11/01/2025

Học văn nhưng không thể tả đúng con mèo!

Câu chuyện một du học sinh VN phản ứng cách dạy học môn văn hiện nay vì cho rằng sau 12 năm học tiếng Việt nhưng khả năng viết, diễn đạt, lập luận hết sức kém cỏi một lần nữa đặt ra vấn đề học môn văn để làm gì.

 

Học văn nhưng không thể tả đúng con mèo!

Câu chuyện một du học sinh VN phản ứng cách dạy học môn văn hiện nay vì cho rằng sau 12 năm học tiếng Việt nhưng khả năng viết, diễn đạt, lập luận hết sức kém cỏi một lần nữa đặt ra vấn đề học môn văn để làm gì.




Không nhiều học sinh hứng thú khi học môn ngữ văn trong nhà trường hiện nayẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Quyết định “ly dị” môn văn
Lê Uyên Phương, cựu học sinh Trường phổ thông Năng khiếu, TP.HCM, hiện là du học sinh ngành tài chính tại Hà Lan, cho rằng thuộc loại học văn tốt nhưng khi trải qua 4 năm du học, nhận thấy khả năng diễn đạt, thuyết trình và biện luận của bản thân và nhiều người Việt khác “thua kém người ta”. Phương Uyên cho biết: “Thấy các bạn trong nhóm sai nhưng mình không biết lập luận sao để thuyết phục các bạn tin mình. Điều đó làm em nghĩ là tại sao mình đã học viết văn nghị luận bao nhiêu năm mà giờ lại kém thế!”.
Theo Uyên Phương, có 3 nguyên nhân khiến môn văn không đem lại lợi ích cho người học. Thứ nhất: Tính gia trưởng. Đề bài yêu cầu học sinh (HS) nêu cảm nghĩ của mình về một vấn đề/tác phẩm nhưng nếu cảm nghĩ của HS mà không giống với bảng điểm là “không có ý để chấm”. 1.000 HS sản xuất ra 1.000 phiên bản khác nhau vài cái chấm, phẩy nên từ trong trường lớp HS đã bị hạn chế chuyện nêu ra ý kiến của mình. Thứ hai: Hay mơ mộng. Mình cảm thấy chuyện học văn rất hữu ích vì trong cuộc sống mình sử dụng văn nhiều hơn toán. Ví dụ mình bị lạc mất con mèo và muốn nhờ mọi người giúp, thế thì phải biết sử dụng văn miêu tả làm sao cho người ta tưởng tượng ra con mèo nhà mình. Thế nhưng mèo ở VN nếu 100 con thì tới 99 con có đôi mắt như hai hòn bi ve. Thứ ba: Không chịu tiếp thu cái mới. Trong trường học, thầy cô miệt mài yêu cầu HS đọc những tác phẩm kinh điển, đọc về các tấm gương anh hùng… nhưng HS lúc nào cũng chỉ Facebook, kênh14, thế là công sức giảng dạy của thầy cô đổ sông đổ bể chỉ vì chương trình không còn đáp ứng thị hiếu của giới trẻ được nữa.
Những điều này khiến Phương Uyên đi đến quyết định phải “ly dị” môn văn sau 12 năm gắn bó.
“Hãy dạy cho em được nêu cảm nghĩ thật của mình”
Sau khi đưa ra những nhận định trên, Uyên Phương mong muốn: “Môn ngữ văn hãy dạy em cách để viết một lá thư xin việc, hãy dạy cho em được nêu cảm nghĩ thật của mình về một vấn đề trong xã hội và cả lớp được cùng nhau phản biện để bảo vệ ý kiến của mình. Hãy dạy em cách quảng bá bản thân để gây được sự chú ý của các công ty. Hãy dạy cách viết một đoạn lời thoại quảng cáo cho một sản phẩm. Hãy dạy em cách viết một lá thư tình thật ấn tượng”…
Điều đáng lưu tâm hơn là hầu hết giáo viên ngữ văn và HS tại TP.HCM đều đồng tình với những suy nghĩ này của Uyên Phương và khẳng định “học trò không hề nói sai”.
Học văn nhưng không thể tả đúng con mèo! - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Đơn xin ‘ly dị’ môn văn

Trải qua 4 năm du học, không chỉ cảm nhận từ bản thân mà còn lắng nghe chia sẻ của bạn bè, cuối cùng Lê Uyên Phương, du học sinh ngành tài chính tại Hà Lan viết lá đơn ‘li dị’ với môn ngữ văn.
Chưa gắn với thực tiễn
Bà Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), nhận xét suy nghĩ của HS có phần đúng vì chương trình đang học chưa gắn liền với thực tiễn. Chương trình có nhiều tác phẩm kinh điển, những khái niệm xa lạ với lứa tuổi và nhịp sống hiện đại nên HS khó tiếp nhận.
Bà Hiền cho rằng bản chất của học ngữ văn cũng là học ngôn ngữ với đòi hỏi đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong khi thực tế kiểm tra đánh giá chỉ yêu cầu kỹ năng viết, dù vài năm gần đây có phần đọc – hiểu nhưng chiếm số điểm không nhiều nên muốn đạt điểm cao vẫn phải tập trung vào kỹ năng viết.
Bên cạnh đó, nội dung câu hỏi còn tập trung vào những tác phẩm kinh điển, HS không hào hứng. Những mong muốn mà HS đưa ra trong “lá đơn” của mình đều là những kỹ năng đã được học trong trường phổ thông nhưng trong lịch sử thi cử chưa khi nào yêu cầu nên HS không chú ý, học kỹ còn giáo viên thì muốn dồn trọng tâm vào những kiến thức phục vụ thi cử.
Ông Lê Minh Tân, nguyên giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), đồng tình với ý kiến của HS và nói thêm: “Quả thật việc dạy và học môn ngữ văn có những điều không còn phù hợp. Chưa tạo điều kiện, khuyến khích học trò bày tỏ cảm nhận riêng mà vẫn bị gò bó theo đáp án, thui chột sự sáng tạo, tư duy”.
Tuy nhiên, ông Tân cho rằng quan điểm của HS về việc những tác phẩm kinh điển có phần chưa toàn diện. Một số tác phẩm có những giá trị nhất định, cần dung hòa giữa tính chuẩn mực và hiện đại.
Do vậy, trong chương trình ngữ văn mới, Bộ vẫn cần thiết giữ lại một số tác phẩm để HS hiểu lịch sử, giá trị của văn học.
Ý kiến:
Học xong rồi không nhớ được bao nhiêu
Em hiểu những tác phẩm trong sách giáo khoa mà chúng em học tất nhiên có giá trị nhưng chúng em không thấy hứng thú. Thật ra, chúng em đang học một cách máy móc để đáp ứng thi cử, chứ chắc chắn rằng thi xong sẽ không nhớ được bao nhiêu. Chúng em chỉ mong môn ngữ văn cung cấp những kiến thức, kỹ năng sẽ áp dụng trong cuộc sống tương lai”.
Phan Hoàng Thảo Ly (HS Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM)
Cần đi vào đời sống nhiều hơn
Đây cũng là mong muốn của HS vì môn ngữ văn còn dạy theo kiểu hàn lâm. Văn cần đi vào đời sống nhiều hơn, thiết thực hơn là ngồi học quá nhiều những biện pháp tu từ, hình tượng nghệ thuật… mà sau đó không sử dụng, thi xong là kiến thức cũng hết.
Bùi Thuỵ Anh (HS Trường THPT Tân Bình, Q.Tân Phú, TP.HCM)


Chương trình mới nên chia thành 2 cấp độ
Bà Nguyễn Thị Hiền đề nghị chương trình ngữ văn sắp tới nên phân chia theo 2 cấp độ. Học văn để ứng dụng tức là dạy đầy đủ 4 kỹ năng cần thiết và học văn nghiên cứu tức là học chuyên sâu theo hình thức câu lạc bộ, học theo chuyên đề, chủ đề. Chọn học văn theo mục tiêu nào tuỳ thuộc vào sự tự nguyện của HS. Đó mới là bản chất của việc học văn đúng nghĩa.

 

Bích Thanh