106 người chết, 25 người mất tích do mưa bão.
Chiều 8.11. Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, thống kê đến 17 giờ cùng ngày, mưa bão số 12 làm chết 106 người.
106 người chết, 25 người mất tích do mưa bão.
Chiều 8.11. Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, thống kê đến 17 giờ cùng ngày, mưa bão số 12 làm chết 106 người.
Số người chết ở từng tỉnh: Khánh Hoà 39 người, Bình Định 17 người, Quảng Ngãi 8 người, Quảng Nam 24 người, Thừa Thiên-Huế 10 người, Lâm Đồng 3 người, Phú Yên 1 người, Kon Tum 1 người, Đắk Lắk 1 người, Quảng Trị 1 người, Đà Nẵng 1 người. Vẫn còn 25 người mất tích (Quảng Nam 11 người, Bình Định 8 người, Khánh Hoà 5 người, Phú Yên 1 người).
TIN LIÊN QUAN
Quân đội điều thợ lặn, khí tài đặc chủng tìm thuyền viên mất tích trên biển
Quân đội đã điều động nhiều thợ lặn và sử dụng các khí tài đặc chủng để lặn tìm các thuyền viên mất tích trong các khoang tàu vận tải bị chìm trên vùng biển Quy Nhơn (Bình Định) trong cơn bão số 12.
Lại sạt lở gây chết người
Lúc 8 giờ 30 ngày 8.11, thêm một vụ sạt lở xảy ra tại một quả đồi ở thôn 8, xã Phước Hiệp, H.Phước Sơn (Quảng Nam) khiến 2 người mất tích, 1 người bị thương nặng.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cho biết lực lượng cứu hộ gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận hiện trường do mưa to, 2 con sông chia cắt khu vực xảy ra vụ sạt lở đang có lũ dâng cao.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho biết ngoài 2 vụ sạt lở trên địa bàn huyện mà Thanh Niên đã đề cập, địa phương còn ghi nhận thêm 2 vụ khác xảy ra trong ngày 6.11 khiến ít nhất 3 người chết, 4 người mất tích: Tại thôn 3, xã Trà Don, sạt lở làm sập nhà anh Võ Văn Tư và đè chết người vợ (đang mang thai); anh Tư và con gái bị thương nặng. Tại lán trại của Công ty CP 412 đang thi công tuyến đường Trường Sơn Đông qua địa phận xã Trà Vân (H.Nam Trà My), ngọn núi bất ngờ sạt lở vùi lấp 4 công nhân đang ăn trưa rồi bùn đất tiếp tục tràn xuống suối Nước Bua. Chiều 7.11, thi thể công nhân Đinh Xuân Sơn (31 tuổi, trú H.Bố Trạch, Quảng Bình) được tìm thấy tại xã Sơn Bua (H.Sơn Tây, Quảng Ngãi). Đến hôm qua, 3 nạn nhân còn lại vẫn mất tích. Theo ông Hồ Quang Bửu, sạt lở nghiêm trọng khiến 28.000 người dân H.Nam Trà My sống trong cảnh không điện, không nước sạch hơn 4 ngày qua; lương thực, thực phẩm dự trữ cũng cạn dần.
TIN LIÊN QUAN
Quốc lộ 20 biến thành ‘sông’, ô tô nối đuôi nằm chờ
Trận mưa lớn kéo dài gần 1 giờ vào trưa 8.11 khiến QL20, đoạn qua thôn Ánh Mai 3, xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) ‘biến thành sông’, nhiều ô tô chết máy, giao thông ách tắc nghiêm trọng.
Tại Quảng Trị, lúc 9 giờ hôm qua tìm thấy thi thể ông Lê Văn Quý (53 tuổi, trú thôn Văn Quỹ, xã Hải Tân, H.Hải Lăng) cách nơi ông gặp nạn hơn 1 km. Ông Quý đi đánh cá mất tích hôm 5.11. Sáng 8.11, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên và ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt (trụ trì chùa Phổ Hiền, Bà Rịa- Vũng Tàu) đã đến nhà nạn nhân Quý, trao 5 triệu đồng hỗ trợ gia đình.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đến chiều 8.11, mực nước các sông xấp xỉ báo động 2, vẫn còn 382 hộ dân ở TP.Tam Kỳ, H.Thăng Bình và Quế Sơn sơ tán tránh lũ chưa thể quay về nhà. Thiệt hại do lũ tại Quảng Nam khoảng 542 tỉ đồng, nặng nhất là hệ thống giao thông, hoa màu, gia súc gia cầm, ao hồ nuôi thủy sản. UBND tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư hỗ trợ 180 tỉ đồng để khắc phục hậu quả; hỗ trợ khẩn cấp 500 tấn gạo để phát cho dân và 100 cơ số thuốc phòng chống lụt bão.
Nguy cơ lũ chồng lũ
Chiều 8.11, UBND tỉnh Quảng Nam họp khẩn với lãnh đạo 4 thuỷ điện lớn gồm A Vương, Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, Sông Bung 4 để yêu cầu các chủ hồ này tiếp tục điều tiết nước, không gây lũ cho vùng hạ du trong những ngày tới. Ban quản lý các hồ phải vận hành, đưa nước hồ về mực nước đón lũ (dung tích đón lũ để tham gia cắt lũ) trong thời gian 48 giờ tới.
Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, cho biết mực nước trên sông Thu Bồn, Vu Gia trên báo động 3, gây ngập lụt diện rộng tại 82 xã, phường, thị trấn; phải sơ tán 4.814 hộ (10.620 người).
Hôm qua, nhiều khu vực ở Bình Định vẫn còn bị lũ chia cắt, hơn 1.000 hộ dân tại H.Phù Cát, H.Tuy Phước còn ngập nước. Nhiều trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Tỉnh đoàn Bình Định huy động hơn 2.000 đoàn viên thanh niên tham gia ứng phó và giúp người dân khắc phục hậu quả bão, lũ.
TIN LIÊN QUAN
Miền Trung tiếp tục có mưa lớn, lũ lên trở lại
Các tỉnh miền Trung tiếp tục có mưa lớn, dự báo nước lũ trên các sông dâng cao trở lại, đe dọa an toàn các hồ xung yếu.
Tối 8.11, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó chủ tịch UBND H.An Lão (Bình Định), cho biết có 37 hộ (với 110 nhân khẩu) ở thôn 3, xã An Nghĩa bị cô lập hoàn toàn hơn 5 ngày qua. Từ ngày 3.11, do mưa lớn, tuyến đường độc đạo từ thôn 1 (trung tâm xã) đi thôn 3 (xã An Nghĩa) bị sạt lở 5 điểm trên 5.000 m3 khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Thôn 3 là thôn khó khăn nhất của xã An Nghĩa với 100% hộ dân là hộ nghèo. UBND H.An Lão đã đề nghị tỉnh có giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở, chỉ đạo UBND xã An Nghĩa kiểm tra tình hình đời sống của người dân thôn 3 để cung ứng lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm.
Trong số 84 thuyền viên trên 8 tàu bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn, đến ngày 8.11 đã xác định được 71 thuyền viên còn sống, 8 người đã chết và tìm được 2 thi thể nhưng chưa xác định được danh tính. Trong ngày ở vùng biển Quy Nhơn (Bình Định), 22 tàu đã được điều động tham gia tìm kiếm nạn nhân còn mất tích trong các sự cố chìm tàu. Đội 26 thợ lặn thuộc Lữ đoàn 126, Quân chủng Hải quân bắt đầu sử dụng khí tài đặc chủng để lặn tìm các nạn nhân trong khoang tàu chìm. Nhưng dòng nước chảy mạnh, thời tiết trên biển xấu khiến việc tìm kiếm cứu nạn chưa có kết quả. Trên bờ biển, cơ quan chức năng đã sử dụng flycam bay quan sát các đoạn bờ biển địa hình phức tạp để tìm kiếm các nạn nhân bị mắc kẹt trôi dạt.
Tại Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông, rất khó khăn cho công tác cứu trợ, cứu nạn. Tỉnh đã có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ chỉ đạo đơn vị quản lý, khai thác khẩn trương tổ chức thi công khắc phục. Theo ghi nhận của Thanh Niên, ngày 8.11, nhiều điểm trường ở vùng lũ Nghĩa Hành do lượng bùn non tràn vào quá nhiều, nên học sinh tiếp tục nghỉ học. Theo Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, chiều tối 8.11, lũ trên sông Vệ và sông Trà Câu tiếp tục lên, bà con nhiều vùng quê Quảng Ngãi lại đứng trước nguy cơ hứng chịu lũ chồng lũ.
Nhật Bản viện trợ vùng lũ
Ngày 8.11 tại TP.Đà Nẵng, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trao 105 máy lọc nước sạch của chính phủ Nhật Bản viện trợ cho 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế, nhằm kịp thời giúp người dân 2 địa phương sớm có nước sạch.
Cùng ngày, Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng tổ chức đoàn cứu trợ, trao 50 triệu đồng cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam nhằm hỗ trợ người dân vùng lũ vượt qua khó khăn.
Nguyễn Tú
|
Từ đêm nay mưa ở các tỉnh miền Trung sẽ giảm dần
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trong ngày các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to, do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động trong đới gió đông trên cao. Dự báo, không khí lạnh và nhiễu động gió đông vẫn còn hoạt động mạnh, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to. Từ đêm 9.11, mưa ở các tỉnh miền Trung sẽ giảm dần.
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cảnh báo, mưa lớn đang tạo ra nguy cơ cao mất an toàn cho các hồ chứa xung yếu ở các tỉnh miền Trung khi các hồ đã đầy nước và nguy cơ xảy ra các trận lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi. Mưa lớn khiến lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế có khả năng lên cao trở lại.
Trong ngày 8.11 ghi nhận một vùng áp thấp ở khu vực phía đông miền Trung Philippines. Vùng áp thấp di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20 – 25 km/giờ và tiếp tục mạnh lên, có khả năng đi vào Biển Đông trong ngày 10.11
|
Thanh Niên