tàu đắm bị xáo trộn, bộ phận chính bị hư hại nặng nề do nạn trục vớt trộm cổ vật. Cố TS Nishimura (Nhật Bản) đã tiếp cận nhà sưu tập tư nhân sở hữu hầu hết di vật thu được của tàu để hướng tới việc xây dựng một bảo tàng văn hoá biển hoặc trung tâm tài nguyên biển.

 

Trinh Nguyễn