Đặc khu không nên ‘2 cha, 2 mẹ’
Câu chuyện vai trò của Trưởng đặc khu là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm nhất khi Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 10.11 về dự thảo luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu).
Đặc khu không nên ‘2 cha, 2 mẹ’.
Câu chuyện vai trò của Trưởng đặc khu là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm nhất khi Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 10.11 về dự thảo luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu).
Không chỉ định Chủ tịch huyện làm Trưởng Đặc khu
Theo dự thảo luật, Chính phủ đề xuất và xin ý kiến Quốc hội (QH) về 2 phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương với đặc khu. Phương án 1: không tổ chức HĐND và UBND mà thực hiện thiết chế Trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này. Phương án 2 là tổ chức chính quyền địa phương đơn gồm có HĐND và UBND.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay, cơ quan này vẫn còn 2 luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất tán thành phương án 1, tuy nhiên cân nhắc thêm để làm rõ hơn cơ chế thực hiện giám sát đối với Trưởng đặc khu, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực. Luồng ý kiến thứ hai tán thành phương án 2, lập luận cần bảo đảm nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị dù mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc khu được quyết định theo phương án nào thì cũng cần làm rõ ngay trong luật mối quan hệ theo chiều dọc, chiều ngang cũng như theo phạm vi lãnh thổ giữa chính quyền địa phương đặc khu với cấp tỉnh, T.Ư…
Chọn phương án cần có thiết chế Trưởng đặc khu, đại biểu (ĐB) Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhấn mạnh: “Chúng ta phải cần một bàn tay sắt cho đặc khu, thậm chí Chính phủ cũng phải có bộ máy chuyên biệt phục vụ 3 đặc khu, tỉnh không được chỉ đạo để tránh tình trạng 2 cha 2 mẹ”.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính dẫn kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy khi thành lập các đặc khu kinh tế đều giao cho địa phương quản lý, trong quá trình phát triển sẽ có những điều chỉnh dần cho phù hợp. Ông Chính cho rằng, ý tưởng đã được hình thành từ 20 năm qua và Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương rất chắc chắn, rõ ràng. “Về cơ chế chính sách thì Bộ Chính trị đã nêu rất rõ đủ sức cạnh tranh khu vực và quốc tế”, ông Chính nói.
ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên) cho rằng cần thi tuyển để nhiều chuyên gia, lãnh đạo các cục, vụ, viện ở các bộ vừa có kiến thức chuyên môn, vừa có kinh nghiệm quản lý, chứ chỉ có chủ tịch huyện làm Trưởng đặc khu thì khó đảm bảo.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), Trưởng đặc khu được giao quyền đặc biệt nhưng cũng cần ràng buộc trách nhiệm đặc biệt.
Đặc khu phải có đặc trưng riêng
Một vấn đề khác cũng khiến nhiều ĐB lo ngại là lợi thế cạnh tranh của 3 đặc khu Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Vân Đồn chưa thật sự rõ nét, thậm chí có thể cạnh tranh lẫn nhau.
Dẫn chứng điểm chung là cả 3 đặc khu đều hướng tới casino, ĐB Nguyễn Phan Như Khuê (TP.HCM) lo ngại nếu không khéo, không làm rõ đặc trưng riêng từng khu thì sợ rằng cử tri sẽ hiểu làm 3 đặc khu chỉ hợp thức hóa cho casino.
Trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật cũng lưu ý, các quy định đặc thù cho 3 đơn vị này cần được tiếp tục rà soát, nghiên cứu, cân nhắc kỹ để quy định cụ thể hơn, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng đơn vị, tránh sự cạnh tranh làm phân tán nguồn lực. Theo các danh mục thì du lịch là một trong những ngành, nghề được ưu tiên phát triển ở cả 3 đặc khu, đều xác định ưu tiên đối với dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino có vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỉ đồng. “Uỷ ban Pháp luật cho rằng, sự trùng lặp ngành, nghề ưu tiên có thể dẫn tới sự cạnh tranh lẫn nhau giữa 3 đơn vị. Mặt khác, hiện nay nhiều nước trong khu vực gần với nước ta đã khá thành công với loại hình này, việc ưu tiên ngành, nghề này cần phải tạo nên thế mạnh riêng và đủ khả năng cạnh tranh với các nước”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội năm 2018
Sáng 10.11, Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 được QH thông qua với đa số đại biểu tán thành. Theo đó, tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
QH yêu cầu tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách; thẩm định chặt chẽ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư; triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và sử dụng tài sản công, xe công; đẩy mạnh khoán chi hành chính. Nghị quyết cũng nêu rõ tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách, quản lý nợ công theo mục tiêu QH đề ra; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; kiểm soát chặt chẽ bội chi cũng như nợ của T.Ư và chính quyền địa phương; không chuyển vốn vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Kiên quyết thoái hết vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường. Thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
QH cũng yêu cầu trong năm 2018 phải rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân; hoàn chỉnh hệ thống pháp lý và ban hành chính sách mới nhằm quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công tư nói chung và hình thức BOT, BT nói riêng.
Nghị quyết của QH đặt ra 12 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội, đáng chú ý là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 – 6,7%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 – 8%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 – 34% GDP. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%…
|
Mai Hà – Chí Hiếu – Thái Sơn