10/01/2025

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Tạo đòn bẩy cho đầu tàu cả nước

“Tôi mong Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến và đồng tình thông qua nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Tinh thần nghị quyết không chỉ dành cho TP.HCM mà vì sự phát triển chung của cả nước”.

 

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Tạo đòn bẩy cho đầu tàu cả nước.

 

 

 ”Tôi mong Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến và đồng tình thông qua nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Tinh thần nghị quyết không chỉ dành cho TP.HCM mà vì sự phát triển chung của cả nước”.


Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Tạo đòn bẩy cho đầu tàu cả nước - Ảnh 1.

Cần đầu tư vào những công trình cơ sở hạ tầng để TP.HCM phát triển nhanh hơn nữa. Trong ảnh: giao thông ùn ứ kéo dài trên đường Cộng Hòa từ vòng xoay Lăng Cha Cả đến cầu vượt Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình, TP.HCM) – Ảnh: HỮU KHOA

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chia sẻ như vậy về nghị quyết “Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM”, sẽ được Chính phủ trình Quốc hội sáng nay 14-11.

Phó thủ tướng nói: “Tôi tin rằng TP.HCM sẽ phối hợp tốt cùng với các cơ quan liên quan của Chính phủ đưa nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thực sự là đầu tàu, động lực của cả nước, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước”.

Chính phủ nhất trí cao

* Thưa Phó thủ tướng, vì sao thời điểm này cần phải có một cơ chế đặc thù cho TP.HCM phát triển?

 

TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về nhiều mặt, là đầu tàu, có sức thu hút và sự lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Từ năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 16 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020”, cho phép TP được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hoặc những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp.

Qua 5 năm thực hiện, TP.HCM đã nỗ lực và đạt được những kết quả quan trọng: giai đoạn 2011-2015, GDP của TP tăng 9,6%/năm, gấp 1,65 lần mức tăng của cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.122 USD, gấp 2,37 lần bình quân cả nước. Và đến năm 2016, TP.HCM đóng góp 21,6% GDP, 27,8% thu ngân sách của cả nước.

Tuy nhiên, sự vượt trội của TP.HCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí có xu thế tụt hậu. Các thách thức về giao thông, ngập nước, giáo dục, y tế, sự không bền vững về lao động và dân số gia tăng. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi và đã xử lý một số vấn đề cụ thể theo đề xuất của TP.

Nhưng các cơ chế này chưa có tính đột phá, thiếu toàn diện, mới chỉ trong khuôn khổ các luật và ngân sách chung của cả nước.

* Quá trình hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trung ương và TP.HCM đã thảo luận về các điểm trong nghị quyết ra sao, thưa Phó thủ tướng?

Trung ương thấy rằng cần phải ban hành cơ chế, chính sách thí điểm theo hướng vượt trội so với pháp luật hiện hành để TP.HCM tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Việc đề xuất các cơ chế, chính sách thí điểm trong dự thảo nghị quyết được Thành ủy, UBND TP.HCM xin ý kiến và được sự đồng thuận rất cao của các bộ, cơ quan trung ương. Thành ủy TP.HCM đã hoàn chỉnh báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã đồng ý có cơ chế, chính sách thí điểm để phát triển TP.HCM. Tiếp đó, Chính phủ đã thảo luận, dự thảo nghị quyết và đồng tình, nhất trí cao trình Quốc hội xem xét và thông qua nghị quyết rất quan trọng này.

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Tạo đòn bẩy cho đầu tàu cả nước - Ảnh 2.

Ảnh: V.DŨNG

TP.HCM rất đồng lòng vì cả nước

* Tỉ lệ ngân sách để lại cho TP giảm, Chính phủ và TP.HCM cần phải làm gì để tăng vốn, tăng nguồn lực nhằm tạo đòn bẩy mạnh hơn, thu hút được vốn xã hội hoá lớn hơn cho TP?

Đúng là một đồng vốn nhà nước đầu tư cho TP.HCM thì không những thu hút được nhiều vốn xã hội hoá mà còn sinh lợi nhiều hơn ở các nơi khác. 

Tuy nhiên, bên cạnh việc cần có cơ chế, chính sách đột phá và nguồn lực thích hợp cho các địa bàn trọng điểm, Đảng và Nhà nước chủ trương phải có cơ chế chính sách và nguồn lực phù hợp cho các vùng, địa phương còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… để giúp các địa phương này rút ngắn được khoảng cách phát triển với cả nước.

Để thực hiện chủ trương đó, trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, giai đoạn 2017-2020, tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP không những không tăng (như nghị quyết 16 yêu cầu) mà còn giảm khá nhanh, từ 23% xuống còn 18%. Chính phủ cũng như cá nhân tôi đánh giá rất cao sự đồng lòng, chia sẻ của TP với tinh thần TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM.

Hiện nay, dù tổng ngân sách của TP.HCM vẫn tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu bức thiết của TP. 

Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới Chính phủ chủ trương đảm bảo các khoản thưởng vượt thu ngân sách cho TP theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và trong khả năng cao nhất có thể của ngân sách trung ương; tăng bổ sung hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu, nguồn vốn ODA cho các dự án trọng điểm của TP.

Đồng thời đề xuất với Quốc hội một số cơ chế, chính sách để sử dụng thêm một số nguồn lực nhà nước như các khoản thu về cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước cũng như cơ chế, chính sách để TP thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển.

Tôi cho rằng việc sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước luôn phải đảm bảo hiệu quả, hay nói cách khác là việc TP sử dụng “vốn mồi” này “mồi” đúng chỗ, đúng thời điểm là yếu tố quyết định, tạo đòn bẩy mạnh hơn, thu hút được vốn xã hội hoá lớn hơn cho TP.HCM phát triển. Nghị quyết của Quốc hội lần này quy định trao cho TP quyền quyết định đó.

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Tạo đòn bẩy cho đầu tàu cả nước - Ảnh 3.

TP.HCM sẽ phối hợp tốt nhằm đưa nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thực sự là đầu tàu, động lực của cả nước. Trong ảnh: thi công nhà ga Ba Son, Q.1, TP.HCM thuộc tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên – Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Vậy Chính phủ sẽ làm gì để nghị quyết của Quốc hội dành cho TP.HCM được thực thi đầy đủ và phát huy cao nhất ?

Thời gian dự kiến thực hiện thí điểm cơ chế chính sách này dự kiến là 5 năm, không quá ngắn nhưng cũng không phải dài. Nghị quyết nhiều nội dung, có những nội dung làm ngay được, nhưng có những việc phải có thời gian nghiên cứu xây dựng các chương trình, đề án cụ thể, qua các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định mới có thể triển khai trong thực tế.

Đối với những nội dung đã giao thẩm quyền cho TP thì TP cần tổ chức thực hiện với nỗ lực cao nhất, Chính phủ sẽ đồng hành cùng TP.HCM. 

Với những nội dung cần nghiên cứu xây dựng thành các chương trình, đề án cụ thể để trình cấp có thẩm quyền quyết định (các khoản phí, lệ phí trong khung cho TP thu tăng thêm…), TP phải nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để sớm trình cấp có thẩm quyền quyết định, làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện.

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Tạo đòn bẩy cho đầu tàu cả nước - Ảnh 4.

“Việc TP.HCM dùng vốn “mồi” đúng chỗ, đúng thời điểm là yếu tố quyết định, tạo đòn bẩy mạnh hơn, thu hút được vốn xã hội hóa lớn hơn cho TP phát triển” – ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng Vương Đình Huệ

Tạo điều kiện để TP.HCM đi trước

* Phó thủ tướng đánh giá ra sao về lợi ích của TP.HCM và cả nước nhận được từ cơ chế này, đặc biệt là vấn đề phân cấp, phân quyền, thí điểm đã được nêu?

Phải nói rằng đây là cơ chế, chính sách vượt trội thí điểm cho TP.HCM và tương đối toàn diện, đi trước cả nước trên hầu hết các lĩnh vực, từ công tác quản lý, quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng, đặc biệt là quản lý tài chính ngân sách, phí và lệ phí, cơ chế ủy quyền quyết định thu nhập của cán bộ công chức, viên chức của TP…

Với cơ chế phân cấp, ủy quyền như trong dự thảo nghị quyết nếu được Quốc hội thông qua sẽ giúp TP.HCM chủ động hơn trong việc tổ chức điều hành phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của người đứng đầu, của các cơ quan, đơn vị thuộc TP quản lý.

Đồng thời vẫn bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp ở TP. Thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch để thực hiện việc giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể.

VIỄN SỰ Thực hiện