Không thể lấy cớ lương thấp mà tiêu cực, mãi lộ
Trung tá Huỳnh Trung Phong – trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM – khẳng định với Tuổi Trẻ khi nói về tệ nạn CSGT nhận tiền mãi lộ.
Không thể lấy cớ lương thấp mà tiêu cực, mãi lộ.
Trung tá Huỳnh Trung Phong – trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM – khẳng định với Tuổi Trẻ khi nói về tệ nạn CSGT nhận tiền mãi lộ.
Nâng cao nhận thức, thay vì “rình bắt”
* Lâu nay công tác kiểm tra, giám sát nội bộ của lực lượng công an có phát hiện trường hợp nào vòi vĩnh hay nhận tiền của người đi đường để bỏ qua vi phạm?
Bộ phận điều lệnh của phòng CSGT thường xuyên kiểm tra hoạt động thực thi công vụ của cán bộ chiến sĩ ngoài đường. Riêng vấn đề mãi lộ, mấy năm qua phòng CSGT đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ nhũng nhiễu để vòi vĩnh người dân.
Chúng tôi quan niệm rằng vấn đề căn cốt phải là nhận thức của từng cán bộ chiến sĩ nên chưa từng có ý nghĩ đi “rình bắt” anh em.
Từ khi tôi điều hành phòng CSGT đến nay, 18 tháng qua chưa có trường hợp cán bộ, chiến sĩ nào bị phát hiện nhận mãi lộ. Một vài cá nhân có hành vi không đúng khiến nỗ lực của đồng đội lâu nay bị ảnh hưởng.
* Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những biện pháp mà ông nói?
Từ đầu năm 2008, khi còn là bí thư Đoàn của phòng CSGT, tôi đã đề xuất đề án “Xây dựng hình ảnh cán bộ chiến sĩ đẹp” với lộ trình từng năm và được lãnh đạo phòng triển khai thực hiện. Khi được giao phụ trách phòng, đề án đó có điều kiện phát huy ở mức cao hơn.
Về văn hoá ứng xử, chúng tôi tập huấn cho anh em từ việc nhỏ nhất là động tác chào như thế nào cho đúng, cho đẹp. Đã có nhiều cán bộ chiến sĩ bị lập biên bản, hạ thi đua chỉ vì thực hiện động tác chào kiểu qua loa, đại khái, thiếu tôn trọng người dân.
Trước đây mỗi khi trời mưa, CSGT chỉ đứng trên vỉa hè tránh mưa thì nay bắt buộc phải xuống giữa lòng đường điều tiết giao thông và hạn chế được tình trạng hễ mưa thì mạnh ai nấy chạy.
Nếu trước đây lãnh đạo các đội chỉ ngồi trong phòng chỉ huy thì từ hơn một năm nay, chúng tôi yêu cầu lãnh đạo đội phải làm tổ trưởng trực tiếp ra mặt đường tuần tra, điều tiết giao thông. Với sự có mặt của lãnh đạo đội, các tình huống trên đường cũng được xử lý tốt hơn, tình trạng chống người thi hành công vụ giảm hẳn.
Tôi tự tin nói rằng lực lượng CSGT TP.HCM thời gian qua đã có cải thiện rất nhiều. Song, với một tập thể lớn như vậy, muốn tất cả được tròn trịa thì không thể chỉ trong một sớm một chiều. Hình ảnh của một vài cá nhân mà báo Tuổi Trẻ ghi hình, phản ánh gần đây đang được xác minh và tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng.
Trung tá Huỳnh Trung Phong
Có chung chi từ dưới lên trên?
* Còn tình trạng thỏa thuận chung chi giữa người vi phạm và CSGT để bỏ qua vi phạm vẫn tồn tại lâu nay, phòng CSGT đã có giải pháp gì?
Chúng tôi cũng có lộ trình xây dựng hình ảnh CSGT chuẩn về nghiệp vụ. Cũng có trường hợp CSGT nói khống mức phạt, đòi giam xe để dọa người vi phạm, nhưng cũng có trường hợp anh em cán bộ chiến sĩ chưa cập nhật các quy định dẫn tới bị người dân phản ứng.
Do đó trong cốp xe công vụ bao giờ cũng có bảng tóm tắt các quy định về mức xử phạt để cán bộ chiến sĩ vận dụng cho đúng và nếu cần thiết đưa ra cho người dân đối chiếu.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang triển khai cải cách hành chính và ứng dụng khoa học kỹ thuật để tiến tới việc xử lý vi phạm qua hình ảnh là chính, nhằm hạn chế sự đối đầu giữa lực lượng CSGT và người vi phạm. Lúc đó CSGT trên đường làm nhiệm vụ điều tiết, kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông là chính, việc thu thập bằng chứng vi phạm sẽ thực hiện qua hệ thống camera giám sát.
Cán bộ chiến sĩ hạn chế tiếp xúc với người vi phạm ở hiện trường cũng sẽ hạn chế được chuyện nhũng nhiễu, dàn xếp chung chi. Hiện nay người vi phạm có thể nộp phạt qua bưu điện thì tới đây sẽ có thể nộp phạt qua mạng.
* Nhưng vẫn có trường hợp CSGT vi phạm, như báo chí phản ánh vừa qua…
Ngay sau khi báo Tuổi Trẻ ngày 7-9 đăng bài và clip về tổ CSGT Tân Sơn Nhất nhận tiền, tôi mời tất cả đội trưởng lên họp. Tôi nói thật là bị giội gáo nước như vậy, tôi không nản mà thấy càng phải quyết tâm cao hơn trước. Mình đã tâm huyết xây dựng như vậy mà sao vẫn có những hình ảnh đáng tiếc đó?
* Trường hợp đội CSGT Tân Sơn Nhất nhận tiền mà Tuổi Trẻ phản ánh được giải thích thế nào?
Tôi khẳng định là do tu dưỡng rèn luyện không tới. Anh không tu dưỡng tốt, trong quá trình thực hiện không chấp hành đúng quy định pháp luật và tự ý làm sai.
Mặt khác, cũng có nguyên nhân từ phía người dân. Người dân cần phải có trách nhiệm đối với bản thân. Lẽ ra bị lập biên bản phạt 3 triệu đồng, có người sẵn sàng đưa 500.000 đồng để được bỏ qua vi phạm.
Coi như anh mua sự vi phạm của mình, còn CSGT lại bán công việc để đổi lấy tiền.
* Tình trạng mãi lộ diễn ra dai dẳng trong lực lượng CSGT nên một câu hỏi đặt ra là liệu có phải CSGT cũng phải “chung chi” nội bộ, từ dưới lên trên?
Ở cấp nào, ở đâu tôi không chắc. Riêng cá nhân tôi, tôi khẳng định là không có. Tôi nói thật, từ ngày phụ trách phòng CSGT đến nay, chưa bao giờ tôi bắt anh em phải đi ra ngoài gom tiền để lo một buổi ăn nhậu.
Tôi cũng chưa bao giờ ngồi ăn cơm với một người CSGT nào mà bắt anh em trả tiền. Thậm chí tôi đi ăn sáng gặp anh em, còn phải trả tiền cho anh em. Từ ngày làm lãnh đạo phòng CSGT, tôi cũng chưa bao giờ ngồi ăn cơm chung với đội trưởng, đội phó các đội.
* Đó là cá nhân ông, còn trong lực lượng thì sao?
Cái này tôi không dám khẳng định vì không có cơ sở đánh giá. Mình đã nghiêm cấm rồi, nếu anh em có làm thì “làm lén” mà mình không biết. Nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm, tôi cam kết sẽ xử lý nghiêm.
Cam kết công vụ
* Ông có thể cho biết mức thu nhập từ lương, phụ cấp của CSGT hiện nay?
Tôi không nhớ chính xác con số. Nếu một cán bộ chiến sĩ ra trường cấp hàm thượng sĩ thì lương khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, lên thiếu uý thì được khoảng 5 triệu đồng/tháng, đại uý thì chưa tới 7 triệu đồng/tháng, thiếu tá được 8-9 triệu đồng.
* Lương trung tá, trưởng phòng như ông thì được bao nhiêu?
Nếu tính luôn thời gian học ở trường, tôi có 20 năm thâm niên công tác trong ngành. Lương của tôi hiện nay nếu cộng luôn phụ cấp thì được hơn 10 triệu đồng.
* Có ý kiến cho rằng sở dĩ CSGT tiêu cực là do lương thấp. Đó có phải là nguyên nhân?
Thực lòng mà nói, một anh trung uý với một vợ hai con, lương 6 triệu đồng/tháng thì đời sống cũng chật vật lắm. Lương thấp là điều tôi không phủ nhận, nhưng nói CSGT vì lương thấp mà tiêu cực là sai.
Trong xã hội, nhiều người lương còn thấp hơn nhưng người ta vẫn sống, vẫn thực hiện đúng quy định pháp luật thì CSGT không cớ gì lấy lý do lương thấp để mà tiêu cực, mãi lộ.
* Vậy có cách nào để mỗi CSGT tự ý thức, tự răn mình?
Cán bộ, chiến sĩ phòng CSGT hằng năm đều phải thực hiện cam kết công vụ. Trước đây cam kết theo quy định chung về thực hiện đúng nhiệm vụ, sau này có cam kết cụ thể từng lỗi. Chẳng hạn như anh từng bị phát hiện bỏ chốt thì phải cam kết không bỏ chốt nữa, anh sai quy trình thì cam kết không sai quy trình…
Sắp tới đây tôi đề xuất cam kết gắn với tư cách đạo đức, nếu anh vi phạm quy trình công tác thì phải tự nhận mình không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ công an nhân dân. Nếu cam kết như vậy, khi xảy ra vi phạm và bị kỷ luật thì CSGT khỏi phàn nàn gì cả.
* Ông có kỳ vọng giải pháp cam kết sẽ có hiệu quả đối với lực lượng CSGT của TP.HCM?
Đó là mong muốn của tôi và tôi muốn lực lượng của toàn phòng CSGT do mình quản lý thực hiện. Riêng công an 24 quận, huyện cũng có 24 đội CSGT do trưởng công an trực tiếp quản lý.
* Ông được bổ nhiệm giữ chức trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM khi mới 37 tuổi, nhiều người muốn biết về thân thế của ông?
(Cười…) Gia đình tôi gốc ở huyện Bình Chánh, ở đó mấy chục đời. Hiện tôi đang sống trong ngôi nhà có đến 4 thế hệ, ông nội tôi đã ngoài 90 tuổi. Cha tôi là ông Huỳnh Ngọc Trung, chỉ là cán bộ cấp huyện, chức vụ lớn nhất mà ông đảm nhận trước khi về hưu là giám đốc Trung tâm Văn hoá thể dục thể thao huyện Bình Chánh.
Tôi có 4 anh em, tất cả đều đã có công việc ổn định. Riêng tôi vào ngành công an, học ra trường và làm CSGT cho tới giờ.