11/01/2025

Che giấu tài sản tham nhũng: không để lấy tay che mặt trời

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng – nguyên phó tổng thanh tra Chính phủ – có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về các quy định liên quan đến kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ.

 

Che giấu tài sản tham nhũng: không để lấy tay che mặt trời.

 

 Ông Vũ Phạm Quyết Thắng – nguyên phó tổng thanh tra Chính phủ – có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về các quy định liên quan đến kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ.


Che giấu tài sản tham nhũng: không để lấy tay che mặt trời - Ảnh 1.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng – nguyên phó tổng thanh tra Chính phủ – Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-10 về Quyết định 99-QĐ/TW mới đây của Ban bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, phòng chống tham nhũng, ông Vũ Phạm Quyết Thắng nói:

“Chúng ta đều biết một ĐH Đảng đưa ra các văn kiện của mình và nghị quyết của một ĐH Đảng mà đúng được đến 70% là rất tốt. Phần còn lại phải có những nghị quyết, quyết định của trung ương để hoàn thiện nó.

Quyết định 99 ra đời như một sự bổ sung cho nghị quyết ĐH Đảng về những vấn đề Đảng đang quan tâm. Quan trọng là nghị quyết, quyết định đó sẽ được triển khai như thế nào.

Tôi đã từng chỉ đạo, tham gia soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng, tham gia soạn thảo quy định kê khai tài sản của công chức và tham gia soạn thảo Luật Kiểm toán nhà nước. Tôi hiểu vấn đề quan trọng việc kê khai tài sản của một công dân trong việc kiểm soát nguồn thu và chi tiêu của họ đối với hành vi tham nhũng hay không tham nhũng.

 
 

Điều quan trọng là chúng ta có rất nhiều văn bản, rất nhiều nghị quyết để nêu những điều kiện, yêu cầu, những bức xúc của thời cuộc về vấn đề chống tham nhũng. Tôi đã từng trả lời phỏng vấn và nói rằng chúng ta không thể chống tham nhũng một cách triệt để được.

Hãy đắp cái đập, chặn “nguồn nước” về, hãy chặn cái nguồn tham nhũng bằng những biện pháp liến láu khác nhau nhằm che giấu nguồn tài sản họ thu được.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng

Quyết định lần này rất hay, nó thức thời khi nêu vấn đề kiểm soát của công chúng đối với tài sản của công chức. Điều này không phải bây giờ ta mới làm mà ta đã làm rất nhiều. 

Các văn bản của Chính phủ, các nghị quyết của Quốc hội, các cơ quan giám sát dân quyền và công quyền đều đã thể hiện sự giám sát đó nhưng có giám sát được không lại là vấn đề khác, và giám sát như thế nào là vấn đề phải bàn.

Nếu chỉ nghị quyết, quyết định, chỉ nêu khẩu hiệu thôi thì mới chỉ dừng ở tinh thần quyết tâm thực hiện chống tham nhũng. Phải có những hành động cụ thể thì việc chống tham nhũng mới hiệu quả.

Phải có cơ chế, chính sách, hành vi cụ thể, biện pháp khắc phục tốt nhất thì mới ngăn ngừa được tham nhũng. Kê khai tài sản chỉ là một vấn đề, nó chưa nói lên điều gì nhiều trong tham nhũng. Cái chính phải làm thế nào để thấy được nguồn tài sản đã về với họ mới là vấn đề chính.

Tôi đồng tình và hi vọng với quyết định lần này, chúng ta sẽ nhanh chóng tìm ra những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát nguồn thu bất chính ấy. Chừng nào trong túi chúng ta vẫn tiêu tiền mặt, đi mua một cái xe hơi, một cái nhà vẫn bằng tiền mặt thì chúng ta vẫn rất khó kiểm soát được nguồn tiền đi-về của cán bộ, công chức.

Ở các nước khác họ đâu cần hô hào nhiều về chống tham nhũng, nhưng họ có biện pháp cụ thể để tìm ra sâu mọt của xã hội. Kể cả tổng thống, thủ tướng của họ vẫn bị phơi bày hành vi tham nhũng”.

Che giấu tài sản tham nhũng: không để lấy tay che mặt trời - Ảnh 3.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng – nguyên phó tổng thanh tra Chính phủ – Ảnh: VIỆT DŨNG

* Theo quyết định Ban bí thư trung ương vừa ban hành thì có nhiều nội dung mà tổ chức đảng, cán bộ đảng viên phải công khai. Ông quan tâm đến nội dung nào nhất, công khai kết luận kiểm toán thanh tra hay công khai bản cam kết về phẩm chất, đạo đức?

Công khai tài sản của một công chức thì quá đơn giản. Nhưng công khai nguồn thu nhập của công chức mới là điều quan trọng. Công khai nguồn thu nhập của công chức thì mới kiểm soát được nhiều thứ. 

Tôi có thể nói tài sản của tôi do cha, mẹ, con, thậm chí con dâu, con rể để lại. Nhưng con dâu, con rể tôi đi làm có thu nhập mà thu nhập đó lại xuất phát từ quyền lực của tôi thì thế nào đây. Nguồn tiền về mới quan trọng, đánh giá, giám sát được nguồn tiền về mới là quan trọng.

* Quyết định lần này sẽ giải quyết được những điều ông vừa nêu?

Còn nhiều điều phải suy nghĩ, trăn trở. Như vụ việc gần đây ở Yên Bái. Tôi cho rằng việc của Yên Bái nên để tỉnh người ta làm.

Cơ quan thanh tra Yên Bái phải làm việc khách quan, và đó là biểu hiện trung thực của họ, khách quan của họ với người dân Yên Bái. Họ phải làm chứ sao lại nói là sợ họ làm không khách quan. Như vậy có coi thường cơ quan công quyền địa phương không? Họ phải làm được điều đó thì mới chứng minh được mình là công chức hay không công chức. 

Nếu kiểm tra, thanh tra toàn bộ đất đai của Yên Bái thì cơ quan thanh tra Chính phủ. Còn thanh tra đất đai, tài sản của một cán bộ, công chức tỉnh Yên Bái thì thanh tra Yên Bái, uỷ ban kiểm tra tỉnh ủy họ làm. Tại sao phải thanh tra Chính phủ. Đó là cái dở của cơ chế của mình. 

Có người nói việc thanh tra là do Yên Bái đề nghị. Nếu họ đề nghị thì Thanh tra Chính phủ phải từ chối chứ. Thủ trưởng cấp trên bảo làm thì phải tham mưu cho thủ trưởng…

Che giấu tài sản tham nhũng: không để lấy tay che mặt trời - Ảnh 4.

Khuôn viên “biệt phủ” của gia đình ông Phạm Sĩ Quý – giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái – Ảnh: NAM TRẦN

* Với câu chuyện Yên Bái ông đang nhắc tới, thì với quyết định này, kết luận thanh tra sẽ phải công bố công khai?

Đúng rồi. Thanh tra Yên Bái phải có trách nhiệm làm cho khách quan. Đấy mới là bản lĩnh chính trị của một cơ quan công quyền, của một công chức. Còn nếu vì anh yếu kém quá thì cơ quan cấp trên mới vào cuộc, làm việc, và cơ quan cấp trên cũng chỉ làm việc ở mức độ nào đó thôi. Vì tài sản của đảng viên, thì ủy ban kiểm tra tỉnh ủy phải làm…

* Vậy còn bản cam kết, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ?

Thời tiết có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Không gian có bốn phương đông, tây, nam, bắc. Con người thì có bốn đức tính cần có là cần, kiệm, liêm, chính. Một công chức ngoài cần kiệm liêm chính thì cần phải chí công vô tư. Đấy là bản lĩnh, là nhân cách, tư cách của một con người tốt và tử tế. Vì thế chẳng phải cam kết gì cả.

Nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ là cái áo mặc. Còn cơ chế kiểm soát, giám sát như cái quần. Phải có quần, có áo mới ra đường được.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng

Cam kết làm gì, hứa với ai, ai kiểm soát anh bằng chính anh.

Tôi nghĩ không cần bản cam kết, tôi cần sự giám sát của cơ quan công quyền với bản thân tôi. Cam kết, kiểm điểm làm gì. Cái cần là anh cứ làm, cứ thực hiện và có cơ quan công quyền giám sát anh. Bản cam kết chỉ tốn giấy mực, cơ quan mất công lưu giữ. 

Muốn chống tham nhũng thực sự thì không chỉ có văn bản, nghị quyết, mà là cơ chế kiểm soát, giám sát. Nói giám sát cũng không thể chung chung. Giám sát như thế nào, ai giám sát mới là quan trọng. Lâu nay ta có rất nhiều cơ quan giám sát, nhưng đã giám sát được chưa. Trong giám sát thì ai là người phát hiện tham nhũng, phát hiện bằng hình thức nào, cá nhân hay tổ chức?

* Vậy theo ông, giám sát như thế nào sẽ hiệu quả?

Trước hết mỗi người dân cần phải hiểu luật pháp, và quan trọng người dân phải có quyền thực sự trong giám sát. Dân giám sát thì sẽ gửi cho ai? Cơ quan nào sẽ có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin giám sát của dân?

Tôi cho rằng cái chính vẫn là cơ chế, chính sách đầy đủ. Dân có thể giám sát và chỉ biết được nguồn tiền đổ về một người công chức. Nhưng cụ thể, lần theo cụ thể nguồn tiền thì phải cơ quan chuyên trách mới làm được.

Anh có một triệu đô la thì dân cũng chỉ có thể giám sát, biết anh có một triệu đô la. Nhưng nguồn tiền đó từ đâu mà có thì người dân không thể biết được. Cái này phải do cơ quan công quyền giám sát.

* Ông nói rằng chúng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định về chống tham nhũng. Vậy theo ông, làm thế nào để quyết định lần này của Đảng sẽ thực sự đi vào cuộc sống, có hiệu quả rõ nét?

Tôi cho rằng cần cơ chế chính sách rất cụ thể. Ai nghĩ ra cương lĩnh thì chắc chắn phải đề ra biện pháp.

Lenin nói một tá cương lĩnh không bằng một hành động cách mạng. Chúng ta có quá nhiều nghị quyết, và nghị quyết đó chỉ là cương lĩnh thôi. Chúng ta cần hành động, hành động cụ thể. Dân có thể giám sát, nhưng để dân giám sát tốt thì cần phải có cơ chế, có sự thẩm định rõ ràng của cơ quan công quyền về nguồn tiền đi đến công chức, cán bộ trong khi kê khai, chứ không phải số tài sản công chức, cán bộ đó có. Quan trọng vẫn phải là nguồn tiền về.

Cũng như ở chùa, có nhiều cờ phướn xanh, đỏ, trắng, vàng nhưng cờ đó chỉ trang trí cho vui thôi, nó không làm cho chùa đó linh thiêng. Linh thiêng là ở đức Phật, ở quy chế của nhà chùa, phải kính cẩn nghiêm minh, chứ không phải cái cờ phướn.

4 nội dung phải công khai theo quyết định 99-QĐ/TW

– Công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; 19 điều quy định đảng viên không được làm; các quy định của Bộ Chính trị, Ban bí thư kh XI, khoá XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp…

– Kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật).

– Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân; quy trình, thủ tục giải quyết công việc; danh tính, chức vụ, quyền hạn, thông tin liên hệ, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của tổ chức, công dân.

– Bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển h” của cán bộ, đảng viên; bảng kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.

Hình thức công khai: Công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.

ĐỨC BÌNH thực hiện