Mất dần sự trong sáng trong diễn đạt ngôn ngữ
Làm bài kiểm tra là một hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ viết cụ thể, thường trực giữa người học và người dạy.
Câu chuyện giáo dục:
Mất dần sự trong sáng trong diễn đạt ngôn ngữ.
Làm bài kiểm tra là một hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ viết cụ thể, thường trực giữa người học và người dạy.
Nó không chỉ phản ánh hiệu quả của việc tiếp thu kiến thức, mà còn cho thấy sự trưởng thành về kỹ năng tạo lập văn bản, về sự chín chắn của thái độ, hành vi giao tiếp có văn hóa… thông qua hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ trong môi trường học đường này, nhất là những môn tự luận xã hội.
Trước xu hướng các môn thi đa phần chuyển sang hình thức trắc nghiệm, ảnh hưởng của các trang mạng xã hội, và sự trợ giúp đắc lực của công cụ máy tính… học sinh (HS) sẽ ít viết bài tự luận hơn, ít tạo lập các văn bản bằng chữ viết tay hơn. Vì thế điều dễ thấy đầu tiên là chữ viết HS hiện nay có xu hướng ngày càng xấu đi, khó đọc hơn. Và càng lên lớp cao, càng mất dần sự trong sáng trong diễn đạt.
Tôi làm một cuộc khảo sát những HS mình đang dạy, có gần một nửa số HS cho rằng chữ viết không quan trọng, miễn sao đọc được là được. Ít HS thấy rằng, ngoài chuyển tải thông tin, chữ viết còn thể hiện tình yêu mến tiếng mẹ đẻ và quan trọng hơn là ý thức tôn trọng người đọc. Nên lưu ý rằng hai bài kiểm tra môn văn có chất lượng như nhau nhưng bài viết có chữ đẹp bao giờ cũng hơn điểm.
TIN LIÊN QUAN
Học văn nhưng không thể tả đúng con mèo!
Câu chuyện một du học sinh VN phản ứng cách dạy học môn văn hiện nay vì cho rằng sau 12 năm học tiếng Việt nhưng khả năng viết, diễn đạt, lập luận hết sức kém cỏi một lần nữa đặt ra vấn đề học môn văn để làm gì.
Khi các trang mạng xã hội tràn lan như hiện nay thì nhiều HS lạm dụng nó để câu “like”, để gây sự chú ý mà bất chấp cả sự tôn trọng người khác là một hiện tượng khá phổ biến. Việc làm này lâu ngày sẽ hình thành ý thức, thái độ không tốt, làm thui chột phẩm chất đạo đức người học.
Vừa rồi, giáo viên một trường THCS ở Q.Tân Bình (TP.HCM) đã chia sẻ bài kiểm tra học kỳ môn văn của một HS lớp 10. HS này không làm bài gì cả, mà chỉ trả lời một cách rất “sốc” cho phần đọc hiểu: “Đã đọc nhưng chưa hiểu”. Còn ở phần làm văn, khi đề yêu cầu cảm nhận về một bài thơ rất ý nghĩa, HS này chỉ viết: “… Bài thơ hay đến nỗi em không phân tích được”. Rõ ràng với cách trả lời như thế, mục đích của HS này là muốn gây sự chú ý, muốn làm thú vui ít nhất là cho bạn bè trong lớp. Nhưng rõ ràng thiếu sự nghiêm túc, tôn trọng đối với giáo viên chấm bài.
Trong các kỳ thi tốt nghiệp trước đây, thi thoảng giám khảo vẫn bắt gặp những bài làm với những câu trả lời rất “lạ” của thí sinh khi họ bị “bí” không làm bài được. Nhưng những cách trả lời như thế có thể chấp nhận được và không vi phạm thuần phong mỹ tục. Nhiều HS khi không làm được bài kiểm tra ở lớp cũng đã ghi ở dưới bài làm của mình những câu đại loại như: “Em bị đau đầu không làm được bài”, “Phần này em chưa ôn bài kịp nên không làm bài được, mong cô thông cảm”… Những cách nói này một thời gây buồn cười vậy mà đến nay lại trở nên hiếm hoi trong thời kỳ HS lười diễn đạt nghiêm túc như hiện nay.
Trần Ngọc Tuấn