Trường khó đạt chuẩn quốc gia vì sĩ số học sinh quá cao
Nhiều trường ở Đà Nẵng được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nhưng lại không đủ chuẩn vì sĩ số học sinh tăng nhanh. Trong khi đó, không ít trường ở TP.HCM đạt chuẩn lại… không vui.
Trường khó đạt chuẩn quốc gia vì sĩ số học sinh quá cao.
Nhiều trường ở Đà Nẵng được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nhưng lại không đủ chuẩn vì sĩ số học sinh tăng nhanh. Trong khi đó, không ít trường ở TP.HCM đạt chuẩn lại… không vui.
Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (Thanh Khê, Đà Nẵng) được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 2002. Hiện tổng số học sinh của trường là trên 1.270 em.
Đà Nẵng: vỡ chuẩn vì tăng dân số
Theo quy định, sau 5 năm, trường sẽ được đánh giá lại xem có đạt các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia hay không.
Cô Trần Thị Vân – hiệu trưởng nhà trường – cho biết trong 5 tiêu chuẩn để được công nhận lại, trường không đạt ở sĩ số học sinh mỗi lớp. Với trường chuẩn quốc gia, mỗi lớp không quá 35 học sinh, nhưng hiện sĩ số học sinh bình quân tại trường là 40-42 em/lớp.
“Trường phải xây dựng thêm 2 tầng với 8 phòng học nữa mới giải quyết được tình trạng này” – cô Vân cho hay.
Trong khi đó, theo bà Lữ Thị Kim Hoa – trưởng Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, việc tăng dân số cơ học quá nhanh trong khi trường lớp xây dựng không kịp, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc đạt chuẩn và giữ chuẩn quốc gia.
Bà Trần Thị Thúy Hà – trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu – cũng cho biết thêm để thỏa mãn tiêu chuẩn trường quốc gia thì tiêu chí về diện tích đất/học sinh ở Hải Châu không đạt.
Theo Ban văn hoá – xã hội HĐND TP Đà Nẵng, hiện toàn TP còn 241/362 trường học chưa đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 59,2%, trong đó có 38 trường chưa đạt chuẩn do thiếu diện tích đất.
Về giải pháp, ông Nguyễn Đình Vĩnh – giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng – cho biết cần thực hiện đồng thời việc đầu tư nâng tầng trường học ở khu vực trung tâm, xây dựng thêm trường học, phòng học ở vùng ven. Cùng với đó là phân luồng, điều tiết học sinh.
TP.HCM: dạy tốt nhưng không đạt chuẩn
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến thời điểm này, TP mới chỉ có 138/1.100 trường mầm non, 63/493 trường tiểu học, 19/270 trường THCS, 2/187 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Đây là một tỉ lệ rất thấp so với nhiều tỉnh thành khác, cũng như so với quy định của Bộ GD-ĐT.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Nếu xét về chất lượng giáo dục, rất nhiều trường phổ thông ở TP đạt chuẩn quốc gia, thậm chí là trên chuẩn. Nhưng hầu hết các trường đều không đáp ứng được quy định về diện tích sân chơi, số lượng lớp học, sĩ số học sinh/lớp…
Như Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) có chất lượng giáo dục rất tốt, nhưng sĩ số học sinh/lớp quá cao, số lớp học trong trường cũng quá nhiều, trong khi trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia phải có số lớp không quá 30, số học sinh/lớp không quá 35.
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) cũng vậy, tất cả các yếu tố như trình độ giáo viên, hiệu quả giáo dục… đều trên chuẩn; chỉ có số lớp học và sĩ số học sinh, diện tích sân chơi là không đạt chuẩn”.
Ngoài ra, một đặc điểm tiêu biểu của TP.HCM là đa số các trường có chất lượng giáo dục tốt đều là những trường có nhiều lớp học và sĩ số học sinh rất đông. Thế nên, những trường này rất khó để được công nhận đạt chuẩn.
Có lẽ vì vậy mà những trường tiểu học, THCS, THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia thuộc dạng “hàng hiếm” ở TP.HCM.
Chọn “chất” hơn “chuẩn”
“Hiếm nhưng không vui” – đó là tâm sự của nhiều hiệu trưởng trường chuẩn quốc gia tại TP.HCM.
Không vui vì: “Để được công nhận đạt chuẩn, chúng tôi phải phấn đấu rất nhiều: từ việc xây dựng cảnh quan trường, lớp cho đến việc huy động cán bộ – giáo viên đi học nâng cao trình độ, vận động phụ huynh cùng đóng góp vật lực, trí lực vào giáo dục… Bên cạnh đó, chúng tôi cương quyết từ chối nhiều trường hợp ngoài tuyến để giảm sĩ số học sinh xuống 35 em/lớp.
Nhưng đổi lại, chúng tôi không được gì hơn ngoài tấm bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Mức đầu tư kinh phí của Nhà nước vẫn như cũ, y như các trường chưa đạt chuẩn.
Đó là chưa kể việc giảm sĩ số ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của giáo viên. Tức là kinh phí rót xuống tính trên đầu học sinh, số học sinh giảm thì kinh phí giảm, kéo theo rất nhiều khoản thu khác như: tiền học 2 buổi/ngày, phí bán trú… cũng giảm theo.
Trong khi trường chuẩn thì các khoản chi lại đội lên cao so với các trường bình thường khác, vì phòng thực hành, thí nghiệm, sân chơi, bãi tập, cây cảnh… đều rất quy mô” – hiệu trưởng một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia ở nội thành TP.HCM phân tích.
Cần Thơ: không tái đạt chuẩn sẽ bị kỷ luật
Theo bà Trần Hồng Thắm, giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, hiện toàn TP có hơn 60% các trường đã đạt chuẩn quốc gia, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt 100% trường đạt chuẩn. Nếu trường nào sau 5 năm không hoàn thành tái đạt chuẩn thì cán bộ quản lý trường đó sẽ bị kỷ luật.
“Khi kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn, chúng tôi đã thực hiện rất kỹ theo quy định. Và khi tái chuẩn cũng làm chặt chẽ, không lơ là, nên các trường đều hoàn tất đúng chuẩn. Hiện chỉ có những trường ở vùng ven đang nâng cấp để được công nhận chuẩn quốc gia” – bà Thắm nói.
Cà Mau: trường đạt chuẩn quốc gia xuống cấp
Ông Trần Hoàn Lạc, trưởng Phòng GD-ĐT huyện U Minh, cho biết hiện nay có 14/25 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ nhiều năm trước, nhưng có 10 trường không thể tái đạt chuẩn vì trường lớp xuống cấp, cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên không đủ chuẩn, hoặc không đủ lớp để bố trí học hai buổi/ngày.
Còn theo Phòng GD-ĐT huyện Cái Nước, toàn huyện có 24/58 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó 13 trường đã được công nhận trước năm 2012). Một cán bộ quản lý của Phòng GD-ĐT cho biết hiện nay tình trạng cơ sở vật chất của các điểm trường này đang xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo công tác giảng dạy.
T.TRANG