‘Không dạy ngoài sách giáo khoa’, giáo viên ngỡ ngàng
“Hiện có khá nhiều kiến thức, số liệu đã thay đổi, vậy không được dạy ngoài sách giáo khoa thì chúng tôi phải nói gì với học sinh?”, giáo viên băn khoăn.
‘Không dạy ngoài sách giáo khoa’, giáo viên ngỡ ngàng.
“Hiện có khá nhiều kiến thức, số liệu đã thay đổi, vậy không được dạy ngoài sách giáo khoa thì chúng tôi phải nói gì với học sinh?”, giáo viên băn khoăn.
Ngày 3-10, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các sở GD-ĐT, các trường phổ thông hướng dẫn thực hiện chương trình giáo khoa phổ thông hiện hành. Trong đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu: “…tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”.
Quy định này ngay lập tức nhận sự phản ứng từ các cơ sở giáo dục.
Khó khăn cho môn xã hội
ThS Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, cho rằng: “Nếu cấm giáo viên không được dạy ngoài sách giáo khoa (SGK) sẽ gây khó khăn cho giáo viên rất nhiều, nhất là đối với những môn xã hội.
Như môn sử, tôi phải dạy về toàn cầu hóa, về cuộc cách mạng khoa học – công nghệ… thì không thể chỉ dạy những kiến thức đã quá xưa cũ như trong SGK.
Rồi những tin tức có liên quan đến vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa, về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc trong SGK rất ít thông tin, nhưng tôi phải dạy, phải phân tích cặn kẽ cho học sinh hiểu. Dạy thêm kiến thức ngoài SGK thì môn sử mới có hơi thở cuộc sống”.
Còn cô H., giáo viên Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, nêu vấn đề: “Chúng tôi thắc mắc nếu không cho dạy ngoài SGK thì làm sao giáo viên dạy tích hợp, liên môn, làm sao dạy kỹ năng sống và giáo dục nhân cách cho học sinh – khi mà nội dung trong SGK có phần nhàm chán và khô khan.
Chúng tôi phải lồng vào những câu chuyện, những tấm gương có trong đời thực, cập nhật tình hình thời sự trong nước và quốc tế… Không dạy ngoài SGK là đi ngược với chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy mà Bộ GD-ĐT đã và đang kêu gọi giáo viên thực hiện”.
Riêng với môn giáo dục công dân, một giáo viên ở nội thành TP.HCM cho rằng: “Điều quan trọng của môn này là người thầy phải biết chọn lọc để đưa những câu chuyện thực tế vào bài dạy, đưa tranh ảnh, clip để cho bài dạy của mình mềm mại hơn, hấp dẫn hơn.
Không cho giáo viên dạy ngoài SGK tức là “giữ lại” sự khô khan, hàn lâm của môn giáo dục công dân”.
Ngược chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK”
“Nếu cấm giáo viên không được dạy ngoài SGK là đi ngược lại với chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK”; đi ngược lại với xu hướng chuyển từ dạy học theo kiểu trang bị kiến thức sang dạy học để phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh” – PGS.TS Ngô Minh Oanh, viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết.
Theo ông Oanh: “SGK chỉ là một dạng tài liệu để giáo viên dạy học, chứ không phải là tài liệu duy nhất. Nội dung trong SGK chỉ là một phần của bài dạy, người thầy đứng lớp có thể sử dụng kiến thức, tri thức của nhiều bộ SGK khác, hoặc không phải trong bộ sách nào cả, miễn là nó phù hợp với mục đích của bài dạy.
Như vậy, trong quá trình dạy và học giáo viên mới có thể sáng tạo, linh hoạt; học sinh mới có thể khám phá, tăng kiến thức. Thế nên, chỉ có chương trình là pháp lệnh, chứ SGK không phải là pháp lệnh.
Vì một bộ sách dù cho có hay đến đâu cũng có một số hạn chế nhất định. Nếu chỉ dạy trong SGK, khó mà đạt được yêu cầu cập nhật thông tin, gần gũi với cuộc sống và mục tiêu giáo dục toàn diện”.
Tại Hà Nội, hiệu trưởng một trường đã thí điểm xây dựng kế hoạch dạy học nói: “Nếu như thế này có nghĩa là phải dừng việc thí điểm lại, vì kế hoạch dạy học này chắc chắn sẽ phải đưa vào nội dung dạy học những điều không ghi trong SGK!”.
Cô Hoài Hương, giáo viên dạy địa lý ở Hà Nội, băn khoăn: “Hiện có khá nhiều kiến thức, số liệu địa lý đã thay đổi, vậy không được dạy ngoài SGK thì chúng tôi phải nói gì với học sinh? Nếu đề thi quốc gia rơi vào phần này, học sinh sẽ phải theo thông tin lạc hậu trong sách hay thông tin thực tế bên ngoài?”.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, cũng cho rằng chỉ nên quy định dạy học không vượt quá mức độ yêu cầu của chương trình đối với từng cấp học, lớp học. Còn giáo viên, học sinh sử dụng tài liệu nào để phục vụ việc học tập theo chương trình thì không nên khống chế.
Từng cho phép “thoát ly” SGK
Bộ GD-ĐT từng khuyến khích giáo viên không quá lệ thuộc vào SGK, mà chủ động với việc thiết kế bài giảng bằng các nguồn tài liệu. Không những thế, trong nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học ở bậc trung học các năm qua, nhằm tiệm cận với đổi mới chương trình SGK phổ thông, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo hàng loạt công việc nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo của các nhà trường, giáo viên…
Ông Nguyễn Vinh Hiển, cựu thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhiều lần khẳng định trong các cuộc tập huấn giáo viên, đổi mới hoạt động chuyên môn của giáo viên rằng: giáo viên không nên quan niệm phải dạy đủ nội dung SGK, mà có thể linh hoạt, sáng tạo, chỉ coi SGK là tài liệu chính trong nhiều tài liệu giảng dạy…
Năm 2013, trong hướng dẫn số 791, Bộ GD-ĐT cho phép các nhà trường được chủ động xây dựng kế hoạch dạy học. Đây là hướng dẫn cởi trói cho nhiều nhà trường vận dụng linh hoạt chương trình hiện hành, để đổi mới phương pháp dạy học, nâng chất lượng giáo dục.
Trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng khẳng định: sẽ tiếp tục khuyến khích các nhà trường chủ động trong xây dựng kế hoạch dạy học. Theo đó chương trình giáo dục mới sẽ là mở, linh hoạt, chứ không “đóng” như trước đây.
Bộ Giáo dục – đào tạo: sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn
Xung quanh sự việc trên, ông Nguyễn Xuân Thành – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, giải thích với báo chí rằng việc diễn đạt trong văn bản của bộ đã gây hiểu lầm, sắp tới bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hơn để các nhà trường, giáo viên, học sinh thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của bộ.