Bỏ lọt ‘biệt phủ’ quan chức vừa về hưu
Chiều 9.11, thảo luận tại tổ về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc tình trạng không ít quan chức khi kê khai tài sản thì không có gì, nhưng vừa về hưu là có “biệt phủ”.
Bỏ lọt ‘biệt phủ’ quan chức vừa về hưu.
Chiều 9.11, thảo luận tại tổ về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc tình trạng không ít quan chức khi kê khai tài sản thì không có gì, nhưng vừa về hưu là có “biệt phủ”.
TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch Quốc hội: Thời đại 4.0 sao không cho tố cáo qua thư điện tử?
TIN LIÊN QUAN
Băn khoăn về báo cáo phòng chống tham nhũng
Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói bà và rất nhiều thành viên của ủy ban cảm thấy thất vọng với dự thảo luật này khi nhiều vấn đề đưa ra chưa có đường hướng để giải quyết. Bà Nga cho rằng nhiều vấn đề sau khi đưa ra sửa đổi đã trở thành “tù mù”. Ví dụ như luật hiện hành đưa ra quy định rất cụ thể như người đứng đầu không được để vợ, chồng, anh, em giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự hay ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức. Nay dự thảo luật sửa đổi đã mở rộng đến em rể, em dâu và quy định không được làm tại vị trí có nguy cơ tham nhũng cao. “Thế nhưng, nguy cơ tham nhũng cao như thế nào thì lại không rõ”, bà Nga phân tích. Tương tự, quy định thanh toán không dùng tiền mặt thì chỉ quy định với cán bộ công chức xài tiền qua tài khoản còn cả xã hội vẫn dùng tiền mặt.
Tờ trình của Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng áp dụng các quy định của luật Phòng chống tham nhũng đối với cả khu vực ngoài nhà nước mà trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư (gọi chung là doanh nghiệp). Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay đa số ý kiến trong uỷ ban tán thành đề nghị này bởi trên thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang ảnh hưởng đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước.
Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, Chính phủ trình 2 phương án: Mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức. Hai là, thu hẹp phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, chỉ áp dụng với đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở T.Ư và từ 0,9 trở lên ở địa phương cùng một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Uỷ ban Tư pháp tán đồng việc mở rộng. Cơ quan thẩm tra đề nghị trường hợp thu hẹp đối tượng kê khai (phương án 2) thì cần làm rõ lý do để phân biệt việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai ở T.Ư thì có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên nhưng ở địa phương lại quy định từ 0,9 trở lên.
Về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, Chính phủ cũng trình 2 phương án. Một là công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc. Hai là công khai tại chi bộ nơi người kê khai là đảng viên sinh hoạt. Đa số ý kiến thành viên Uỷ ban Tư pháp tán thành với phương án 1 bởi lập luận không phải tất cả người kê khai đều là đảng viên.
|
Muốn có “vợ bé, bồ nhí” để quản tài sản tham nhũng
Thảo luận việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới sáng 9.11 tại Quốc hội, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về thực trạng “trọng nam hơn nữ” còn tồn tại trong một số bộ phận lãnh đạo. Bà Khánh còn cho rằng một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, kể cả những người đứng đầu cấp uỷ Đảng các địa phương, muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có, nên chỉ đạo cấp dưới đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm “siêu tốc” vào vị trí lãnh đạo ở địa phương. Lấy dẫn chứng và đặt câu hỏi về trường hợp bổ nhiệm “hotgirl Thanh Hoá”, bà Khánh nêu: “Như trường hợp ở Thanh Hóa, đến bây giờ chúng tôi cũng không biết cô gái trẻ ấy đã đi đâu”.
Cũng tại chương trình thảo luận trên, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) nêu lại cảnh báo nước ta đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính. Nếu năm 2006 tỷ lệ nam/nữ là 109/100 thì năm 2017 dự báo là 113/100. Dự báo, đến giữa thế kỷ này, VN “thừa” 2,3 – 4,3 triệu nam giới ở độ tuổi trưởng thành, nên cần có hành động ngay từ bây giờ, xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn thai nhi.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì cho rằng trước đây luật Lao động cho phép phụ nữ nghỉ sớm hơn, hưởng thụ sớm hơn, nhưng mặt trái lại tạo thành rào cản, không tạo điều kiện cho phái nữ kéo dài thời gian cống hiến. Vì thế, nên sửa luật Lao động theo hướng cho phụ nữ được lựa chọn tuổi nghỉ hưu từ 55 – 60 theo quyền, không bắt buộc phải nghỉ từ 55 tuổi. Cùng quan điểm, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, nếu giữ độ tuổi nghỉ hưu nữ giới dưới 55 tuổi, phải có cơ chế tính lương hưu sao cho khi nghỉ bằng nam giới, có thể là 2,5 năm tăng 1 bậc thay vì 3 năm.
Bên cạnh đó, ĐB Trương Anh Tuấn (Nam Định) phản ánh thực tế không chỉ có phụ nữ, mà đàn ông cũng là nạn nhân của bạo hành gia đình, nhưng do sĩ diện nên ít đàn ông cầu cứu. Vì thế, bình đẳng giới phải quan tâm đến cả nam và nữ.
Mai Hà
|
Anh Vũ – Thái Sơn – Chí Hiếu