11/01/2025

Ăn thịt heo tiêm thuốc an thần, tác hại lâu dài

Hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần mới được phát hiện gần đây phải tiêu huỷ. Loại thuốc tiêm cho heo là acepromazine (tên thương mại Combistress) là thuốc chống loạn thần dẫn xuất từ phenothiazin.

 

Ăn thịt heo tiêm thuốc an thần, tác hại lâu dài.

 

Hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần mới được phát hiện gần đây phải tiêu huỷ. Loại thuốc tiêm cho heo là acepromazine (tên thương mại Combistress) là thuốc chống loạn thần dẫn xuất từ phenothiazin.


Ăn thịt heo tiêm thuốc an thần, tác hại lâu dài - Ảnh 1.

Một trường hợp heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ được phát hiện – Ảnh: HOÀNG LỘC

Do thuốc acepromazine có tác dụng giãn mạch làm ứ máu lại trong cơ nên thịt heo có chứa thuốc an thần có dấu hiệu đỏ tươi như thịt bò, dẻo, mềm, ngon hơn, miếng thịt ướt và khi chế biến sẽ tiết ra nhiều nước…

Động vật tiêm thuốc không dùng làm thực phẩm cho người

Acepromazine (tên thương mại Combistress, Atravet hoặc Acezine 2, prozil) được thử nghiệm trên người vào những năm 1950 như một thuốc chống loạn thần, nhưng ngày nay hầu như chỉ được dùng trên động vật như thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm. Acepromazine được sử dụng chủ yếu đối với các động vật hiếu động hoặc bị hoảng loạn.

Theo y văn từ những năm 1950 đưa ra những quan ngại về cơn động kinh do phenothiazin gây ra ở bệnh nhân. Vì lý do này nên thận trọng khi dùng acepromazine ở người bệnh động kinh vì có thể làm giảm ngưỡng động kinh. Ở một số võ sĩ quyền anh, acepromazine có thể gây ngất do phản ứng mạch máu – thần kinh (do kích thích hệ thần kinh giao cảm giảm) và hạ huyết áp do giãn mạch, dẫn đến suy sụp.

 

 

Acepromazine maleate được sử dụng trong thú y ở chó, mèo. Nó còn được sử dụng rộng rãi ở ngựa. Thuốc có tiềm năng tác động lên tim mạch làm giảm huyết áp do giãn mạch ngoại vi, có thể rất nặng và do đó không được khuyến cáo sử dụng cho động vật già hoặc suy nhược. 

Trong phẫu thuật ngựa, tiền mê bằng acepromazine đã cho thấy để giảm tỉ lệ tử vong quanh phẫu thuật, có thể là do các hành động của nó như là một thuốc an thần và giải lo âu. Thuốc đôi khi được sử dụng để điều trị chứng hủy cơ do gắng sức ở ngựa. 

Ở Anh, acepromazine không được phép dùng cho ngựa dùng làm thực phẩm cho người.

Tác hại lâu dài

Về tác hại, việc tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân nếu dùng phải, bởi lượng thuốc chưa bài thải hết trong thịt cũng như các cơ quan nội tạng. 

Do thời gian bán hủy của thuốc kéo dài có thể lên đến 24 giờ nên để bài tiết hết dư lượng thuốc trong cơ thể cần từ 5-7 ngày. 

Ở những đàn heo được tiêm thuốc ngay trước ngày giết mổ, lượng thuốc an thần tồn dư còn ở mức khá cao trong cơ thể heo nên có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng. 

Nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có chứa thuốc an thần nhiều ngày, lâu dần sẽ tích tụ trong cơ thể, gây nhiều nguy cơ bệnh tật như ung thư xương, tác hại đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng ngoại tháp như run chân tay hay có thể đãng trí, trầm uất.

Ngoài ra acepromazine còn gây ra các triệu chứng như hạ huyết áp, tình trạng lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng táo bón, dị ứng, buồn ngủ, và sẽ nặng hơn ở người già, thiếu máu, mất nước… khi có tương tác với thuốc khác có thể dẫn đến tình trạng người bệnh phức tạp hơn, đặc biệt trên người bệnh dùng thuốc điều trị giun sán piperazine.

Phân biệt thịt còn tồn dư thuốc gây mê

Do “tác dụng” chính khi tiêm thuốc gây mê là làm heo không cắn nhau trong quá trình vận chuyển, đỡ hao về trọng lượng, thịt heo sau giết mổ có màu đỏ sậm đẹp hơn thông thường, nên có thể phân biệt thịt heo còn tồn dư qua màu sắc là màu đỏ sậm bất thường, khi ấn ngón tay vào miếng thịt không thấy độ dính tay của thịt tươi, độ đàn hồi.

Chế tài quá nhẹ, lo vi phạm tái diễn

Theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nghị định 90 có hiệu lực thực hiện từ ngày 15-9 quy định mức phạt với hành vi tiêm thuốc an thần cho heo trước giết mổ bị phạt hành chính 30-35 triệu đồng. Thực tế cho thấy mức chế tài này vẫn còn “không ăn thua”, không đủ sức răn đe thương lái và lò mổ.

Theo đại diện Cục Thú y, sau vụ ở lò mổ Xuyên Á, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã yêu cầu sửa mức phạt hành vi tiêm thuốc an thần vào heo, không khoan nhượng vì mức độ nghiêm trọng của hành vi này.

Thay vì chỉ phạt 30-35 triệu đồng như hiện hành, bộ yêu cầu sửa thành tiêu hủy toàn bộ heo bị tiêm thuốc an thần vì hành vi này bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Khi tiêm thuốc an thần cho heo thì lượng thuốc an thần đó sẽ chuyển sang cơ thể người dùng thịt heo theo con đường gián tiếp.

“Mỗi người chỉ phải gây mê một hoặc nhiều là vài lần trong đời, nhưng nếu thịt còn tồn dư thuốc gây mê, gây tê thì lượng ăn vào là hằng ngày, ít nhưng lâu dài nên mức độ nguy hại là rất rõ. Cũng có những ý kiến cho thấy sử dụng sản phẩm thịt còn tồn dư thuốc gây mê, gây tê thì có những tác động sức khoẻ, đặc biệt là các chứng bệnh như mục xương, các dạng rối loạn sức khỏe khác” – đại diện Cục Thú y cho biết.

L.ANH ghi

Cần “liều thuốc” an thần cho… gian thương giết mổ heo

TTO – Những ngày qua, giá thịt heo rớt thê thảm do ảnh hưởng bởi thông tin vụ tiêm thuốc an thần cho gần 4.000 con heo ở cơ sở giết mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi (TP.HCM).

BS LƯU KINH KHƯƠNG