Giao bờ sông cho một số người là bất công
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng giao bờ sông cho một số người là bất công.
Giao bờ sông cho một số người là bất công.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng giao bờ sông cho một số người là bất công.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã phát biểu như trên tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với UBND TP về tình hình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 18-10.
“Việc giao nhiều diện tích đất cho tư nhân làm dự án dọc bờ sông là bức xúc của người dân TP.HCM mấy chục năm qua. Thành phố cần đánh giá rõ cách làm đó đúng hay sai luật, trách nhiệm thuộc về ai” – ông Nghĩa nói.
Dọc các bờ biển, bờ sông mọc lên nhiều dự án của tư nhân
Ông Trương Trọng Nghĩa bày tỏ lo ngại trước việc dọc các bờ biển, bờ sông từ Bắc đến Nam mọc lên nhiều dự án của tư nhân.
Ông Nghĩa chia sẻ tại nhiều nước trên thế giới, không gian dọc bờ sông là nơi công cộng, ở đó xây dựng đường sá, những cánh rừng, mảng xanh phục vụ cho công chúng. Những ngày cuối tuần, các hộ gia đình thoải mái dạo chơi, nghỉ ngơi dọc hai bờ sông.
Còn tại TP.HCM có một bất công là sông Sài Gòn của hơn 10 triệu dân TP, nhưng giờ trở thành của một nhà đầu tư. Một số dự án bất động sản có view sông sau khi xây dựng bán rất mắc, có căn biệt thự giá hàng trăm tỉ đồng.
“Cách giao bờ sông cho một số nhà đầu tư làm dự án như hiện nay làm phá hủy quy hoạch của cả một đô thị. Lâu nay báo chí phản ánh việc các dự án lấn dòng, làm hẹp dòng chảy sông rạch, nhưng đến nay việc xử lý như thế nào cũng không ai hay” – ông Nghĩa bức xúc.
Ông Nghĩa cũng đặt vấn đề TP.HCM trước đây có cuộc thi thiết kế dọc bờ sông Sài Gòn rất hay, nhưng đến nay không biết kết quả ra sao?
Rồi ông lo lắng: “Sắp tới TP triển khai làm dự án ở huyện Cần Giờ không biết như thế nào, nhưng không khéo lại tiếp diễn việc tư nhân hoá”.
Nêu ra thực tế nói trên, ông Nghĩa đề nghị TP phải công khai những khu vực nào đã được giao cho tư nhân và trở thành đất dự án tư nhân, cộng đồng không được vào; những dự án nào đang xem xét cấp tiếp…
Công khai quy hoạch trên điện thoại
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thạch, phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường, cho biết thống kê tại 17/24 quận huyện có hơn 42.100 trường hợp còn tồn đọng chưa được cấp sổ đỏ.
Trong đó có gần 15.000 trường hợp chuyển nhượng nhà, đất bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004; hơn 21.000 trường hợp vướng quy hoạch, vi phạm pháp luật đất đai, có tranh chấp. Đặc biệt, có hơn 6.000 hộ dân không có nhu cầu cấp sổ đỏ.
Theo ông Thạch, nghị định 01/2017 của Chính phủ về sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai 2013 đã cho phép cấp sổ đỏ cho các trường hợp mua bán nhà bằng giấy tay từ sau ngày 1-7-2004 (ngày Luật đất đai 2003 có hiệu lực) đến trước 1-1-2008 (ngày theo nghị định 84/2007 sẽ áp dụng quy định người sử dụng đất phải có sổ đỏ mới được thực hiện các giao dịch về nhà đất).
Nhờ vậy, TP ước tính sẽ giải quyết cấp sổ đỏ cho hơn 9.600 trường hợp chuyển nhượng nhà, đất bằng giấy tay.
Hiện nay sở tiếp tục kiến nghị Bộ Tài nguyên – môi trường tháo gỡ cho cấp sổ đỏ với các trường hợp chuyển nhượng nhà, đất bằng giấy tay sau ngày 1-1-2008 đến 1-7-2014.
Nếu được như vậy, TP.HCM sẽ tháo gỡ, cấp sổ đỏ thêm được khoảng 5.000 trường hợp nữa.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết nhiều hồ sơ cấp sổ đỏ tồn đọng là do quá trình quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng yếu kém để xảy ra việc lấn chiếm, xây nhà trên đất nông nghiệp.
Ngoài ra, một số trường hợp nhà đất có tranh chấp trong gia đình nên chưa cấp sổ đỏ được. Hoặc có hộ dân không có tiền đóng tiền sử dụng đất nên chưa làm sổ đỏ.
Ông Tuyến cho hay TP đang khuyến khích các quận công khai quy hoạch trên điện thoại thông minh để người dân “bấm vào” là biết được toàn bộ quy hoạch nhà đất. Hiện nay, Q.Thủ Đức, Q.12 đã làm được việc này và Q.7 đang làm.
Mặt khác, TP đã giao Sở Quy hoạch – kiến trúc đến năm 2018 cố gắng công khai hết trên điện thoại thông minh tất cả thông tin quy hoạch dự án đã được phê duyệt để người dân và doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin nhanh nhất.
Cảnh báo việc mất người, mất đất
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân – trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM – đề nghị Sở Xây dựng nhận định xem việc vi phạm xây dựng tại TP tăng hay giảm, diễn biến phức tạp ở địa bàn nào. “Nếu xu hướng vi phạm tăng phải xem lại cách quản lý” – ông Nhân nhấn mạnh.
Ông Nhân cũng chia sẻ câu chuyện ở Hóc Môn 10 năm trước có lãnh đạo bị xử lý kỷ luật vì sai phạm đất đai, nhưng mới đây lại có vi phạm quy mô lớn.
“Nếu mô hình không hợp lý là mất người, mất đất, mất dân. Phải tính lại mô hình này. Về lâu dài phải đổi mới mô hình quản lý xây dựng ở siêu đô thị như TP.HCM” – Bí thư Thành uỷ nói.