28/11/2024

Làm sao để lấy đô thị nuôi đô thị?

Thu thuế tài sản, thu phí phát triển hạ tầng… nhằm điều tiết giá trị gia tăng từ đất, tạo nguồn thu bền vững thay vì trông chờ vào vốn ngân sách, ODA.

 

Làm sao để lấy đô thị nuôi đô thị?

 

Thu thuế tài sản, thu phí phát triển hạ tầng… nhằm điều tiết giá trị gia tăng từ đất, tạo nguồn thu bền vững thay vì trông chờ vào vốn ngân sách, ODA.


Đó là đề xuất của các nhà khoa học tại hội thảo “Những giải pháp điều tiết giá trị gia tăng từ đất, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất” do Sở Tài chính và Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức ngày 20-10.

Thuế tài sản là nguồn thu ổn định

Tại hội thảo, các đại biểu phân tích những nhược điểm của các nguồn vốn đầu tư hạ tầng lâu nay như vốn ngân sách, vốn vay ODA… và quả quyết phải tìm một nguồn thu mới bền vững, lâu dài hơn để đầu tư cho hạ tầng đô thị.

TS Nguyễn Ngọc Hiếu (ĐH Việt Đức) đề xuất chính sách thu thuế tài sản của người dân để đầu tư lại cho cơ sở hạ tầng xã hội đô thị. 

Theo TS Hiếu, chính sách thu tiền sử dụng đất hiện nay có nhiều điểm chưa ưu việt: thu một lần quá nhiều nhưng không thu được lâu dài, mức thu từ đất của Nhà nước cũng quá thấp so với các quốc gia khác. 

Bên cạnh đó, giá trị đất và các khoản thu từ đất rất thấp so với giá trị công trình trên đất, trong khi những công trình cao tầng lại “hao tốn” hạ tầng nhiều hơn những công trình thấp tầng.

“Ở đây có sự bất công bằng trong việc Nhà nước bao cấp hạ tầng: người giàu được bao cấp nhiều hơn, tức sử dụng hạ tầng nhiều hơn người nghèo” – TS Hiếu nói. 

Nêu ra thực tế này, ông Hiếu đề nghị nhà càng cao thì phải đóng thuế càng nhiều, người nào sở hữu càng nhiều tài sản phải đóng thuế càng nhiều chứ không đơn thuần chỉ thu tiền sử dụng đất một lần như hiện tại. 

Theo TS Hiếu, trong 10 năm nữa, Việt Nam trở thành quốc gia đô thị thì phải có cơ chế để “lấy đô thị nuôi đô thị”. Cụ thể là những nguồn lực thu được từ phát triển đô thị phải đủ để đầu tư phát triển đô thị. Trong đó, ông Hiếu cho rằng thuế tài sản là công cụ tạo nền tảng để TP phát triển bền vững.

Ông Hiếu cũng nhấn mạnh cần có lộ trình và phương pháp khi áp dụng loại thuế này để việc thu thuế được thành công. 

Trước hết cần một thông điệp thuyết phục người dân rằng thuế tài sản nhằm bảo đảm công bằng cho việc đóng thuế và hưởng thụ hạ tầng, tiện ích ngay tại cộng đồng, nơi họ sinh sống. Và khi thu thuế này cần có phương pháp thu và miễn thuế cho người nghèo…

Thu phí phát triển hạ tầng

TS Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP, đề xuất biện pháp gán chi phí phát triển hạ tầng đô thị lên mỗi mét vuông đất. 

Đây là cách buộc những người sử dụng đất phải bỏ một khoản tiền đầu tư hạ tầng để từ một mảnh đất đơn thuần biến thành đất đô thị, tức người sử dụng đất phải nộp một khoản chi phí đầu tư hạ tầng để Nhà nước hoặc công ty phát triển hạ tầng xây dựng cầu cống, đường sá… 

Chi phí này có thể tính được cho mỗi mét vuông đất khi xác định mối liên hệ giữa hệ thống hạ tầng và vị trí đất.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đề xuất Nhà nước nên thu thuế bất động sản để lấy nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng. 

TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP, cho rằng có ba yếu tố làm tăng giá trị của đất có thể điều chỉnh là quy hoạch, Nhà nước đầu tư hạ tầng và tư nhân đầu tư hạ tầng. Trong đó, Nhà nước nên thu thuế bất động sản và phí hạ tầng để đầu tư lại cho hạ tầng đô thị.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đề xuất nên sử dụng các nguồn để đầu tư hạ tầng cho đô thị như vốn từ cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, khai thác hiệu quả quỹ đất, vận dụng tốt mô hình PPP…

Ông Nguyễn Thanh Nhã, giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, cho biết những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học tại hội thảo sẽ là nguồn tham khảo quan trọng cho sở này trong quá trình nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP lập tờ trình điều chỉnh quy hoạch chung trong thời gian tới. 

Đại diện Sở Tài chính TP cũng cho biết sẽ nghiên cứu những ý kiến từ hội thảo để tham mưu cho UBND TP về cơ chế tài chính trong thời gian tới.

Đề xuất mô hình “thành phố đôi”

Để các nguồn lực đầu tư phát triển TP hiệu quả, ông Võ Kim Cương đề xuất mô hình phát triển “thành phố đôi” cho TP.HCM. Theo đó, địa bàn TP chia làm hai thành phố nhỏ: TP Đông gồm các quận: 2, 9, Thủ Đức và TP Tây gồm những quận huyện còn lại.

Trong đó, TP Tây sẽ được duy trì sự ổn định đời sống của người dân với thói quen sử dụng xe máy, sinh hoạt trong nhà phố hình ống và các ngõ hẻm, hạn chế phát triển ôtô cá nhân.

Nhà nước nên hạn chế xây dựng, thậm chí đóng băng một số khu vực. Còn TP Đông còn nhiều đất trống, tập trung phát triển hạ tầng, xây dựng đô thị với nền tảng giao thông công cộng là chính.

D.NGỌC HÀ