11/01/2025

Bỏ hộ khẩu đi, cho dân đỡ khổ

Chuyện bỏ hộ khẩu trong quản lý hành chính đã được bàn đi, xới lại nhiều năm nay. Và khi những quy định ràng buộc liên quan đến hộ khẩu vẫn còn, người dân tiếp tục chịu đủ loại phiền phức.

 

Bỏ hộ khẩu đi, cho dân đỡ khổ.

 

 Chuyện bỏ hộ khẩu trong quản lý hành chính đã được bàn đi, xới lại nhiều năm nay. Và khi những quy định ràng buộc liên quan đến hộ khẩu vẫn còn, người dân tiếp tục chịu đủ loại phiền phức.


Chị Nguyễn Lan Hương (25 tuổi, quê Thanh Hoá, hiện sống và làm việc tại TP.HCM) vì đi công tác nước ngoài nên phải làm hộ chiếu gấp. 

Nhưng để làm hộ chiếu tại TP.HCM phải có hộ khẩu hoặc có KT3 (sổ tạm trú dài hạn) tại TP.HCM. Do thường xuyên chuyển đổi chỗ trọ nên chị Hương chưa đăng ký được KT3, vì vậy chị buộc phải về quê làm hộ chiếu.

Từ xin giấy tờ đến xin học cho con

Công việc bận bịu cả tuần nhưng chị Hương phải bỏ ra ba ngày về quê làm giấy. Riêng tiền vé máy bay mua gấp đã tốn gần 4 triệu đồng. 

 
 

“Tôi nghĩ nếu đồng nhất được hệ thống dữ liệu, chỉ cần tra số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước để biết được thông tin đầy đủ của người đó là có thể cấp hộ chiếu cho họ dù ở bất kỳ tỉnh, thành nào chứ không cần phải về nơi đăng ký hộ khẩu. Việc phải về quê để làm hộ chiếu gây lãng phí thời gian, tiền bạc, nhất là với những người ở xa như tôi” – chị Hương nói.

Chị Nguyễn Thị Hồng (26 tuổi, quê Nghệ An) cũng gặp rắc rối khi làm giấy tờ xin việc. Chị Hồng chia sẻ mới đây chị làm hồ sơ xin việc, bộ hồ sơ đủ loại giấy tờ cần công chứng nhưng quy định chỉ cho công chứng bảng điểm, bằng ĐH, chứng chỉ tại TP.HCM. 

Riêng sơ yếu lý lịch phải về quê xác nhận. Vậy là chị phải xé lẻ hồ sơ, gửi một phần giấy tờ theo đường bưu điện về nhờ người thân ở quê lên xã xác nhận.

Mất một tuần, người nhà mới gửi ngược giấy tờ vào. “Lẽ ra nếu được công chứng toàn bộ giấy tờ tại TP.HCM, tôi chỉ mất một, hai ngày làm hồ sơ, nhưng giờ mất cả chục ngày để có đầy đủ giấy tờ rất rắc rối. May mà không thiếu giấy tờ gì, chứ bổ sung chắc mất cả tháng” – chị Hồng thở dài.

Với nhiều gia đình, việc không có hộ khẩu ở TP.HCM cũng gây đủ thứ thiệt thòi cho con đến tuổi đi học. Gia đình chị Mỹ Linh (36 tuổi, Q.Gò Vấp) vào TP.HCM làm việc gần 10 năm nay, do chưa có nhà nên không thể chuyển hộ khẩu vào TP, gia đình chị Linh chỉ đăng ký KT3. 

Chị Linh kể con chị năm nay học lớp 3. Lúc đầu, muốn xin cho con vào học trường có chất lượng tốt, nhưng do trường ưu tiên chỉ nhận học sinh có hộ khẩu tại TP nên chị phải xin ở trường khác cách xa chỗ trọ, chất lượng không bằng trường dự định xin ban đầu.

Chị Linh cho hay không chỉ chuyện con học, nhiều thủ tục liên quan đến hộ khẩu cũng gây rắc rối cho người dân. Mua xe muốn đăng ký phải về quê, nhiều giấy tờ muốn chứng thực, xác nhận đều phải về địa phương. 

“Đã có chứng minh nhân dân đầy đủ thông tin mà cứ phải quy định theo hộ khẩu khiến người dân khổ sở. Người có điều kiện còn đỡ, dân lao động nghèo tiền đâu ra để về quê làm giấy tờ” – chị Linh nói.

Không nên phân biệt thường trú, tạm trú

Bà Lê Thị Kim Liên – chủ tịch UBND phường Long Thạnh Mỹ (Q.9, TP.HCM) – cho biết trong quản lý hành chính hiện nay, nhiều thủ tục, chính sách có sự phân biệt giữa cư dân thường trú và tạm trú gây khó khăn cho người dân. 

Lấy ví dụ cùng là cư dân thường trú trên địa bàn phường, nhưng người dân có hộ khẩu thường trú được hưởng nhiều chính sách mà người tạm trú không được hưởng. Ngay cả việc đi làm một số loại giấy tờ, người tạm trú cũng phải về địa phương đăng ký hộ khẩu mới làm được.

Theo bà Liên, cần bỏ những quy định phân biệt, tạo sự bình đẳng đối với cư dân thường trú và tạm trú. “Nên quy định mọi công dân khi đến sinh sống tại một địa điểm nào đó chỉ cần có chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có đầy đủ thông tin phục vụ cho công tác quản lý cư trú là đủ” – bà Liên nói.

PGS.TS Võ Trí Hảo, phó trưởng khoa luật Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng hộ khẩu là biện pháp quản lý về cư trú gắn liền với những quyền lợi khác của công dân. 

Bỏ hộ khẩu không phải là bỏ hoàn toàn quản lý cư trú, mà là chấm dứt việc phân biệt đối xử cư dân theo hộ khẩu như hiện nay, cho phép người dân đăng ký cư trú theo nhu cầu, nguyện vọng thực của mình, đồng thời tạo ra sự tự do trong dịch chuyển lao động.

Theo ông Hảo, việc bỏ hộ khẩu cần có lộ trình làm từ từ, trong đó bước thứ nhất là bỏ tất cả những phân biệt đối xử dựa trên hộ khẩu khi tuyển dụng công chức, viên chức. Các đơn vị tư nhân đã bỏ từ lâu, tạo nên sự năng động, cạnh tranh. 

Cần hiểu lao động thực chất là một loại hàng hóa. Khi bị “trói” bởi nhiều điều kiện về hộ khẩu trong thi tuyển sẽ tạo ra rào cản loại trừ sự tham gia của nhiều người tài và làm méo mó thị trường lao động. 

Do vậy, bỏ hộ khẩu sẽ tạo điều kiện thu hút nhân tài từ mọi miền. Lúc đó các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan nhà nước buộc phải cạnh tranh, giữ người tài bằng các chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc tốt nhất.

Bước thứ hai, bỏ tất cả những quy định yêu cầu về hộ khẩu liên quan đến làm giấy tờ xác định nhân thân, đăng ký tài sản, ký các hợp đồng… Đây là những thủ tục, giao dịch của người dân không ảnh hưởng đến. 

“Những đòi hỏi liên quan đến hộ khẩu rất vô lý làm kéo dài thủ tục hành chính, người dân khổ mà cơ quan hành chính cũng khổ. Chưa kể một bộ phận công chức, viên chức nhà nước còn dựa vào đó mà hành dân” – ông Hảo nói.

MINH PHƯỢNG – TIẾN LONG