11/01/2025

‘Cụ thể là ông muốn thăm con thú gì ở Mỹ?’

Tiếng Việt của chúng ta được xem là ngôn ngữ vô cùng phong phú, nhưng cũng không kém phức tạp. Vì vậy nhiều người Việt, nhất là giới trẻ ngày nay, thực sự bị choáng ngợp trong “biển lớn” tiếng mẹ đẻ.

 

‘Cụ thể là ông muốn thăm con thú gì ở Mỹ?’

 

 Tiếng Việt của chúng ta được xem là ngôn ngữ vô cùng phong phú, nhưng cũng không kém phức tạp. Vì vậy nhiều người Việt, nhất là giới trẻ ngày nay, thực sự bị choáng ngợp trong “biển lớn” tiếng mẹ đẻ.

 

 

Dù đã đỗ đạt thành những “ông nghè”, “bà cử”, nhiều bạn không thể giải nghĩa nổi những ngạn ngữ như: “Tại gia tòng phụ / Xuất giá tòng phu / Phu tử tòng tử” (có tới hai chữ tử khác nghĩa), “Tẩu hỏa nhập ma”, “Đồng sàng dị mộng”, “Bần cùng sinh đạo tặc”, “Dục tốc bất đạt”, “Thất thập cổ lai hi”…

Vào năm 2013, tôi đến Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM làm thủ tục xin visa du lịch Mỹ. 

Trực tiếp phỏng vấn tôi là nữ nhân viên người Mỹ và một nam phiên dịch viên gốc Việt. Khi người phiên dịch phỏng vấn: “Quý ông đến Mỹ với mục đích gì?”, tôi trả lời: “Đến Mỹ du lịch, thăm thú”. 

Và tôi đã rất bất ngờ trước câu hỏi tiếp theo rằng “cụ thể là ông muốn thăm con thú gì ở bên Mỹ?” của người phiên dịch nọ!

Chợt nghĩ có lẽ anh chàng phiên dịch này sinh ra tại Mỹ, vốn tiếng Việt hạn chế nên mới hỏi kỳ vậy, tôi phải giải thích thật rõ rằng người Việt Nam nói thăm thú tức là tham quan để tìm hiểu phong cảnh, tập quán, văn hoá… nơi mình đến chứ không phải thăm con thú nào!

 
 

“Bơi trong biển” ngôn ngữ Việt

Tuy nhiên, không chỉ những người gốc Việt thế hệ thứ 2, 3 sinh ra ở nước ngoài mới bị hạn chế ngôn ngữ tiếng Việt như người phiên dịch trên. 

Thực tế là khá đông trong cộng đồng hơn 2 triệu người Việt cư trú khắp năm châu – kể cả từng học phổ thông, lớn lên tại Việt Nam – cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Hạn chế về ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ là thực trạng chung của giới trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên nơi xứ người. Do hoàn cảnh, thế hệ người gốc Việt này tuy thông thạo ngoại ngữ và giỏi công nghệ nhưng lại bị hụt hẫng vốn tiếng Việt. 

Như cháu nội tôi chẳng hạn, cha mẹ cháu đều lớn lên ở Sài Gòn, 18 tuổi mới du học, làm việc tại Singapore. 

Nhưng vì từ 1 tuổi cô bé đã chủ yếu ở nhà trẻ rồi mẫu giáo xứ người, thời gian tiếp xúc tiếng Việt hằng ngày chỉ qua cha mẹ nên nói tiếng Việt kém xa tiếng Anh và không hơn tiếng Hoa nhiều. 

Khi cháu kể câu chuyện con sói hung ác bằng tiếng Việt, tả cái chân con chó sói “đen sì” thì được, nhưng cũng lại tả chân con dê nó “trắng sì” thay vì “trắng bóc”, “trắng nõn”!…

Cũng vì vốn tiếng Việt hạn hẹp nên cháu nội tôi mới nói “hái tóc bạc” thay vì “nhổ tóc bạc”, hoặc thường phải chêm từ tiếng Anh trong lời nói làm ông bà vừa nghe vừa đoán mò! 

Trong khi đó, con cái người thân của chúng tôi định cư cùng cha mẹ ở bên Mỹ, bên Đức thì thường rơi vào tình trạng “nói ngược”, đại loại như: “mời cơm ăn bà” thay vì “mời bà ăn cơm”…

Biết rất ít tục ngữ, ca dao

Những bất cập trong giáo dục – đào tạo gần đây, trong đó có hạn chế chất lượng giáo dục ngữ văn cộng với sự ỷ lại vào công nghệ, rằng “Trăm năm trong cõi người ta / Cái gì không biết thì tra gu gồ”… cũng dẫn đến thực trạng người Việt trẻ bị mai một kiến thức tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao.

Câu chuyện có thật trong một gia đình trẻ sau đây có thể xem là ví dụ. Người vợ không hài lòng khi nghe mẹ chồng nói với mẹ đẻ cô ấy rằng: “Cháu bà nội tội bà ngoại”, còn anh chồng lại tỏ ý trách mẹ vợ: “Tại sao mẹ lại bảo con của chúng con là mủ?”. 

Thì ra vợ chồng ấy dù sinh ra và trưởng thành trong nước trước khi ra nước ngoài du học, làm việc nhưng cũng không hiểu câu ngạn ngữ “Cháu bà nội tội bà ngoại” ca ngợi nghĩa cử, công lao chăm sóc cháu ngoại của các bà ngoại, cũng như câu “Con là máu, cháu là mủ” thể hiện ý niệm tình thâm ruột thịt ba thế hệ ông bà – cha mẹ – con cháu!

Nhưng vấn đề thiếu kiến thức ngôn ngữ mẹ đẻ trong tổ ấm nhỏ ấy đâu chỉ có thế. Người mẹ trẻ nói trên còn không đồng ý cho bà nội dỗ các bé ngủ bằng lời hát ru Bắc Bộ vốn rất quen thuộc: “À ơi, cái ngủ mày ngủ cho ngoan / Để mẹ đi cấy đồng sâu trưa về / Bắt được con trắm con trê…”. 

Tìm hiểu ra mới vỡ lẽ: vì không biết, không thuộc những lời hát ru Việt cổ, người mẹ trẻ lo khi bà nội về nước, thiếu tiếng hát ru của bà, bé sẽ không chịu ngủ thì gay…

Thực tế giới trẻ nước ta hiện nay ít quan tâm, ít hiểu biết tục ngữ, ca dao, dân ca, nhất là dạng văn tự cổ. 

Dù thời đi học ai cũng thuộc làu “Tiên học lễ hậu học văn”, nhưng không phải bạn nào cũng hiểu tường tận những chữ “tiên”, “lễ” và “văn” trong ngạn ngữ trên nghĩa là gì.

Thành ra câu chuyện truyền miệng xưa nay rằng có người giải nghĩa “Bán tự vi sư, nhất tự vi sư” là “Một ngôi chùa, một ông sư. Bán ngôi chùa thì còn ông sư” là một sự thật buồn, chứ không phải chuyện đùa!

 

NGUYỄN VĂN HÙNG