11/01/2025

Lùi chương trình phổ thông mới: vẫn lo

Việc lùi một năm thực hiện chương trình phổ thông mới đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày trước Quốc hội chiều 2-11-2017. Nhiều năm dạy học, thú thật tôi cứ thấy không yên lòng về điều này.

 

Lùi chương trình phổ thông mới: vẫn lo.

 Việc lùi một năm thực hiện chương trình phổ thông mới đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày trước Quốc hội chiều 2-11-2017. Nhiều năm dạy học, thú thật tôi cứ thấy không yên lòng về điều này.

 

 

Lùi chương trình phổ thông mới: vẫn lo - Ảnh 1.

Điều kiện trường lớp ở nhiều nơi khó đáp ứng yêu cầu của chương trình phổ thông mới. Trong ảnh: lớp học của Trường tiểu học xã Xuân Thắng, Thường Xuân, Thanh Hoá – Ảnh: H.ĐỒNG

Về lý, việc lùi này không có gì bàn cãi. Nhưng thực tế triển khai ở những lần cải cách, thay sách trước đây cho thấy để công việc này đạt được mục đích mong đợi là cực kỳ khó khăn.

Việc lùi một năm thực hiện chương trình phổ thông mới như là một kế sách hoãn binh, làm nhiều người lo lắng. Người ta đã quá quen với những lời hứa cùng cách làm trước đây, nên cứ nói đến cải cách giáo dục, thay sách giáo khoa là gắn với thử – thí điểm – lặng lẽ bỏ!

Thêm một năm, có đủ thời gian?

“Trường học kết nối” – mạng giáo dục đang được nhiều giáo viên truy cập, một kênh giúp họ bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ… Sau đó thì sao, giáo viên thay đổi như thế nào, họ có đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông? Dường như tất cả vẫn là những dự đoán xen lẫn tâm trạng nghi ngại. 

Thang đo (chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục) đang được xây dựng, nhưng việc đo là cả một vấn đề. Mấy năm trước đã có chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mà nào có đánh giá đến nơi đến chốn đâu, chỉ là đối phó! Rồi mô hình trường học mới (VNEN), hiện tại nơi làm, nơi dừng…

Song song và nối tiếp với việc bồi dưỡng giáo viên qua “trường học kết nối” là những lớp bồi dưỡng, tập huấn kiểu như: bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán rồi họ về cơ sở truyền đạt lại; sử dụng đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ để bồi dưỡng; bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên với chu kỳ 5 năm… Mục tiêu đặt ra thì “vời vợi” nhưng hiệu quả chẳng thay đổi bao nhiêu.

 

 

Lùi một năm đối với tiểu học – bậc học có vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục phổ thông, liệu có đủ thời gian để bồi dưỡng cho giáo viên tiểu học, giúp thầy cô thay đổi?

Trường lớp khang trang, khó đấy!

Có thực mới vực được đạo, nhưng lấy đâu ra nguồn lực để thay đổi hiện trạng của không ít nhà trường hiện nay? Dựa vào ngân sách nhà nước, khó trang trải; đi vay, nợ công đang chất chồng; xã hội hoá, sức dân thế nào?

Lạm thu tại nhiều nhà trường đang ở mức báo động, cách đây ít hôm Bộ GD-ĐT đã có công văn chấn chỉnh chuyện này. Với việc bãi bỏ công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18-10-2010 về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo thì con đường xã hội hóa sẽ rất khó khăn! 

Từ góc nhìn ở cơ sở giáo dục, dẫu lạc quan, tôi vẫn thấy cho thời gian từ 1 – 3 năm để thay đổi cơ sở vật chất, kỹ thuật các nhà trường (dù chỉ là đáp ứng yêu cầu ở mức trung bình) vẫn khó làm được.

Còn đó những gam màu tối của giáo dục như bạo lực học đường, dạy thêm – học thêm, áp lực kiểm tra – thi cử, lương giáo viên quá thấp… mà nguyên nhân ai cũng thấy, không thể quy cho chương trình tệ, sách giáo khoa dở. 

Thành ra, nếu hệ thống giáo dục – con người và cơ cấu tổ chức – hoạt động minh bạch cùng những chủ trương, biện pháp phù hợp, sẽ tạo dựng niềm tin, ắt sẽ có thành quả.

Thay vì bàn tiếp về quy trình lùi, theo tôi, việc Bộ GD-ĐT cần làm ngay từ bây giờ là thay đổi chính mình, giải quyết tồn tại trước mắt ở cơ sở giáo dục và chuẩn bị nền tảng cho thay đổi lớn.

Chất lượng quan trọng hơn tiến độ!

Chúng ta lại sắp đổi mới giáo dục nước nhà một cách toàn diện, qua chương trình phổ thông mới và sách giáo khoa mới.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khung chương trình cụ thể của môn học chưa được công bố. Mọi điều kiện cần thiết cho lần đổi mới này vẫn còn rất sơ khai, từ công tác tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên, cho đến việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất…

Sự thành bại của bất kỳ công cuộc đổi mới giáo dục nào đều được quyết định bởi chất lượng đội ngũ giáo viên. Đến nay, mọi sự chuẩn bị cần thiết về yếu tố con người đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đã triển khai đến đâu?

Hơn 1,3 triệu giáo viên trong cả nước đã có những “chuyển động” nào cho lần chuyển đổi từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển năng lực, khai phóng, thực học, thực nghiệp? Việc đào tạo mới đội ngũ giáo viên cho nhiều môn học lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình, đã tiến hành đến đâu?

Chúng ta không thể thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, vừa dạy vừa đào tạo, vừa lên lớp vừa tham gia bồi dưỡng. Bất kỳ một sự gượng ép và “chữa cháy” nào trong giáo dục cũng đều để lại những bài học đắt giá, bởi “sai một li, đi chệch hàng dặm”!

Bên cạnh đó, hiện nay điều kiện cơ sở vật chất của nền giáo dục nước ta còn nhiều hạn chế. Hệ thống trường lớp còn khó khăn, thiếu thốn và xuống cấp khá nhiều. Trong khi đó chương trình mới với những môn học trải nghiệm sáng tạo, khám phá tự nhiên, thế giới công nghệ… và hình thức học 2 buổi/ngày, chỉ tính riêng ở bậc tiểu học đã buộc chúng ta phải “chạy đua” xây trường, mở lớp, sắm sửa trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Điều này lại vượt quá khả năng của ngành giáo dục!

Mặt khác, tinh thần của công cuộc đổi mới lần này cần nhận được sự đồng thuận từ dư luận xã hội. Khi người dân còn ta thán: “Đừng lấy học sinh làm vật thí nghiệm”, “Con chúng tôi không phải là chuột bạch của Bộ GD-ĐT”, thì rõ ràng sự đồng thuận từ xã hội chưa cao.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Bất kỳ một quyết sách nào liên quan đến sự nghiệp giáo dục đều cần tính toán một cách cẩn trọng từng bước đi trong lộ trình. Khi xác định chương trình mới chưa hoàn thiện, mọi sự chuẩn bị để triển khai thực hiện chưa đảm bảo, thì việc lùi thời gian là cần thiết. Bởi chất lượng bao giờ cũng quan trọng hơn tiến độ. Chậm mà chắc, còn hơn là nóng vội mà thất bại!

MAI THI

ĐẠI DƯƠNG