11/01/2025

Nợ nần vì chấp hành viên sai phạm

Nhiều người mua, bán tài sản đấu giá rơi vào cảnh nợ nần chồng chất vì sai phạm của chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự.

 

Nợ nần vì chấp hành viên sai phạm.

Nhiều người mua, bán tài sản đấu giá rơi vào cảnh nợ nần chồng chất vì sai phạm của chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự.



Lực lượng chức năng cưỡng chế căn nhà 75 Yersin (Q.1, TP.HCM)ĐÀM HUY – PHAN THƯƠNG

Không nhận được tài sản đã mua đấu giá
Giữa tháng 10.2017, ông Hồ Quốc Minh (ngụ Q.3, TP.HCM) gửi đơn “kêu cứu” đến Báo Thanh Niên về việc bỏ hàng chục tỉ đồng mua tài sản đấu giá ở Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (DVBĐGTS) TP.HCM nhưng đến nay rơi vào cảnh nợ nần chỉ vì sai phạm của chấp hành viên (CHV).
Theo ông Minh trình bày, ngày 10.4.2015, ông mua trúng đấu giá lô đất 2.876 m2 (gồm đất ở và đất trồng cây lâu năm) ở P.An Phú, Q.2 với giá hơn 34 tỉ đồng do Trung tâm DVBĐGTS TP.HCM tổ chức bán đấu giá công khai. Ngày 18.5.2015, ông Minh nộp đủ số tiền mua đất và ngày 15.3.2016, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM xuất hoá đơn bán hàng với số tiền hơn 34 tỉ đồng. Ngày 21.3.2016, ông Minh đến Chi cục Thuế Q.2 nộp lệ phí trước bạ nhà, đất; sau đó nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất tại Văn phòng đăng ký đất đai Q.2 và được hẹn trả kết quả ngày 13.6.2016. Nhưng sau đó, Cục THADS TP.HCM không chịu giao tài sản cho ông Minh.
Đầu năm 2017, CHV Vương Minh (40 tuổi, ngụ Q.6, được giao tổ chức thi hành án tài sản đấu giá nói trên) bất ngờ gửi đơn khởi kiện huỷ kết quả bán đấu giá tài sản nói trên tại TAND Q.Tân Bình vì trong quá trình tổ chức thi hành án tài sản nói trên đã xảy ra một số sai phạm. Cụ thể: không xác minh tài sản trước khi kê biên, không thông báo cho người có tài sản gắn liền với đất… “Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Trong trường hợp TAND Q.Tân Bình tuyên vô hiệu hợp đồng bán đấu giá tài sản, tôi đề nghị phải hoàn trả cho người trúng đấu giá số tiền đấu giá đã nộp và bồi thường tiền lãi do chậm bàn giao tài sản trên số tiền đấu giá đã nộp theo quy định của pháp luật”, ông Minh yêu cầu.
Một trường hợp tương tự, Cục THADS TP.HCM tổ chức thi hành bản án phúc thẩm của TAND tối cao tại TP.HCM, là giao bà T.N.T.Tr được tiếp tục quản lý, sử dụng lò giết mổ heo và nhà trọ Kim Ngân tại xã Bà Điểm, H.Hóc Môn. Đồng thời bà Tr. trả cho ông T.K.Ch 1.356,8 m2 trị giá đất lúc thi hành án và số tiền xây dựng hơn 900 triệu đồng… Tuy nhiên, quá trình thi hành án, do bà Tr. không thanh toán tiền cho ông Ch. nên CHV Nguyễn Thị Thanh Hồng (Cục THADS TP.HCM) kê biên 1.356,8 m2 đất nói trên và 800 m2 đất tại xã Bà Điểm của bà Tr., đem bán đấu giá cho ông Hoàng Văn Truyền (57 tuổi, ngụ Hà Nội) với giá hơn 17 tỉ đồng vào năm 2016. Tuy nhiên, “Tôi đã nộp hết tiền cho bên bán nhưng đến nay chưa nhận được tài sản”, ông Truyền bức xúc nói.
Lợi dụng việc thi hành án để trục lợi ?
Những sai phạm trên của CHV đã gây thiệt hại khá nghiêm trọng cho người mua, bán tài sản đấu giá nhưng cơ quan quản lý xử lý quá nhẹ đối với CHV sai phạm.
Theo thống kê của Tổng cục THADS, trong 10 tháng năm 2017, tổng cục tiếp nhận gần 4.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Chỉ ra nguyên nhân cơ bản làm phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, Tổng cục THADS nhìn nhận: “Có nhiều sai phạm, thiếu sót trong quá trình tổ chức thi hành án, thậm chí là sai phạm nghiêm trọng, khó khắc phục”.
Điển hình là vụ việc năm 2016, gia đình bà T.T.H quyết “tử thủ” trong nhà (số 75 Yersin, Q.1), không chịu bàn giao nhà, dọa sẽ nhảy lầu tự tử nếu lực lượng thi hành án cưỡng chế bà giao nhà. Theo bà H., căn nhà của bà được bán đấu giá quá rẻ so với giá thị trường. Kiểm tra lại giấy tờ bán đấu giá, bà H. phát hiện CHV Lê Thị Ngoan (Chi cục THADS Q.1) kê biên căn nhà của bà thiếu 1 tầng (căn nhà có 6 tầng). Với sai phạm trên, ông Đỗ Mạnh Thuỷ, Chi cục trưởng Chi cục THADS Q.1, thừa nhận: “Việc CHV Ngoan sử dụng bản vẽ có số liệu sai thiếu tầng 3 so với hiện trạng thực tế của căn nhà 75 Yersin dẫn đến thẩm định giá, kết quả bán đấu giá không đúng giá trị thực tế tài sản là có cơ sở”. Tuy nhiên, Chi cục THADS Q.1 chỉ yêu cầu CHV Ngoan nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm (!?).
“Trong trường hợp có sai phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản do lỗi của CHV khiến người mua được tài sản bán đấu giá bị thiệt hại thì CHV, trưởng cơ quan thi hành án và cơ quan thi hành án phải bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc và chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009”, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định.
Đáng chú ý, hầu hết các vụ việc CHV sai phạm và khởi kiện hủy kết quả bán đấu giá tài sản đều là tài sản nhà cửa, đất đai có giá trị cao. Khi vụ việc bị phát hiện, cơ quan THADS xử lý CHV chưa nghiêm khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về “tệ nạn” tiêu cực “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá; lợi dụng việc thi hành án để trục lợi.

 

Ảnh: Công Nguyên