28/11/2024

Nguy cơ ngộ độc chì từ đồ dùng trong nhà

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận một người bệnh là nữ biên tập viên truyền hình bị ngộ độc chì có trong… son môi.

 

Nguy cơ ngộ độc chì từ đồ dùng trong nhà.

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận một người bệnh là nữ biên tập viên truyền hình bị ngộ độc chì có trong… son môi.

Tại hội thảo chia sẻ tác động và ảnh hưởng của chì tới sức khỏe, tổ chức ngày 24-10 tại Hà Nội, phó giám đốc phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Trung Nguyên cho biết có nhiều đồ dùng trong nhà có nguy cơ gây ngộ độc chì.

Ông Phạm Duệ, nguyên giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết từng tiếp nhận một người bệnh là nữ biên tập viên truyền hình bị ngộ độc chì có trong… son môi. Ngoài son môi, có rất nhiều đồ dùng, đồ vật trong nhà có thể gây ngộ độc chì.

Loại chì, thuỷ ngân ra khỏi thuốc y học cổ truyền

“Tại Mỹ từ năm 2000 – 2010 có hơn 200 loại sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia bị thu hồi do chứa hàm lượng chì cao. Đa số là những sản phẩm sử dụng hằng ngày như trang sức, đồ chơi, quần áo, kính mũ, găng tay, giày dép, bàn ghế, đèn, gối, tủ, ô, cũi, rèm, bình chứa nước, cốc…” – BS Trung Nguyên cho hay.

 

 

Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều sản phẩm tương tự như trên, đặc biệt là từ Trung Quốc. Bên cạnh đó là nguy cơ ngộ độc chì trong các loại thuốc nam và ngộ độc tại các khu vực tái chế ăcquy để lấy chì. Bác sĩ Nguyên cho biết nhiều loại thuốc cam, thuốc y học cổ truyền có oxit chì được bán rộng rãi, làm hàng ngàn trẻ em ngộ độc chì từ năm 2011 cho đến nay.

“Nhiều mẫu thuốc cam màu cam sặc sỡ, có đến trên 33% là chì, các thuốc này còn được có hình thức đơn giản nên dễ phân biệt màu sắc, trường hợp ở dạng viên nén hoặc viên nang thì không phân biệt được. Do vậy, cần loại chì, asen và thuỷ ngân khỏi danh sách nguyên liệu thuốc y học cổ truyền” – ông Nguyên đề xuất.

Sơn tường cũng là căn nguyên có thể gây ngộ độc chì. Trước đây người Việt sử dụng vôi, ve quét tường, nhưng gần đây thì sơn được sử dụng rộng rãi. Năm 2016-2017 một số sản phẩm xuất xứ Trung Quốc như vòng tay nhựa, bình uống nước, vòng đeo cổ, ghế bành… bị thu hồi ở Mỹ do có hàm lượng chì cao. Uỷ ban hàng tiêu dùng của Mỹ cũng xếp sản phẩm sơn có trên 0,06% chì vào nhóm sơn chì. “Nếu không ngăn chặn từ sớm thì đây sẽ là vấn đề ở Việt Nam trong thời gian tới” – ông Nguyên nói.

Nhiễm chì rất nguy hiểm

Theo bác sĩ Nguyên, chì nguy hiểm ở chỗ “dễ vào nhưng khó ra”, chì có thể nhiễm độc sang người qua không khí, qua tiếp xúc, nhưng khi vào cơ thể nó gắn chặt vào xương và các tổ chức mềm như gan, thận, tuỷ xương và não.

Ở người lớn, 95% chì gắn vào xương, trẻ em là 70%, nhưng hầu hết độc tính của chì do lượng chì tại các mô mềm, làm người nhiễm chì luôn mệt mỏi, chán ăn, trẻ em nhiễm chì bị chậm phát triển trí tuệ.

Bác sĩ Nguyên dẫn một nghiên cứu cho biết trẻ có hàm lượng chì máu 73 mcg/dl (trẻ 6-7 tuổi, nghiên cứu trường hợp bệnh cụ thể) thấy tình trạng bốc đồng, tăng hoạt động nhưng giảm tập trung. Thậm chí chì máu dưới 10 mcg/dl (dưới mức cho phép) vẫn ảnh hưởng tới tim mạch, nội tiết, miễn dịch và hành vi.

Qua nghiên cứu tại làng Đông Mai, làng tái chế chì ở tỉnh Hưng Yên, cho thấy môi trường mặt đất bị ô nhiễm chì nặng. Trong thời gian từ 2011 đến nay đã có hàng ngàn trẻ em được xác định nhiễm chì do thuốc cam, tái chế chì và nhiều hoạt động có nguy cơ khác. 

“Tại Bắc Giang khi chúng tôi đến khám tháng 9 gần đây cũng có hàng trăm trẻ đăng ký khám do lo ngại ngộ độc chì”- ông Nguyên cho biết.

Cần có các biện pháp ngăn chặn nhiễm chì – các bác sĩ kiến nghị.

Coi chừng ngộ độc chì trong son môi

“Người bệnh đến khám trong tình trạng ngộ độc chì rõ, đường tiếp giáp giữa chân răng và lợi chuyển sang màu xám, có ánh kim loại, hay mệt mỏi. Xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì máu lên tới 32 mcg/dl, gấp hơn 3 lần giới hạn cho phép ở VN là 10 mcg/dl.

Sàng lọc cho thấy người bệnh không có nguồn tiếp xúc với chì nào ngoài son môi màu đậm. Đây là ca ngộ độc chì có trong son môi đầu tiên được ghi nhận”- BS Phạm Duệ cho biết.

LAN ANH