10/01/2025

Sau giấc mơ xoá rào cản ngôn ngữ

Chưa có tính đếm về số lượng ngôn ngữ đã “chết” trong lịch sử nhân loại, nhưng các nhà nghiên cứu ước tính ở khu vực châu Âu và châu Á, 775 ngôn ngữ đã biến mất.

 

Sau giấc mơ xoá rào cản ngôn ngữ.

 

 Chưa có tính đếm về số lượng ngôn ngữ đã “chết” trong lịch sử nhân loại, nhưng các nhà nghiên cứu ước tính ở khu vực châu Âu và châu Á, 775 ngôn ngữ đã biến mất.

 

Một trong những câu chuyện kinh thánh nổi tiếng nhất của Cựu Ước, vẻn vẹn 9 dòng về tháp Babel cùng với thành ngữ “Tiếng nói bất đồng tại Babylon” đã để lại một ngụ ý sâu sắc về sự chia rẽ của loài người do khác biệt ngôn ngữ, với những khó khăn về giao tiếp không thể vượt qua.

Giấc mộng xóa bỏ sự khác biệt ngôn ngữ; làm cho các cuộc đối thoại, giao tiếp giữa những dân tộc, nhóm người nói tiếng nói khác nhau dễ dàng đạt tới sự thông hiểu nhanh chóng và đầy đủ chưa bao giờ tắt, khi mà hơn 7 tỉ người trên hành tinh này đang dùng hơn 6.500 ngôn ngữ và hầu hết (trên 80%) chỉ có thể nói một hoặc hai thứ tiếng.

Phá vỡ rào cản

Có vẻ đã tới lúc tuyên bố thắng lợi cho cuộc chiến “xoá bỏ rào cản ngôn ngữ” này, với việc giới công nghệ gần đây tự tin: “Chúng tôi đã xây xong tháp Babel!”. 

 

Có thể kể lần lượt, tạm tính từ thiết bị dịch Travis (dự án gây quỹ trên Indiegogo) tới iLi (thiết bị dịch cầm tay của Công ty Logbar, Nhật Bản), Pilot (của Công ty khởi nghiệp công nghệ Waverly Labs) và vài ngày trước là sản phẩm tai nghe không dây của Google, Pixel Buds, có thể kích hoạt Google Translate để dịch được 40 ngôn ngữ ngay khi đang trò chuyện (in real time).

Rất nhiều dự án công nghệ đang cố gắng tạo ra tính năng chuyển đổi ngôn ngữ tức thì này. Bằng cách sử dụng sức mạnh to lớn của trí tuệ nhân tạo để phá vỡ rào cản về khác biệt tiếng nói, các nhà khoa học khiến việc chuyển đổi ngôn ngữ ngày càng trở nên chính xác, trơn tru, tự nhiên và mang sắc thái bản địa hơn, thông qua cách sử dụng ngày càng đơn giản, với giá thiết bị ngày càng rẻ…

Tất cả đều đang được chào đón và hứa hẹn những thay đổi chưa thể hình dung hết được trong hoạt động giao tiếp của con người.

Có biến đổi cách học ngoại ngữ?

Sống trong thời đại mà ta có thể trực tiếp trải nghiệm những thay đổi vô cùng lớn trong đời sống, hành vi con người dưới tác động của công nghệ, những gì chúng ta cần suy nghĩ tiếp, sau những khám phá công nghệ đột phá nói trên? 

Một phiên dịch có nên lo lắng cho tương lai nghề nghiệp của mình? Những giáo viên ngoại ngữ, những trung tâm ngoại ngữ đã và đang “ăn nên làm ra” có còn nhiều việc và kiếm được nhiều tiền như thế? Những công nghệ mới ấy sẽ biến đổi tới đâu cách học ngoại ngữ nói riêng và giáo dục nói chung?

Những lệnh cấm sử dụng các thiết bị nghe nhìn như cassette, CD, bảng tương tác để nghe nhạc, xem video… trong giờ dạy tiếng Anh của giáo viên bản ngữ như ta vừa thấy liệu có phải thành những “lệnh cấm” nào khác để bảo vệ cho cách học cũ? 

Những địa hạt nào của ngôn ngữ mà máy móc sẽ vĩnh viễn không thể vượt qua, để dành lại những khoảng thống trị riêng cho con người, như dịch một tác phẩm văn chương, như giao tiếp bằng xúc cảm và tri âm tri kỷ? 

Sau cùng, là việc dù hiểu từng từ mà người đối thoại với mình đang dùng liệu có giúp chúng ta hiểu thông điệp của họ một cách thực sự?

Nhìn từ góc độ văn hóa

Ở góc độ văn hóa, sau những hào hứng về tiện ích công nghệ đó, liệu rồi chính công nghệ có thể làm gì thêm để bảo vệ cho sự đa dạng ngôn ngữ – cũng chính là sự đa dạng văn hoá của loài người, thay vì tiếp tay phá hủy nó?

Theo báo cáo của UNESCO về những ngôn ngữ đang lâm nguy trên toàn cầu công bố tháng 5 vừa qua, có tới 2.464 ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng (5 ngôn ngữ nữa được thêm vào danh sách này hồi tháng 7). 

Trong đó 18 ngôn ngữ chỉ còn lại một người dùng. Báo cáo này cho biết trung bình mỗi năm có 3,5 ngôn ngữ vĩnh viễn mất đi. 

Chưa có tính đếm về số lượng ngôn ngữ đã “chết” trong lịch sử nhân loại, nhưng các nhà nghiên cứu ước tính ở khu vực châu Âu và châu Á, 775 ngôn ngữ đã biến mất và tại Hoa Kỳ là 115 ngôn ngữ đã tuyệt chủng kể từ thời Columbus.

Tính hai mặt của tiến bộ công nghệ

UNESCO định nghĩa về một ngôn ngữ tuyệt chủng khi nó “không còn là ngôn ngữ đầu tiên mà trẻ sơ sinh học trong nhà và người cuối cùng đã học và dùng ngôn ngữ đó theo cách đó đã qua đời trong vòng năm thập kỷ qua”.

Cùng với sự biến mất của ngôn ngữ này là điều mà báo cáo này của UNESCO âu lo: “Với mỗi ngôn ngữ chết đi, chúng ta đánh mất một di sản văn hoá khổng lồ, cách con người liên hệ với thế giới, kiến thức khoa học, y học, thực vật học, quan trọng nhất là cách các cộng đồng biểu đạt sự hài hước, tình yêu và cuộc sống”.

Nói ngắn gọn, chúng ta mất đi chứng tích của hàng thế kỷ cuộc sống.

Tính hai mặt đó của mỗi một tiến bộ công nghệ không hề là chuyện viển vông chỉ xảy ra trong tương lai xa. Tất cả đang diễn ra.

CẦM PHAN