Trong khi hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ vừa qua chưa thể khắc phục, nhiều nơi còn bị cô lập, thì nhiều dự báo cho thấy bão số 11 có thể đổ bộ, gây mưa lũ lớn ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Vùng lũ chồng chất nỗi lo bão lũ
Trong khi hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ vừa qua chưa thể khắc phục, nhiều nơi còn bị cô lập, thì nhiều dự báo cho thấy bão số 11 có thể đổ bộ, gây mưa lũ lớn ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Chiều 14.10, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai họp bàn giải pháp ứng phó với cơn bão số 11.Cơn bão phức tạp
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết bão số 11 là cơn bão mạnh và đang rất khó dự báo về đường đi cũng như cấp độ. Các trung tâm dự báo bão quốc tế đang đưa ra dự báo rất khác nhau.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư hiện nhận định 2 khả năng. Khả năng cao nhất bão số 11 sẽ đạt cường độ mạnh nhất khi vào quần đảo Hoàng Sa, với gió mạnh vùng gần tâm bão cấp 12 – 13, giật cấp 16. Bão sẽ suy yếu trước khi đi vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), sau đó tương tác với không khí lạnh và tiếp tục giảm chỉ còn ở cấp 8 – 9, khi vào vùng biển từ Thanh Hoá đến Quảng Trị gió chỉ còn cấp 7.
Mưa lũ khiến 60 người chết và 31 người bị thương; làm sập 328 nhà, hư hỏng và tốc mái 1.250 nhà…
Theo khả năng này, khu vực vịnh Bắc bộ bắt đầu có gió mạnh cấp 7 – 8 từ đêm 15.10. Trên đất liền, mưa do ảnh hưởng của bão bắt đầu từ ngày 16.10, trong đó vùng mưa tập trung ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, khu vực nam đồng bằng Bắc bộ với lượng mưa phổ biến trong khoảng 100 mm, riêng các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Trị mưa 100 – 200 mm.
Khả năng còn lại, khi vào đảo Hải Nam, bão có thể di chuyển theo hướng tây tây bắc sau đó ngược lên phía Trung Quốc và cũng có khả năng tan nhanh khi đổ bộ lên đảo Hải Nam. Theo “kịch bản” này, các tỉnh Yên Bái, Hoà Bình, Sơn La có mưa với lượng khoảng 50 – 70 mm.
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, lưu ý công tác ứng phó với bão số 11 phải được chuẩn bị chu đáo nhất, không được chủ quan. Khi vùng núi các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ vừa trải qua đợt mưa lũ lịch sử, lũ trên sông Hoàng Long qua Ninh Bình đã cao hơn mức lịch sử năm 1985. Nếu tới đây mưa do bão số 11 ở mức 100 – 200 mm sẽ tiếp tục gây ra những thiệt hại lớn.
Đối với các công trình hồ, đập, đê điều xung yếu, đặc biệt ở các khu vực đang chịu ảnh hưởng của mưa lũ và dự báo tiếp tục có mưa trong những ngày tới, các địa phương phải tổng kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu, mất an toàn để kiểm soát chặt chẽ, có quy trình vận hành hợp lý không để xảy ra các sự cố mất an toàn. Bên cạnh đó, tổng kiểm tra, rà soát 29 công trình, thuỷ điện từ miền Bắc và miền Trung, kiểm soát chặt chẽ quy trình vận hành để đảm bảo an toàn trong mưa lũ.
Nhiều nơi vẫn bị cô lập do mưa lũ
Thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 14.10, đợt mưa lũ vừa qua đã làm 60 người chết, 37 người mất tích và 31 người bị thương.
Truy tặng bằng khen cho phóng viên tử nạn khi đưa tin mưa lũ
Ngày 14.10, T.Ư Đoàn cho biết Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng đã ký quyết định truy tặng bằng khen của BCH T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho PV Đinh Hữu Dư, để ghi nhận và biểu dương tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ đưa tin về tình hình bão lũ ở Yên Bái. Hội Nhà báo VN cũng đã truy tặng bằng khen cho anh Đinh Hữu Dư.
Trước đó, chiều 11.10, PV Đinh Hữu Dư của TTXVN đang tác nghiệp trên cầu Ngòi Thia, nối H.Văn Chấn với TX.Nghĩa Lộ thì bị lũ cuốn. Sau hơn 2 ngày tìm kiếm, lực lượng hữu trách tìm thấy thi thể anh Dư cách hiện trường xảy ra vụ việc khoảng 80 km.
P.H – Quỳnh Trang
Công tác tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân vụ sạt lở núi tại xóm Khanh (xã Phú Cường, H.Tân Lạc, Hoà Bình) không có kết quả, vẫn còn 8 người mất tích. Theo ông Hà Công Thẻ, Chủ tịch UBND H.Mai Châu (Hoà Bình), sau 3 ngày bị chia cắt vì ngập nước, đến chiều tối 14.10, nước đã rút, QL6 từ Hòa Bình – Sơn La thông trở lại. Tại Yên Bái, giao thông trên QL174 từ TX.Nghĩa Lộ đi H.Trạm Tấu đã thông suốt.
Trong khi đó, tại các tỉnh vẫn còn nhiều nơi bị nước lũ cô lập. Tỉnh Hoà Bình còn 19 xã thuộc các huyện Đà Bắc và Lạc Thuỷ bị cô lập do sạt lở đất. Tại Thanh Hóa còn 35 xã thuộc 7 huyện và tại Ninh Bình còn 8 xã tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn bị ngập.
Tại nhiều nơi ở Thanh Hoá, khi nước rút để lộ những làng quê đầy bùn đất, gạo mốc, sách vở, vật dụng hư hỏng ngổn ngang khắp nơi… Hàng nghìn hộ dân cùng lực lượng chức năng nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống. Ghi nhận của PV Thanh Niên chiều 14.10 tại xã Thiệu Dương (TP.Thanh Hoá) và nhiều địa phương vùng lũ, rất nhiều bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên… chung tay hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, Tỉnh đoàn Thanh Hoá huy động hơn 10.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia giúp dân phòng chống lũ, triển khai 10 đội hình sinh viên tình nguyện giúp dân dọn dẹp nhà cửa, trường học…
Khẩn cấp gia cố đê
Tuy nhiên, một trong những mối lo hàng đầu của nhiều địa phương là mưa lũ những ngày qua khiến nhiều tuyến đê xung yếu bị vỡ, sạt lở nghiêm trọng, nếu không kịp gia cố khi bão số 11 đổ vào sẽ gây hậu quả khôn lường.
Tại Thanh Hóa, tuyến đê sông Chu có nhiều điểm sạt lở nhất, trong đó đoạn qua xã Thọ Trường (H.Thọ Xuân) sạt lở mái đê dài 87 m, nứt mặt đê, sạt trượt đoạn dài khoảng 250 m, rộng từ 2 – 15 cm, sâu 80 cm đang đe doạ an toàn đê; đoạn qua xã Thọ Minh (H.Thọ Xuân) lún, sạt mái đê độ sâu 2 – 3 m, dài 105 m; đoạn qua xã Thiệu Tiến (H.Thiệu Hóa) bị sạt lở 20 m chân đê. Đê sông Mã qua xã Quảng Phú (TP.Thanh Hóa) bị sạt chân đê dài 35 m; đoạn qua xã Thiệu Thịnh (H.Thiệu Hóa) sạt 25 m. Đặc biệt, tuyến đê sông Cầu Chày qua các huyện Thọ Xuân, Yên Định bị vỡ, sạt lở, đùn sủi, rò rỉ hàng chục điểm, trong đó đoạn qua xã Xuân Minh (H.Thọ Xuân) vỡ dài khoảng 7 m, khiến lực lượng hộ đê phải đẩy cả chiếc máy xúc xuống chặn dòng; đoạn qua xã Thọ Thắng (H.Thọ Xuân) sạt lở, sụt lún dài khoảng 4 km. Ngoài ra, hàng trăm điểm trên các tuyến đê sông Lạch Trường, sông Nhơm, sông Hoạt, sông Bưởi… cũng bị sạt lở, đùn sủi.
Trong các ngày 13 – 14.10, Thanh Hoá đã huy động 1.500 bộ đội, công an, dân quân tự vệ phối hợp thanh niên xung kích và người dân địa phương khẩn trương gia cố, xử lý các đoạn đê gặp sự cố.
Tại Nghệ An, ngày 14.10 tỉnh huy động hơn 600 bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đoàn thanh niên tiếp tục gia cố đoạn đê sông Vinh có nguy cơ bị vỡ. Đoạn đê này dài 2,2 km, bị sạt lở nghiêm trọng vào ngày 13.10. Phương án di dời hơn 1.000 hộ dân có nguy cơ bị ngập nước nếu bão số 11 đổ bộ và gây mưa lớn cũng đã được đưa ra. Còn tại Hà Tĩnh, hàng trăm người đã được huy động gia cố lại 30 m đê Hữu Phủ (xã Tượng Sơn, H.Thạch Hà) bị sạt lở do bão số 10 gây ra. Đây là tuyến đê xung yếu, nếu bị vỡ, hàng nghìn hộ dân sẽ bị ngập lụt, trên 1.000 ha đất nông nghiệp của các xã Tượng Sơn, Thạch Thắng (H.Thạch Hà), xã Thạch Bình (TP.Hà Tĩnh) và một số xã của H.Cẩm Xuyên bị nhiễm mặn.
Báo Thanh Niên tiếp nhận hỗ trợ người dân vùng lũ
Trong các ngày từ 9.10 đến nay có mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là trận mưa cấp tập từ nửa đêm 11 đến sáng 12.10, gây ra những trận lũ dữ dội ở các tỉnh phía bắc và bắc Trung bộ, khiến hàng chục người chết và mất tích, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi hoặc chìm trong nước, tài sản bị mất mát, nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn… Để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với người dân ở vùng mưa lũ, Báo Thanh Niên sẽ tiếp nhận sự đóng góp giúp đỡ của bạn đọc gần xa.
Mọi sự giúp đỡ xin trực tiếp đến tòa soạn Báo Thanh Niên: số 268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu (P.6, Q.3, TP.HCM); toà soạn Hà Nội tại số 218 Tây Sơn (Q.Đống Đa, Hà Nội) hoặc các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước.
Bạn đọc cũng có thể chuyển khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 – Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam – chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Hỗ trợ người dân vùng lũ.
Báo Thanh Niên sẽ tổ chức những chuyến cứu trợ đến trực tiếp tận tay những người dân bị thiệt hại trong thời gian sớm nhất và cập nhật thông tin đầy đủ trên mặt báo.