11/01/2025

Có một số nhà báo giàu lên rất nhanh

Có hiện tượng một số ít phóng viên kinh tế giàu lên rất nhanh. Họ làm giàu bằng nghề báo thông qua việc thoả thuận ngầm, đứng ra bảo kê cho các doanh nghiệp địa ốc, hoặc khai thác thông tin bất lợi từ doanh nghiệp để có lợi ích cho bản thân.

 

Có một số nhà báo giàu lên rất nhanh.

Có hiện tượng một số ít phóng viên kinh tế giàu lên rất nhanh. Họ làm giàu bằng nghề báo thông qua việc thoả thuận ngầm, đứng ra bảo kê cho các doanh nghiệp địa ốc, hoặc khai thác thông tin bất lợi từ doanh nghiệp để có lợi ích cho bản thân.

 

 

Có một số nhà báo giàu lên rất nhanh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Liên – Trưởng cơ quan đại diện báo VietNamnet tại TP.HCM trình bày tham luận về vấn đề “Nhà báo thiếu tu dưỡng, rèn luyện dễ vi phạm đạo đức nghề nghiệp” – Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhà báo Nguyễn Đức Liên, trưởng cơ quan đại diện Báo Vietnamnet tại TP.HCM nêu điều này tại toạ đàm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay, do Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức sáng 24-10.

Giàu lên rất nhanh

Theo ông Liên, gần đây trên mạng xã hội và trong dư luận đã từng râm ran thông tin một số phóng viên phụ trách mảng kinh doanh bất động sản bắt tay với vài doanh nghiệp để làm ăn riêng và trục lợi cá nhân.

Ông đặt câu hỏi: Nếu họ không phải là phóng viên, nhà báo, không làm việc cho một số tờ báo lớn, có uy tín, liệu họ có nhận được sự ưu ái từ phía các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc này hay không?

Bà Đinh Thị Thanh Thuỷ, Giám đốc nhà xuất bản tổng hợp TP.HCM cũng cảnh báo về một dạng nhà báo giàu lên rất nhanh, khởi đầu bằng ngòi bút, xe cọc cạch nhưng chẳng mấy chốc trở nên giàu có, nhà xe lộng lẫy, đi lại nói năng khệnh khạng mà không hiểu từ đâu ra.

Bà Thủy nêu tình trạng phóng viên đi dự sự kiện mà không được chi tiền bồi dưỡng thì không viết tin bài, hoặc thậm chí gạ gẫm doanh nghiệp nhỏ và vừa viết bài PR, đặt vấn đề phải đăng quảng cáo trên báo. Nghiêm trọng hơn là sự liên minh các “đại nhà báo” cấu kết với nhau nhũng nhiễu doanh nghiệp.

“Tình trạng một số nhà báo thiếu tư cách đạo đức đang khiến cho uy tín của cơ quan báo chí giảm sút nghiêm trọng và trở thành nỗi ám ảnh, kinh sợ của doanh nghiệp”, bà Thủy nêu ý kiến.

Nhà báo Ngô Thị Thu An – Uỷ viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ thẳng thắn nhìn nhận một thực trạng “đau lòng nhưng không thể chối cãi”: Một số nhà báo tiêu cực, nhũng nhiễu, hành nghề không trong sáng, không chuẩn mực, lợi dụng nghề nghiệp của mình để trục lợi bất chính.

Một trong số các biểu hiện vi phạm đạo đức mà nhà báo Thu An đưa ra là việc nhà báo nhận tiền, lợi ích vật chất, lợi ích từ người khác để thực hiện hoặc không thực hiện một tác phẩm báo chí, hoặc tác động phía sau tác phẩm, phía sau mặt báo để trục lợi…

“Bức xúc nhất vẫn là những nhà báo lợi dụng nghề nghiệp táo tợn hù dọa, gây áp lực vòi vĩnh chung chi tiền bạc, lợi ích vật chất”, bà Thu An nhìn nhận.

Không dễ vì tiền mà bẻ cong ngòi bút

Nhà báo Thu An lý giải, sở dĩ nhà báo có thể nhũng nhiễu, hù doạ người khác có lẽ vì nhà báo nhận thức được quyền lực của mình. Bởi khi đưa thông tin về sự kiện nhà báo biết rằng sẽ có một dư luận xã hội xung quanh nó. 

Nếu theo chiều hướng tích cực thì nhà báo sẽ biến lao động nghề nghiệp của mình thành giá trị hữu ích cho xã hội, cùng với sức mạnh dư luận để nhân lên cái đẹp.

Còn nếu theo chiều hướng tiêu cực thì nhà báo có thể tạo áp lực dư luận để buộc cá nhân, tổ chức thỏa hiệp theo kiểu đôi bên cùng có lợi…

Có một số nhà báo giàu lên rất nhanh - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi Toạ đàm ” Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay” diễn ra vào sáng 24-10 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Cũng như nhiều ý kiến đưa ra tại toạ đàm, nhà báo Nguyễn Đức Liên cũng cho rằng nguyên nhân gốc rễ của sự vi phạm đạo đức báo chí bắt nguồn từ giáo dục.

Ông kể, thế hệ những người làm báo trưởng thành sau năm 1975 như ông đều được thi tuyển, đào tạo bài bản về cả nghiệp vụ và lý luận chính trị. Thời ấy, ai cũng ý thức làm báo là làm chính trị, chọn nghề báo trước hết xuất phát từ niềm say mê nghề nghiệp, luôn có lòng từ trọng về nghề báo cao quý.

“Điều này có thể xa lạ và khác với suy nghĩ thực dụng hiện nay của một bộ phận phóng viên trẻ, các bạn này không chút quan tâm đến đạo đức là gì, chỉ cần làm báo để có cơ hội kiếm được nhiều tiền và thích được đề cao tên tuổi”, nhà báo Nguyễn Đức Liên nói.

Có một số nhà báo giàu lên rất nhanh - Ảnh 3.

Ông Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM phát biểu tại buổi Toạ đàm ” Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay” diễn ra vào sáng 24-10 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Một số ý kiến cho rằng phải đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của người làm báo, đảm bảo họ sống được bằng sức lao động của mình thì tiêu cực sẽ giảm.

Liên quan vấn đề này, Phó bí thư thường trực Thành uỷ Tất Thành Cang đề nghị các cơ quan quản lý, định hướng báo chí kiến nghị về cơ chế chính sách để báo chí đảm bảo hoạt động tốt, đúng tôn chỉ mục đích trong điều kiện tự chủ tài chính, đảm bảo đời sống của người làm báo một cách chính đáng và hợp pháp.

“Tôi vẫn rất tin đội ngũ của chúng ta. Mặc dù đời sống anh em còn khó khăn, nhưng không dễ bẻ cong ngòi bút. Nhưng ngược lại cũng phải có cơ chế chính sách gì để báo chí cạnh tranh được trong môi trường mà mạng xã hội phát triển như vũ bão hiện nay”, ông Cang nói.

Có một số nhà báo giàu lên rất nhanh - Ảnh 4.

Ông Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM trao đổi với các nhà báo tham gia buổi Toạ đàm – Ảnh: DUYÊN PHAN

Tọa đàm với sự tham gia của hơn 100 cán bộ, phóng viên, đại diện cơ quan chủ quản… Bà Thân Thị Thư, trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ cho biết Ban tổ chức toạ đàm đã nhận được 64 bài tham luận là những ý kiến tâm huyết của các tập thể và cá nhân.

 

MAI HOA