Thú nói lái của người Việt
Nghệ thuật nói lái qua ngôn ngữ dân gian Nam bộ của Nam Chi Bùi Thanh Kiên vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành đã góp thêm những nghiên cứu thú vị về nghệ thuật nói lái của người Việt.
Thú nói lái của người Việt.
Nghệ thuật nói lái qua ngôn ngữ dân gian Nam bộ của Nam Chi Bùi Thanh Kiên vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành đã góp thêm những nghiên cứu thú vị về nghệ thuật nói lái của người Việt.
“Cao thủ” nói lái
Nhà nghiên cứu Nam Chi, qua khảo sát nhiều tài liệu, cho rằng nói lái kiểu “phiên thiếu” của Tàu đã ảnh hưởng lớn đến lối nói lái của VN, tuy nhiên đến nay không có sách vở nào xác nhận hiện tượng chơi chữ này có ở VN từ lúc nào. Theo ông, nói lái tại VN được ghi nhận ít nhất là từ thế kỷ 18 với hai “cao thủ” là Cống Quỳnh, Hồ Xuân Hương.
Trong cuốn sách, ông Nam Chi sưu tầm nhiều câu chuyện về hai “cao thủ” này, đồng thời phân tích kỹ thuật nói lái của họ: Cống Quỳnh người phủ Hoằng Hóa (Thanh Hóa) muốn xin chiếc bánh giầy của cô Tú, người tỉnh Tuyên Quang nên thổ lộ: “Tuyên Quang, Hoằng Hóa cũng thì vua/Nắng cực cho nên phải mất mùa/Lại đứng bên đường xin xỏ chị/Nỡ nào mà chị lại không cho”. Còn nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương lém lỉnh: “Số kiếp tu hành nặng đá đeo/Hỏi thăm sư phụ đá nơi neo?/Thuyền từ cũng muốn về Tây trúc/Trái gió cho nên phải lộn lèo”.
Ông Nam Chi nhận định rằng: “Từ sơ khai, nói lái đã phối hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố: kỹ thuật lái và cái tục. Yếu tố “tục” trong nói lái của cả ông Cống Quỳnh lẫn bà Hồ Xuân Hương đã gieo rắc một ảnh hưởng rất lớn và đến nay đã biến thành nét đặc trưng cố hữu của nói lái”. Ông cho rằng hiện tượng nói lái phát tích từ bắc Trung bộ đã theo bước chân nam tiến về phương Nam.
Nhánh nói lái ở phía bắc phát triển sớm. Theo ông Nam Chi, ảnh hưởng lối nói lái của Cống Quỳnh và Hồ Xuân Hương nơi đây “không nhỏ nhưng sự lan tỏa trong dân chúng chưa mạnh lắm vì những luật lệ gò bó, khắt khe của vua quan phong kiến. Nhưng tinh thần đó vẫn cháy âm ỉ khi gặp cơn gió mạnh bùng phát dữ dội để sau này xuất hiện thêm Ba Giai, Tú Xuất, Xiển Bột…”.
Theo tác giả, nhánh nói lái ở phía nam phát triển mạnh hơn, do các điều kiện thuận lợi của vùng đất phương Nam về địa lý, sự hào phóng của lưu dân, sự phát triển của chữ Quốc ngữ. “Khi đến vùng cực Nam của Tổ quốc, những tinh hoa văn hoá và lưu dân thâu thập dọc đường giờ đây được tinh luyện, hòa quyện vào văn hoá cư dân bổn địa, trong đó có chuyện nói lái trộn lẫn với tiếng cười và cái tục”, tác giả viết.
Đủ kiểu nói lái
Không chỉ nổi tiếng hay cãi, người Quảng Nam từ trẻ đến lớn hầu như ai cũng biết… nói lái. Do người Quảng thường phát âm sai nên chính đặc điểm này lại là mảnh đất giàu tiềm năng để… nói lái. Chẳng hạn, từ chuyện “ăn cơm trước kẻng” của một chàng trai xứ Quảng mà ông Dương Quốc Thanh (bút hiệu Sơn Hồ) đã hoà giải cho hai bên gia đình bằng bài thơ dí dỏm: “Ai bàn chi chuyện đã an bài/Trai khiển đồng tình gái triển khai/Cứ sợ cho nên thành cớ sự/Mai than mốt thở lỡ mang thai/Tính từ ngày tháng vương tình tứ/Khai ổ bây giờ báo khổ ai/Cưỡng chúng ông bà nghe cũng chướng/Thôi đành để chúng được thành đôi”.
Trong khi đó, cụ Thủ Thiệm muốn phê phán thói lãng phí trong tổ chức tiệc cưới đã mua một tấm lụa, viết lên đó ba chữ Hán thật to: “Miêu bất tọa” làm quà. Nhiều người dự tiệc thắc mắc, ông ôn tồn giải thích: Miêu là mèo, bất là không, toạ là ngồi”. Miêu bất tọa là mèo không ngồi, tức là mèo đứng đó.
Thi sĩ Bùi Giáng (cũng có người gọi là “Bán Dùi”) rất ưa nói lái. Kiểu nói lái của ông khác người, không cần người đọc có hiểu hay không, với các cụm từ tồn lí tí ngọ, tồn lập tập trung, tồn lập tập hợp. Nhiều bài thơ của ông có vần ôn + phụ âm đầu l:“Vườn trần gian có hoang liêu/Cồn lau lách cũng có liều lĩnh hang”, hay: “Úp môi ôm mặt khóc òa/Cồn lê lên miệng là ba bốn lần”.
Từ những câu chuyện nói lái cụ thể của các văn nghệ sĩ, học giả lẫn dân gian, trong cuốn sách tác giả đã phân loại các kỹ thuật nói lái của từng vùng miền dưới góc độ ngữ âm học. Ông tỏ ra bất ngờ khi cả những từ tiếng Pháp cũng được người Việt nói lái: pê-ta (pháo, trái nổ) nói lái thành pa-tê (chả thịt bằm), bi-giu (đồ nữ trang) lái thành bu-gi (bộ phận đánh lửa máy nổ), chưa kể lái để nói giọng điệu như tiếng Pháp: quít xơ măng mống se, ót măng xít mơ (quăng xơ mít mé sông, ăn mót xơ mít), on me năng ăng rê (ăn me non ê răng)… Lại có người dịch nghĩa chữ Hán – Việt rồi lái: Món mộc tồn (mộc: cây, tồn: còn) thành con cầy, nghề tứ vi (tứ: bốn, vi: làm) tức bốn cái làm (chỉ thứ đàn ông ăn bám vợ).
Ngoài cách lái với hai từ cho sẵn, người dân còn lái cả 3 – 4 chữ: má ghiền (miến gà): má ghiền miến gà; chà đồ nhôm (chôm đồ nhà), cầu gia đạo (cạo gia đầu), chả sợ gì (chỉ sợ già), chả sợ chi (chỉ sợ cha)…
Nói lái là nghệ thuật
Trong sách Thú chơi chữ, nhà ngôn ngữ học Lê Trung Hoa và Hồ Lê đưa ra đến 6 kiểu nói lái của người Việt bằng các kiểu hoán vị âm, vần, thanh cho thấy nói lái rất đa dạng.
Ở TP.HCM, trong giới văn nghệ cũng có nhiều cao thủ nói lái, mà nổi danh “tứ trụ” là nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, nhà báo Nguyễn Xuân Minh, Tổng biên tập NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt và nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên. Cuộc “trà dư tửu hậu” nào mà có các vị này thì mọi người cười bò lăn.
Nhận xét về nói lái – “hình thức chơi chữ tế nhị và sâu sắc” như cách gọi của nhà nghiên cứu An Chi, ông Nguyễn Xuân Minh khẳng định: “Tôi nghĩ nói lái là cả một nghệ thuật chứ không phải đơn giản. Nó cứ như mạch nước ngầm chảy len lỏi mà bền bỉ trong đời sống hằng ngày, giúp người ta sống vui hơn, lạc quan hơn”. Còn theo ông Nguyễn Minh Nhựt: “Không phải ở đâu cũng nói lái được. Nếu câu lái đúng với hoàn cảnh sẽ trở nên thú vị và đậm đà hơn”.
Lê Công Sơn