11/01/2025

Vì sao TP.HCM cần có cơ chế, chính sách đặc thù? Để chủ động giải quyết hạ tầng kinh tế – xã hội

Các bức xúc, vấn nạn ở TP.HCM như kẹt xe, ngập nước… mà người dân gặp phải có thể sẽ được giải quyết chủ động hơn khi TP.HCM có cơ chế, chính sách đặc thù.

 

Vì sao TP.HCM cần có cơ chế, chính sách đặc thù? Để chủ động giải quyết hạ tầng kinh tế – xã hội.


Các bức xúc, vấn nạn ở TP.HCM như kẹt xe, ngập nước… mà người dân gặp phải có thể sẽ được giải quyết chủ động hơn khi TP.HCM có cơ chế, chính sách đặc thù.

 

 

 

Tình trạng ngập nước ảnh hưởng lớn đến người dân TP.HCM /// Ảnh: Ngọc Dương

Tình trạng ngập nước ảnh hưởng lớn đến người dân TP.HCMẢNH: NGỌC DƯƠNG.

Do thiếu hụt trầm trọng nguồn lực đầu tư, hạ tầng kinh tế – xã hội, TP.HCM đối mặt với nhiều thách thức lớn, kéo theo cuộc sống sinh hoạt người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Tình trạng ngập nước dai dẳng ở nhiều khu vực dân cư, từ nội thành ra ngoại thành.
Cảnh kẹt xe, ùn tắc xảy ra liên tục trên hầu hết các tuyến đường giao thông, từ cổng trường đến sân bay, bến cảng…
Trong khi đó, nhu cầu đầu tư cho 7 chương trình đột phá của TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 cần số vốn rất lớn, ước tính khoảng 850.000 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập chiếm tỷ lệ khoảng 60%. Tuy nhiên, ngân sách TP.HCM hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư.
Cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng TP đang đứng trước những bài toán khó cần sớm được tháo gỡ về cơ chế, chính sách. Nhiều năm qua, cơ chế, chính sách đối với TP.HCM, không khác nhiều so với các tỉnh xa, dân số ít.
Theo bà Thảo, một số lĩnh vực đề xuất được thí điểm là công tác quản lý quy hoạch đô thị và đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính – ngân sách; cơ chế uỷ quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý.
“Nhìn một cách tổng thể, các lĩnh vực được đề xuất nói là phân cấp, phân quyền nhưng chủ yếu là ủy quyền. Nếu nghị quyết được Quốc hội thông qua với một số nội dung thí điểm nói trên thì TP.HCM có phần chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách về hạ tầng kinh tế – xã hội”, bà Thảo nói thêm.
Cụ thể như, để chủ động phát triển nhanh hạ tầng và đối với những dự án quan trọng, TP.HCM không phải chờ khi nào T.Ư có nguồn vốn phân bổ thì mới làm, điển hình như đường Vành đai 3 về giao thông. Dự án này đặc biệt quan trọng, quyết định đến tăng trưởng kinh tế đối với TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam; do Bộ GTVT quản lý nhưng vì ngân sách T.Ư không bố trí được vốn nên từ nay đến năm 2020 vẫn chưa có kế hoạch “đụng đến”.
Từ thực tế trên, TP.HCM cần cơ chế “đặc thù” là thông qua hợp tác công tư, vay nợ mà không vượt trần vay nợ quốc gia… để phát triển những dự án hạ tầng của TP.HCM trong khi chờ ngân sách T.Ư. Để những vấn đề phát sinh được giải quyết nhanh, thì xin phân cấp, phân quyền từ T.Ư cho TP.HCM, thay vì Chính phủ làm hết thì có thể giao cho TP.HCM làm một số việc.
Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, chia sẻ: “Người dân, cán bộ, đảng viên khi nghe nói đến cơ chế, dù khoác cho nó tên gọi đặc thù hay phù hợp, dù với tinh thần “TP vì cả nước, cả nước vì TP” đi chăng nữa…, thì điều mà họ trông đợi là có được những quyết sách cụ thể thật sự phù hợp và hỗ trợ nhiều hơn cho TP.HCM, giúp TP.HCM phát triển, không chỉ cho riêng mình, mà còn góp sức cho cả nước cùng đi lên. Có như vậy, TP.HCM mới có thể thực hiện tốt vai trò đầu tàu, có thế và lực để mà đột phá thật sự”.
Không xin phân bổ thêm ngân sách
Khi có cơ chế đặc thù, TP.HCM sẽ chủ động huy động các nguồn lực: vốn vay, hợp tác công tư, cổ phần hóa doanh nghiệp, tiền sử dụng đất… để đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo nhiệm vụ phát triển TP.HCM theo yêu cầu của Nghị quyết 16-NQ/TW năm 2012 của Bộ Chính trị và Kết luận 21-KL/TW ngày 24.10.2017 của Bộ Chính trị.
“Theo nguyên tắc phát triển, một nền kinh tế đầu ra rất lớn thì đầu vào phải lớn, như động cơ muốn chạy nhanh thì tốn nhiều xăng, chứ muốn xe chạy nhanh mà xăng ít thì chạy sao nổi. TP.HCM đang trong trạng thái như thế, muốn chạy nhanh mà lại thiếu xăng”, một lãnh đạo Thành uỷ TP.HCM nói và chỉ ra khi nhìn con số tuyệt đối mà TP.HCM được giữ lại (63.000 tỉ đồng) so với các địa phương khác là rất lớn, thế nhưng so với chính đầu ra của TP.HCM (thu ngân sách khoảng 350.000 tỉ đồng) thì lại nhỏ.

“Tiền được giữ lại, mỗi năm làm 2 việc, đó là phát triển kinh tế và phát triển hạ tầng. Khi không đủ tiền, chúng ta dồn vào kinh tế thì hạ tầng thiếu hụt thôi”, vị này phân tích thêm.

“TP.HCM xin cơ chế, chính sách đặc thù chứ không xin T.Ư phân bổ thêm ngân sách”, vị lãnh đạo này nói và phân tích: “Ngân sách trung hạn giai đoạn 2017 – 2020 quyết định xong rồi, phân chia tỷ lệ ngân sách cho TP.HCM được hưởng chỉ 18% là “cứng” rồi, TP.HCM không đề nghị điều chỉnh tỷ lệ phân chia này, vẫn giữ nguyên 18% mà trước đó Quốc hội đã thông qua. Tất cả trách nhiệm của TP.HCM về thuế với cả nước vẫn giữ nguyên, cho nên việc có cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM không làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư trung hạn của cả nước, không làm ảnh hưởng đến thu chi ngân sách của các lĩnh vực, của các địa phương khác dựa vào ngân sách T.Ư. Trong tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cũng khẳng định rõ nguyên tắc này”.
Đề nghị nhiều cơ chế đặc biệt cho TP.HCM
Chính phủ vừa có Tờ trình và dự thảo nghị quyết gửi đến Quốc hội (QH) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với những đề xuất mang tính vượt trội.
Trong đó, điển hình là các cơ chế về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước. Cụ thể, dự thảo nghị quyết đề nghị TP.HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho TP vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp. Theo quy định hiện hành, mức dư nợ vay của TP.HCM không quá 70% thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.
Ngân sách TP.HCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP.HCM quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP.HCM làm đại diện chủ sở hữu.
Dự thảo nghị quyết quy định HĐND TP.HCM báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ QH quyết định áp dụng trên địa bàn TP.HCM và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất về các vấn đề: Thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành (trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu); phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo luật Phí và lệ phí…
Chí Hiếu

 

Đình Phú