10/01/2025

Thay đổi cách làm từ thiện

Nhìn lại những gì đã và đang diễn ra trong thời gian qua về cách mà người Việt chúng ta thể hiện tình thương đồng loại hay cụ thể hơn là cách làm từ thiện, có nhiều điều cần nói.

 

Thay đổi cách làm từ thiện.

 

 Nhìn lại những gì đã và đang diễn ra trong thời gian qua về cách mà người Việt chúng ta thể hiện tình thương đồng loại hay cụ thể hơn là cách làm từ thiện, có nhiều điều cần nói.

 

Thay đổi cách làm từ thiện - Ảnh 1.

Người trong xóm cùng dân quân giúp nạn nhân cơn bão số 10 ở Kỳ Thượng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh dựng lại nhà từ tiền hỗ trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ – Ảnh: DOÃN HÒA

Đã có từ rất lâu trên thế giới nhưng hoạt động từ thiện hay nhân đạo chỉ thực sự có tổ chức, mang tính chuyên nghiệp và được coi là tương đối độc lập kể từ khi Hội Chữ thập đỏ được bác sĩ Henry Dunant thành lập vào năm 1863 tại Thụy Sĩ. 

Từ đó đến nay, cách tiếp cận trong hoạt động từ thiện hay cứu trợ nhân đạo luôn không ngừng thay đổi, với mục đích nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững từ các trợ giúp này.

Cứu trợ “trăm hoa đua nở”

Từ chỗ có gì cho nấy, thiếu gì cho nấy đến cần gì cho nấy, hiện nay về cơ bản hầu hết các hoạt động trợ giúp nhân đạo trên thế giới đang áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người, với hai niềm tin cốt lõi là “quyền được sống có nhân phẩm” và “quyền được trợ giúp khi gặp thiên tai, thảm họa…”.

 

 

Các nguyên tắc này đảm bảo rằng tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc xung đột đều có quyền được bảo vệ và hỗ trợ để đảm bảo các điều kiện cơ bản cho một cuộc sống có nhân phẩm. Đây là những nguyên tắc mang tính phổ quát, không chỉ được áp dụng cho những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai/xung đột, mà còn cho cả những cá nhân, tổ chức muốn giúp đỡ họ hoặc cung cấp an sinh của họ.

Ở nhiều nước, các hoạt động thiện nguyện hay trợ giúp nhân đạo thường được thực hiện bởi các cơ quan, đơn vị có tổ chức, có chức năng, năng lực và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực này. 

Thông qua đó, những nhà hảo tâm có thể đặt niềm tin rằng những trợ giúp của họ sẽ thật sự hữu ích đối với các nạn nhân cần trợ giúp. Trong khi đó, công tác cứu trợ nhân đạo ở nước ta lâu nay như “trăm hoa đua nở”. Có nhiều hoạt động bột phát, thiếu tính chuyên nghiệp và không tuân theo một quy chuẩn cụ thể nào.

Bên cạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức có chức năng hoạt động trợ giúp nhân đạo khác, sự tham gia của các cá nhân, các nhóm dân sự xã hội, các doanh nghiệp hay thậm chí là các cơ quan, đơn vị ở các cấp khác nhau nhằm trợ giúp cho các nạn nhân thiên tai đang để lại nhiều hệ lụy khi mạnh ai nấy làm mà thiếu đi sự điều phối chung. 

Thậm chí một vài nơi, các đoàn làm từ thiện còn phớt lờ vai trò của chính quyền địa phương – vốn được coi là chủ thể có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an sinh và phục hồi, tái thiết cho người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng.

Đã đến lúc chúng ta cần có cách tiếp cận phù hợp hơn trong cách nghĩ và cách làm từ thiện ở Việt Nam. Trân trọng những tấm lòng nhân ái, nhưng cần đặt nó đúng nơi, đúng lúc và đúng đối tượng. 

 

Điều này đòi hỏi sự minh bạch, tinh thần hợp tác, chia sẻ thông tin, cơ chế phản hồi, đặc biệt là trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm cho những gì mình đã làm, trên tinh thần thượng tôn pháp luật

ông Trần Văn Tuấn

 

Đảm bảo quyền con người và tính hiệu quả

Không chỉ dừng lại ở các hoạt động đơn lẻ và ngắn hạn, công tác cứu trợ cần mang tính tương hỗ dựa trên nhu cầu, quyền con người và được điều phối hài hòa nhằm tránh lãng phí và bất công bằng. Thay vì cho nạn nhân con cá như trước đây, ngày nay họ cần được trang bị cần câu và các kỹ năng cần thiết để họ có thể tự câu lấy cá. 

Thậm chí khi cá không còn nữa thì họ vẫn có đủ năng lực để chuyển sang tìm kiếm nguồn tài nguyên hay sinh kế thay thế khác. Cần đảm bảo các nhân tố liên quan đến giới, sự nhạy cảm trong văn hóa của các nhóm người dễ bị tổn thương trong cộng đồng như người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ đơn thân… được xem xét một cách nghiêm túc và thấu đáo.

Bên cạnh việc đảm bảo cho các nạn nhân của thiên tai, thảm họa nhận được sự trợ giúp cần thiết về nơi ở, lương thực, nước sạch, vệ sinh và chăm sóc y tế – được gọi là các tiêu chuẩn tối thiểu trong cứu trợ nhân đạo, thì cách tiếp cận và quy trình cứu trợ hay làm từ thiện (tiêu chuẩn cốt lõi) đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền được sống có nhân phẩm cũng như tính hiệu quả của các hoạt động này.

Việc chỉ nhìn thấy hiện tượng nhưng không đánh giá nhu cầu, tìm hiểu các bên liên quan và không hiểu biết đầy đủ về tập tính sinh hoạt hay văn hóa của người cần giúp đỡ mà vội vã kêu gọi và tiến hành trợ giúp đang bộc lộ quan niệm sai lạc về lòng nhân ái của không ít người. Đó là sự đánh đồng giữa “lòng thương hại” và tinh thần từ thiện. 

Khi mọi người nhìn nhận mọi vấn đề từ bên ngoài, với con mắt của người ngoài cuộc, đồng thời suy diễn theo cách hiểu của riêng mình thì nhiều lúc những gì mà chúng ta cho rằng mình đang cố gắng “giúp đỡ” người khác đó có thể khiến cho tình trạng của họ tồi tệ hơn.

Mất niềm tin từ thiếu điều phối

Bài học từ công tác cứu trợ nạn nhân trận động đất, sóng thần ở Banda Aceh (Indonesia) năm 2004 cho thấy sự tham gia của quá nhiều tổ chức tình nguyện trong một thời gian ngắn nhưng không được thống nhất điều phối, thậm chí là vô tổ chức và phần nhiều tảng lờ năng lực địa phương, đã không những không đem lại kết quả như mong muốn mà còn tạo nên sự mất niềm tin của các nạn nhân vào công tác cứu trợ – dẫn tới việc rất nhiều người dân từ chối tiếp đón các đoàn cứu trợ nhân đạo hay từ thiện.

TRẦN VĂN TUẤN (giám đốc Trung tâm Giải pháp không gian phát triển – SDS)