Gần 15 năm, vẫn trăn trở với tự chủ đại học
“Điều lệ trường ĐH từ năm 2003 đã nói trường ĐH có quyền tự chủ. Sao đến nay chúng ta vẫn phải bàn luận có tiếp tục thực hiện tự chủ hay không?”.
Gần 15 năm, vẫn trăn trở với tự chủ đại học.
“Điều lệ trường ĐH từ năm 2003 đã nói trường ĐH có quyền tự chủ. Sao đến nay chúng ta vẫn phải bàn luận có tiếp tục thực hiện tự chủ hay không?”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự trăn trở này tại Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập, theo nghị quyết 77 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017, diễn ra ngày 20-10.
Hội nghị này cho thấy cả Bộ GD-ĐT và các trường ĐH đều còn quá nhiều việc phải làm để thực hiện tự chủ ĐH.
“Đau đầu” với hội đồng trường
Trong vòng ba năm qua, 23 trường ĐH công lập thực hiện thí điểm tự chủ. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn ngập trong những lo lắng cho con đường phát triển phía trước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, ông Lê Vinh Danh – hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng – khẳng định sự phát triển nhanh theo hướng quốc tế hóa của trường tự chủ đòi hỏi một cơ chế quản trị tương thích, nhất là về công tác tổ chức cán bộ.
Tuy nhiên, nếu trước đây ban giám hiệu chỉ có một cấp lãnh đạo là bộ chủ quản thì nay có đến hai cấp lãnh đạo (bộ chủ quản và hội đồng trường). Điều đáng nói, hai cấp lãnh đạo này lại “chồng chéo chỉ đạo lên nhau”, khiến trường hoạt động khó khăn hơn.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng kiến nghị: nghị định tự chủ cũng như Luật giáo dục ĐH sửa đổi sắp tới cần quy định rõ việc bỏ cơ quan chủ quản. Vì nếu còn cơ quan chủ quản, hội đồng trường “chẳng còn tác dụng gì”, chỉ là một “cơ quan cấp trung gian thừa thãi”.
Trong khi đó, Trường ĐH Dệt may Hà Nội là trường tự chủ duy nhất hiện không có cơ quan chủ quản. Nhưng quyền tự chủ lại bị lu mờ bởi chính sự thiếu vắng này. Cụ thể, trường đang không thể thay đổi một số chính sách học bổng cho sinh viên, vì vướng quy định “bộ chủ quản đề xuất Bộ Tài chính”.
Chia sẻ tại hội nghị, một số trường không giấu được sự lúng túng trong cả nhận thức và vận hành hội đồng trường – công cụ quan trọng đảm bảo sự phát triển lành mạnh của một tổ chức dân chủ.
Thực tế, trong toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH, hiện mới chỉ có hơn 1/3 số trường có hội đồng trường. Tỉ lệ hội đồng trường trong các trường ĐH được thí điểm tự chủ có cao hơn, nhưng vẫn còn không ít trường trống tổ chức đặc biệt này. Kể cả tại các cơ sở có hội đồng trường, vị trí này cũng thường rất mờ nhạt…
“Đường một chiều”, chỉ có cách “phải đi”
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khuyến khích các trường ĐH phải xác định tự chủ là tất yếu, là “đường một chiều”, chỉ có một cách “phải đi”. Mục tiêu cao nhất của con đường này là nâng cao chất lượng ĐH, vì nếu không sẽ “không hoàn thành trách nhiệm với đất nước, với xã hội”.
“Có xấu hổ cũng phải nói, trong xếp hạng các trường ĐH danh giá trên thế giới, trường ĐH của VN đứng thứ bao nhiêu? Số bài báo trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục Scopus đến từ các trường ĐH VN so với thế giới ra sao? Ngay trong ba tạp chí của Việt Nam được vào danh mục ISI cũng đều của các viện nghiên cứu, chứ không có của trường ĐH” – ông Đam nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng chia sẻ với sự sốt ruột này của Phó thủ tướng. Các chuyên gia độc lập thực hiện báo cáo tổng kết việc thực hiện nghị quyết 77 cũng chỉ rõ: việc giao quyền tự chủ mới chỉ thực hiện trong phạm vi thí điểm, chưa trở thành yêu cầu cấp thiết với các trường.
Đặc biệt, điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính, chứ chưa tính đến năng lực chuyên môn và tổ chức của các trường.
Theo Phó thủ tướng, thực hiện tự chủ không phải là cắt bỏ ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục ĐH, mà là thay đổi cách cấp, cách dùng ngân sách. Nếu nguồn ngân sách trước đây cấp theo “đầu vào”, dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh các trường đăng ký, thì nay phải chuyển thành cấp theo nhiệm vụ, theo cơ chế đặt hàng và chất lượng đầu ra.
Phó thủ tướng khuyến cáo: để đẩy mạnh tự chủ, Bộ GD-ĐT cần tháo gỡ tối đa, mạnh dạn bỏ cả những quy định “mình cứ tưởng mình đúng”.
Ông Đam chia sẻ Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước vài trăm trường ĐH, trong đó có những trường chất lượng còn kém, chưa được xã hội tín nhiệm, nên buộc phải đưa ra những quy định theo hướng ngăn chặn những tiêu cực phát sinh từ những trường kém chất lượng. Tuy nhiên, cách làm đó lại “hạn chế mặt mạnh của các trường tốt”.
Chấm dứt “giáo vụ là cụ giáo viên”
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam còn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò chủ động của chính các trường. Theo đó, tinh thần tự chủ phải “xuống cuối cùng đến các giảng viên”.
Ông Đam dẫn lại mệnh đề quen tai trong các trường ĐH, được nhắc bởi chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “giáo vụ là cụ giáo viên”, để khẳng định: “Chừng nào “giáo vụ còn là cụ giáo viên”, chừng đó các trường vẫn chưa có được tinh thần tự chủ xuyên suốt”.