Năng lực của người quản lý là điều được nói đến nhiều trong toạ đàm Tự do sáng tạo và sự đa dạng của các hình thức biểu đạt mỹ thuật, nhiếp ảnh ở VN.
Tự do sáng tạo còn khoảng cách nhà quản lý – nghệ sĩ.
Năng lực của người quản lý là điều được nói đến nhiều trong toạ đàm Tự do sáng tạo và sự đa dạng của các hình thức biểu đạt mỹ thuật, nhiếp ảnh ở VN.
Ngậm hoa là… nghèo đói?
Khả năng nghề nghiệp của người quản lý trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật vẫn là câu chuyện chưa giải quyết được… Vì nghệ thuật thực sự cũng đâu có dễ hiểu
Ông Lương Xuân Đoàn, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hoá văn nghệ, Ban Tư tưởng văn hóa T.Ư
Dù chuyện đã qua từ rất lâu, họa sĩ Thành Chương vẫn nhớ rõ toàn bộ ấn bản của một số báo Người Hà Nội đã vì một bức tranh của anh mà bị huỷ như thế nào. Khi đó, họa sĩ được đặt vẽ bìa cho số báo này. Ông vẽ chính vợ mình với mái tóc dài bay theo gió, miệng ngậm một bông hoa. Số báo được in ra, một lãnh đạo Bộ Văn hoá khi đó gọi điện đến tòa soạn. “Họ nói thành phố đang thực hiện vận động nếp sống văn minh, tại sao lại đưa một cô gái đầu tóc bù xù lên báo. Cô gái lại ngậm hoa trông không khác gì ngậm cỏ, có phải ý nói đất nước khó khăn nghèo đói nên phải ăn cỏ à?”, hoạ sĩ Thành Chương chia sẻ trong toạ đàm Tự do sáng tạo và sự đa dạng của các hình thức biểu đạt mỹ thuật, nhiếp ảnh ở VN, do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 14.11 tại Hà Nội.
Nhưng không chỉ những năm xưa mới có chuyện như vậy. Hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cũng chia sẻ câu chuyện bức bích hoạ của anh tại gầm cầu Long Biên (Hà Nội) đang bị đặt câu hỏi. Bức tranh vẽ chính ngôi nhà đối diện, nhà số 63 Phùng Hưng – một công trình kiến trúc từ thời Pháp hiện đã bị thời gian làm thay đổi. Tuy nhiên việc thể hiện này khiến Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trần Quốc Chiêm không ưng. Thậm chí ông Chiêm còn “bút phê” hỏi nghệ sĩ, tại sao lại là số nhà 63? Tranh đang tạm dừng không được vẽ. Ngày 15.11, nghệ sĩ sẽ phải lên gặp và trao đổi với Sở VH-TT Hà Nội về tác phẩm này.
“Luật ngầm” ảnh nude?
Mỹ thuật là vậy, nhiếp ảnh cũng không khá hơn. Cho tới nay mới chỉ có một triển lãm ảnh nude được cấp phép mặc dù số nghệ sĩ chụp nude cũng nhiều. Những người chụp ảnh nude thậm chí đã in sách, in lịch với ảnh nude, nhận giải thưởng của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh với tác phẩm nude, nhưng triển lãm vẫn bị từ chối. Nghệ sĩ Thái Phiên, người chụp nude lâu năm, còn cho rằng có một “luật ngầm” ảnh nude phụ nữ không được lộ “điểm đen”.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên biện minh cho việc ảnh nude trong triển lãm ở VN vì sao rất kín đáo: “Đó là cái văn hoá của VN đấy. Nó khác với văn hoá Tây Âu người ta có thể nhìn thẳng không giấu giếm. Ở VN thì tư thế được điều chỉnh Á Đông hơn. Phụ nữ khoả thân ở châu Âu có thể có dáng rất mạnh về chỗ nhạy cảm. Nhưng nói chung ở phương Đông, ở VN thì bao giờ cũng tìm khía cạnh ý nhị hơn. Đó là suy nghĩ của công chúng. Người phụ nữ của phương Đông khắt khe, thậm chí ở nước Hồi giáo còn che mặt. Có bà còn gặp tôi đề nghị ảnh khoả thân không được phép lộ mặt. Họ nói phụ nữ phải được bảo vệ danh dự, nhân phẩm”.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng lại nói về sự can thiệp khi quản lý nghệ sĩ nước ngoài tới VN sáng tác. “Nghệ sĩ nước ngoài tới nông thôn sáng tác, chúng tôi cũng vất vả với việc kê khai tạm trú. Nếu bảo họ đến VN để du lịch thì không sao, chứ nói để lưu trú sáng tác thì rất lắm chuyện. Như thế giao lưu quốc tế sẽ rất khó”, nhà nghiên cứu nói.
“Tư tưởng tự do sáng tạo trong chủ trương của Đảng không hề thay đổi. Nhưng tại sao vẫn có khoảng cách giữa nhà quản lý và sự sáng tạo của nghệ sĩ? Khả năng nghề nghiệp của người quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vẫn là câu chuyện chưa giải quyết được. Nhất là ở các địa phương, họ càng bị kém chuyên môn, kém hiểu biết để có thể hiểu được nghệ thuật. Vì nghệ thuật thực sự cũng đâu có dễ hiểu”, ông Lương Xuân Đoàn, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hoá văn nghệ, Ban Tư tưởng văn hóa T.Ư, nhận định.
Nới không gian cho nghệ thuật thử nghiệm
Dịch giả, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long lại muốn giới hạn sự tự do biểu đạt trong khuôn khổ của luật Bản quyền. Theo ông Long, nhiều vụ chép tranh công khai, bày tranh chép công khai ngay tại Bảo tàng Mỹ thuật đã khiến uy tín của mỹ thuật VN giảm rất nhiều. Gần đây, còn có hiện tượng các hoạ sĩ, các nhiếp ảnh gia sao chép tranh ảnh của người khác vào tác phẩm của mình. “Có những vụ bị xử lý, có vụ chưa. Và có những vụ sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường mỹ thuật. Biểu đạt tự do nhưng phải không vi phạm luật Bản quyền”, ông Long nói.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nêu ý kiến nên có thử nghiệm để việc tự do biểu đạt tiến triển tốt hơn. Chẳng hạn, khi nghệ sĩ Lại Diệu Hà trình diễn, cô trút bỏ quần áo trên cơ thể. Và có người phản đối trình diễn này. “Những cái đó phải đưa vào khu vực thử nghiệm, nhà nước phải cho xây dựng trung tâm nghệ thuật đương đại. Nghệ sĩ làm thể nghiệm ở đó, người làm mỹ thuật xem với nhau. Thử nghiệm thấy được thì mở rộng dần. Những cái hơi nhạy cảm thì phải thử nghiệm trước”, ông Thượng đề xuất.
Ông Lương Xuân Đoàn cũng cho rằng: “Rất cần nới rộng các không gian cho nghệ thuật thử nghiệm. Qua 30 năm, có nhiều nghệ thuật thử nghiệm ra đời, và nghệ sĩ cũng được quyền công bố những thử nghiệm của mình. Còn chuyện hay, dở bàn sau nhưng phải thay đổi thói quen thị giác. Đó cũng là quyền được thể nghiệm của nghệ sĩ”.