11/01/2025

Trẻ miền quê khát sách: Quyền đọc sách của trẻ em

Trong khi chờ các bộ ngành bắt tay thúc đẩy văn hóa đọc cộng đồng, giải pháp cho việc gieo tình yêu sách ở trẻ hiện vẫn trông chờ vào sự linh động và tâm huyết của từng cá nhân, đơn vị.

Trẻ miền quê khát sách: Quyền đọc sách của trẻ em.

 

 

 Trong khi chờ các bộ ngành bắt tay thúc đẩy văn hóa đọc cộng đồng, giải pháp cho việc gieo tình yêu sách ở trẻ hiện vẫn trông chờ vào sự linh động và tâm huyết của từng cá nhân, đơn vị.




Trẻ miền quê khát sách: Quyền đọc sách của trẻ em - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học B Chợ Vàm (An Giang) háo hức đọc sách giáo viên mang đến giới thiệu trong hoạt động ngoài giờ – Ảnh: VÕ DIỆU THANH

Hiện nay hầu hết các thư viện địa phương đều tham gia vào việc luân chuyển sách và một trong những điểm đến quan trọng là các thư viện trong nhà trường. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thư viện ở các địa phương thì chúng tôi thúc đẩy các thư viện phục vụ lưu động.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà – vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch)

Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến từ góc nhìn của giáo viên vùng nông thôn và một đề xuất của nghiên cứu sinh VN tại Nhật Bản.

Mỗi ngày 5 phút đọc cho các em

Có thể ở đâu đó coi sách đứng sau những mặt hàng xa xỉ, thì ở nông thôn sách lại được đặt ngang với mặt hàng xa xỉ. 

Với người dạy, người quản lý giáo dục, kiến thức trong sách giáo khoa là tối thượng. Thư viện trường học chỉ được lưu hành những cuốn sách do Bộ Giáo dục, đào tạo rót về, những loại sách khác đều không đáng tin cậy vì chưa được kiểm duyệt, nên thư viện rất nghèo nàn. 

 

Người dạy đã vậy, người học – nhất là người học ở nông thôn – đương nhiên bị ảnh hưởng trọn gói. Phụ huynh nhắc con học bài mỗi ngày như tụng kinh. Mà bài học cũng chỉ duy nhất ở sách giáo khoa.

Mỗi lần thấy tôi mang sách vào lớp, các em nhìn sách trong tay tôi như nhìn một mớ giấy vụn. 

Tôi chọn những chương phù hợp với các em, đọc cho các em nghe bằng những biểu cảm ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Từ lớp 1 tới lớp 5, hầu hết các em đều tự nguyện trút tiền túi ít ỏi của mình để có được cuốn sách trong tay tôi chỉ sau một lần nghe đọc. 

Mỗi lần như vậy, tôi chỉ tốn khoảng năm phút cuối buổi dạy. Tôi tin, nếu ngày ngày cô giáo bỏ ra năm phút đọc cho các em nghe, khả năng cảm mến dành cho sách của các em sẽ phát triển không ngừng.

Đọc như thế nào, đọc sách gì cũng là điều đáng nói. Trong một buổi tọa đàm với nhà văn Hwang Sun Mi, tác giả của Cô gà mái xổng chuồng, tôi được biết một cô giáo có hẳn câu lạc bộ đọc sách cùng con. 

Con cô rất mê sách. Nhưng điều cơ bản là cô có giọng đọc rất truyền cảm. Có giọng đọc là một lợi thế lớn. Nếu không có thì phải tập, một người dạy học càng phải tập nhiều hơn trong luyện phát âm và biểu cảm phù hợp với cảm xúc trong sách.

Người dạy cần có kỹ năng đọc sách cùng học trò mình và phải đọc thật hấp dẫn (cũng như có kỹ năng “kiểm duyệt” được những cuốn an toàn cho học trò mình mà không phải đợi tới chỉ đạo của cấp trên). 

Tuy nhiên, nếu muốn người dạy chuyên cần với các hoạt động phức tạp này, người quản lý giáo dục phải thoát khỏi tư duy kiểm tra kiến thức chỉ chăm chăm vào sách giáo khoa, thay vào đó là kiểm tra kỹ năng mà mỗi giáo viên lẫn học sinh đều có thể thu nhận được từ sách.

Có như vậy, sách mới thoát khỏi phận xa xỉ mà thuận đường vào trường học, vào tận tay học trò để thay thế dần những đam mê có hại khác đang đầy rẫy quanh chốn học đường.

VÕ DIỆU THANH

Vận động sách hay cho các trường tiểu học

Hội Xuất bản Việt Nam – bộ phận phía Nam vừa kêu gọi sự chung tay của mọi người cho dự án vận động sách hay cho các trường tiểu học vùng nông thôn.

Đây là ý tưởng của các giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), khi nhận thấy các trường tiểu học ở vùng sâu vùng xa còn thiếu sách, nhiều nơi thư viện trong tình trạng “trống và trắng” như ghi nhận của cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền.

Vào ngày 24-10, Ban dự án (với thành viên là Trường Lê Hồng Phong, đại diện Hội Xuất bản phía Nam, NXB Kim Đồng) sẽ mang sách về hai trường tiểu học đầu tiên trong năm nay là Trường tiểu học Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh; và Trường tiểu học Ba Đồn số 2, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình.

Một trong các mục tiêu hướng tới của dự án là giúp học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 trên địa bàn khắp cả nước được đọc 30-40 đầu sách hay ngoài sách giáo khoa mỗi năm.

LAM ĐIỀN

Thủ thư nên linh động, sáng tạo

 

Môi trường sư phạm góp phần ươm mầm văn hoá đọc mà thư viện là nơi khởi nguồn. Trẻ có ham muốn đọc sách báo hay không tuỳ thuộc vào không gian văn hoá đọc. 

Được đọc sách báo trong không gian rộng rãi, thoáng mát với nhiều thể loại sách báo phù hợp với sở thích của mình là ước muốn của nhiều đứa trẻ. 

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều thư viện ở nông thôn chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục, đào tạo. 

Do nhiều nguyên nhân, đa số các trường chỉ tập trung cơ sở vật chất cho việc dạy và học. Thư viện được ghép chung với những phòng chức năng khác hay đôi khi chỉ là một góc nhỏ trưng bày sách báo trong phòng giáo viên.

Với cơ sở vật chất như thế, cán bộ thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hình thành văn hoá đọc cho học sinh. 

Một người thủ thư có tay nghề cao, tâm huyết cần biết linh hoạt trong công việc để thu hút học sinh đến với thư viện: chọn sách phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, có những hoạt động phối hợp nào với các đoàn thể khác trong nhà trường, tư vấn với lãnh đạo nhà trường qua những kế hoạch phát triển lâu dài, có chiều sâu…

Điều quan trọng là những nhà quản lý, cán bộ phụ trách thư viện phải biết linh động và sáng tạo trong điều kiện hiện có để hoạt động thư viện thu hút học sinh và góp phần hình thành văn hoá đọc trong nhà trường.

LÊ TẤN THỜI

Nhà nước đã có các chính sách vĩ mô, nhưng trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, lãnh đạo các địa phương phải nhận thức được vai trò của việc đọc, chứ nếu chỉ làm mang tính phong trào thôi thì rất khó. Không chỉ mang sách đến với các em mà phải hướng dẫn các em cách đọc và các ứng dụng kiến thức từ sách vào cuộc sống.

Bà Vũ Dương Thuý Ngà

 

Cần có luật khuyến đọc

 

Nhà nước cần có chương trình phát triển hoạt động khuyến đọc như một chương trình trọng điểm của quốc gia. 

Việt Nam cần thiết phải có ngay một bộ luật khuyến đọc quy định quyền được đọc sách của người dân, quyền đọc sách của trẻ em và nghĩa vụ của Nhà nước cũng như chính quyền địa phương trong việc đảm bảo và phát triển văn hóa đọc. 

Khi có luật này thì Nhà nước và chính quyền địa phương sẽ nâng cao ý thức hơn về văn hóa đọc và khi xây dựng dự toán ngân sách, chính sách phát triển sẽ phải dành ra một khoản và chú ý đến khuyến đọc. 

Các cá nhân, tổ chức khác ngoài khu vực nhà nước cũng sẽ có cơ sở pháp lý thuận lợi, rõ ràng để tiến hành các hoạt động khuyến đọc một cách tích cực, rộng lớn hơn.

Như ở Nhật Bản, họ đã có “Luật chấn hưng văn hoá đọc” và “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em”, đồng thời có “Ngày trẻ em đọc sách” vào 23-4 hằng năm.

Mặt khác, Nhà nước cần tạo điều kiện giúp đỡ, khuyến khích tối đa sự tham gia của các tổ chức xã hội, các nhóm thiện nguyện phát triển văn hoá đọc. Sự hỗ trợ này về mặt vĩ mô lâu dài cần đến các bộ luật như trên.

NGUYỄN QUỐC VƯƠNG

Thúc đẩy các thư viện lưu động

Ông Nguyễn Công Hinh – vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục, đào tạo – cho biết bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương xây dựng tủ sách lớp học bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nguồn do phụ huynh và học sinh đóng góp.

Nếu một em có cuốn sách đọc rồi thì mang góp vào tủ sách, các em khác sẽ cùng được đọc.

Ông Hinh cho rằng đây là giải pháp tốt để số đầu sách các em được đọc sẽ nhiều hơn.


V.V.TUÂN ghi