Kết quả xét nghiệm có dấu sao, bệnh nhân vô cùng lo lắng
Nhận được kết quả khám sức khoẻ định kỳ, nhiều người đã lo lắng khi chỉ số xét nghiệm bị đánh dấu sao, hoặc phần kết luận ghi một câu nào đó.
Kết quả xét nghiệm có dấu sao, bệnh nhân vô cùng lo lắng.
Nhận được kết quả khám sức khoẻ định kỳ, nhiều người đã lo lắng khi chỉ số xét nghiệm bị đánh dấu sao, hoặc phần kết luận ghi một câu nào đó.
Ông N.N.V., 58 tuổi, ngụ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, kể lý lịch hình phổi của ông trước đó luôn “sạch bong” vì lúc nào cũng được bác sĩ chứng nhận là bình thường.
Thế nhưng, trong đợt kiểm tra sức khoẻ định kỳ tại cơ quan mới đây, “lý lịch phổi” của ông được các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược kết luận bằng cụm từ rất chuyên môn là “tổn thương xơ xẹp vùng nách phổi phải”.
Lo lắng
Một bác sĩ quen với ông V. cho rằng “đó là hậu quả do hút thuốc và bệnh lao cũ” và khuyên ông nên đi chụp ảnh phổi lại.
Ông V. rất bất ngờ trước thông tin này vì ông đã bỏ thuốc lá 10 năm nay, chưa từng bị lao phổi. Ông lo lắng, hoang mang nên đến ngay Bệnh viện Nguyễn Trãi nơi ông đăng ký BHYT để khám.
Tại đây, sau khi đọc kết luận trên, bác sĩ cũng chẩn đoán y như bác sĩ quen với ông. Ông V. xếp hàng, chờ đợi, đi lên đi xuống bệnh viện hai lần trong hai ngày, sau đó mới có kết quả chụp ảnh phổi và có kết quả xét nghiệm vi trùng. Tuy nhiên, kết quả chụp ảnh phổi bình thường, xét nghiệm vi trùng cũng cho ra kết quả âm tính.
Tương tự, chị P.T.T.D., 38 tuổi, ở Q. Phú Nhuận, cũng căng thẳng, lo sợ khi nhận được kết quả kiểm tra sức khoẻ định kỳ ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM với tư vấn định kỳ kiểm tra huyết học. Trong kết quả xét nghiệm, chỉ số PLT (số lượng tiểu cầu trong máu) là 159 và được đánh dấu sao.
Cơ sở này cũng ghi chú: ký hiệu * nghĩa là kết quả nằm ngoài giá trị tham chiếu (trị số bình thường) và khoảng tham chiếu cho chỉ số này là 200-400g/l. Cơ sở kiểm tra sức khỏe còn ghi giảm tiểu cầu. Tra trên Google, chị D. càng thêm lo sợ trước thông tin tiểu cầu thấp có nguy cơ bị ung thư.
Chị D. mang kết quả xét nghiệm đến một bác sĩ chuyên khoa huyết học nhờ tư vấn thì bác sĩ cho biết chỉ số 159 là bình thường. Khi nào từ 150 trở xuống mới cần kiểm tra lại. Sáu tháng sau, cơ quan tiếp tục tổ chức khám sức khỏe định kỳ thì chỉ số này lại quay về bình thường. Chỉ số của chị là 181 trên khoảng tham chiếu 150 – 450g/l.
Dấu sao chưa hẳn có vấn đề
Trước những thắc mắc về những trường hợp này, đại diện Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho rằng cùng một phim nhưng tuỳ thuộc vào trình độ mỗi bác sĩ khác nhau có thể “đọc phim” khác nhau hoặc lần đó tia chụp cứng quá đen hết không thấy.
Còn lần này tia chụp mềm hơn chút thấy sáng hơn thì người ta nghĩ là xơ… và có thể chính bản thân người bệnh cũng có thay đổi (từ lần trước chưa có lần này có), hoặc những lần trước đã có mà chụp chưa thấy, lần này mới thấy… Còn kết quả bệnh viện này chụp thế này, bệnh viện khác chụp khác thì phải nhìn cả hai phim mới có thể đánh giá được.
Theo đại diện Bệnh viện Đại học Y dược, khi gặp một khách hàng có kết luận như vậy thì đúng là cần phải theo dõi thêm. Ngoài ra, người tư vấn nên hỏi xem người bệnh có triệu chứng ho không? Trước đây có bị chữa nám phổi lần nào chưa? Hút thuốc nhiều hay không? Phim chụp X-quang trước đó của khách hàng như thế nào, từ đó mới có lời tư vấn chính xác cho người bệnh.
Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Phòng khám đa khoa Hoà Hảo, cho rằng chỉ số PLT dưới 100g/l mới là vấn đề, còn nếu trên 150g/l thì người ta không quan tâm lắm vì tiểu cầu hay thay đổi. Còn việc phải khám lại hay không là theo quan điểm của bác sĩ đa khoa, huyết học, ung bướu… vì mỗi bác sĩ sẽ nhìn nhận các chỉ số này mỗi khác nhau.
Ông Hải khuyên một người khám sức khỏe bình thường nếu nhận được kết quả xét nghiệm có những chỉ số được đánh dấu sao không nên lo lắng quá. Máy đã được cài sẵn nên sẽ tự động đánh dấu sao như vậy. Do vậy, kết quả xét nghiệm có những chỉ số đánh dấu sao cũng chỉ là để chú ý, còn khi nào có bệnh lý đi theo mới phải xét đến.
Với kết luận “tổn thương xơ xẹp vùng nách phổi phải”, ông Thanh Hải cho biết nó chỉ có ý nghĩa là bác sĩ chụp hình thấy vậy đó chứ không nói được đó là u ác, u lành, lao… Trong những trường hợp nhận kết quả xét nghiệm như thế này bệnh nhân cần phải được bác sĩ tư vấn.
Ở nước ngoài chỉ gửi kết quả cho bác sĩ
Theo ông Phan Thanh Hải, những kết quả xét nghiệm như thế không phải dành cho người bệnh. Ở nước ngoài, tất cả các kết quả về y khoa đều được dán lại gửi cho bác sĩ tham gia khám sức khoẻ cho người đó. Bác sĩ mới có trình độ, trách nhiệm để thông báo, giải thích cho bệnh nhân chứ không phải cái gì cũng đưa cho bệnh nhân, rồi không hiểu, dễ gây lo lắng, hoang mang.