20/11/2024

Đừng do dự khi giải quyết xe ‘quá đát’

TP.HCM nên quan tâm giải quyết câu chuyện xe máy có “sinh” mà không có “tử”, vì thực tế vẫn còn nhiều xe máy quá cũ chở hàng chạy trên đường gây mất an toàn giao thông và làm ô nhiễm môi trường.

 

Đừng do dự khi giải quyết xe ‘quá đát’.

 

TP.HCM nên quan tâm giải quyết câu chuyện xe máy có “sinh” mà không có “tử”, vì thực tế vẫn còn nhiều xe máy quá cũ chở hàng chạy trên đường gây mất an toàn giao thông và làm ô nhiễm môi trường.


Đừng do dự khi giải quyết xe quá đát - Ảnh 1.

Xe máy “quá đát” chở hàng cồng kềnh qua ngã tư Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) – Ảnh: SƠN BÌNH

Tham gia Diễn đàn Phát triển giao thông công cộng & kiểm soát xe cá nhân, bạn đọc THANH GIANG (Q.9, TP.HCM) cho rằng TP nên quan tâm giải quyết xe máy có “sinh” mà không có “tử”, không thể để nhiều xe quá cũ (xe “quá đát”) lưu thông trên đường để chuyên chở hàng hóa.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của người trong cuộc.

“Hằng ngày, trên đường phố có rất nhiều người chạy xe máy “quá đát” chở hàng cồng kềnh, nghiêng lắc… 

Chưa kể, không ít người lái xe này ỷ là xe “quá đát” nên đã phóng nhanh, vượt ẩu, nổ máy ầm ĩ, phun khói đen… khiến người đi đường ngán ngại. 

 

 

Qua tìm hiểu, tôi thấy rất ít khi người dân (dù hoàn cảnh có khó khăn) chọn những xe máy cũ kỹ, kém an toàn để làm phương tiện đi lại. Phần lớn xe máy “quá đát” còn tồn tại là từ những người hoạt động kinh doanh, buôn bán. 

Chỉ cần quan sát tại các cửa hàng kinh doanh, mua bán vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, nước uống, bình gas… sẽ thấy có nhiều xe máy “quá đát” dựng bên ngoài. 

Khi khách hàng cần vận chuyển hàng hoá sẽ có người làm thuê lái xe “quá đát” chở hàng h đi giao để đỡ chi phí vận chuyển cho người kinh doanh. Và thường những người chở hàng này chạy xe rất ẩu.

Đó là chưa kể đến những chiếc xe máy “quá đát” được “nâng cấp”, “chắp vá” và gắn thêm xe ba gác phía sau. Loại xe này chở được nhiều hàng hóa cồng kềnh ngoài đường. 

Thực tế những năm qua cũng có nhiều trường hợp xe máy “quá đát” đã gây ra tai nạn giao thông khiến nhiều người bị thương và cũng có trường hợp tử vong trên đường. 

Do vậy, tôi nghĩ cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp giải quyết dứt điểm những loại xe “quá đát”, không nên “nương tay” vì lý do đây là xe của người nghèo mưu sinh.”

Trung tá Nguyễn Văn Bình (đội trưởng đội tham mưu Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM):

Khó xử lý vì chưa quy định hạn sử dụng

Theo nghị định 95/2009/NĐ-CP của Chính phủ, ôtô chở hàng không được phép sử dụng quá 25 năm, xe chở người không quá 20 năm, ôtô chuyển đổi công năng thành xe chở người trước ngày 1-1-2002 không được sử dụng quá 17 năm.

Luật chưa quy định niên hạn những loại xe còn lại (chủ yếu là xe máy), do đó chưa có cơ sở cụ thể thực hiện việc thu hồi đăng ký, biển số các phương tiện này.

Tuy nhiên nhiều năm qua, ngoài tuần tra xử phạt thường xuyên, PC67 còn thực hiện nhiều chuyên đề xử lý xe máy cũ, xe thay đổi kết cấu, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không rõ xuất xứ nguồn gốc, chở hàng hoá cồng kềnh…

Chỉ riêng trong chín tháng đầu năm nay, các đội cảnh sát giao thông thuộc PC67 đã tịch thu 6.595 xe máy bị nhiều lỗi vi phạm, đã quá thời hạn tạm giữ nhưng chủ phương tiện và người lái xe bỏ luôn.

Việc loại xe “quá đát” cũng gặp khó khăn nhất định vì đây là phương tiện mưu sinh của một bộ phận dân nghèo, dù rằng khi bị kiểm tra, người điều khiển xe phóng bạt mạng rất nguy hiểm, thậm chí quăng xe bỏ chạy.

Hiện cơ quan chức năng chỉ tịch thu những xe không giấy tờ, không đảm bảo thông số an toàn kỹ thuật, còn những xe tuy cũ nhưng có giấy tờ, biển số đàng hoàng thì chỉ xử phạt theo mức độ vi phạm chứ không thể tịch thu phương tiện.

PC67 sẽ phối hợp chính quyền địa phương nhắc nhở, cam kết với các cửa hàng mua bán, nếu nhiều lần tái phạm thì tuỳ mức độ mà xử lý nghiêm.

S.BÌNH ghi

Ông N.N.K. (38 tuổi, ngụ Q.Tân Phú):

“Xin CSGT không được thì bỏ xe luôn”

Nhiều năm qua, tôi lái xe “quá đát” đi giao hàng kiếm sống trên địa bàn nhiều quận huyện tại TP. Chiếc xe máy của tôi là loại xe Dream cũ, tôi “độ” lại khung sườn, phuộc, mắc thêm giá đỡ thùng hai bên để chở được nhiều hàng hóa.

Do xe cũ, thay đổi kết cấu nên tôi chọn đi trên đường nhỏ, chủ yếu giao hàng cho các tiệm tạp hóa vùng ven nên cũng ít khi gặp cảnh sát giao thông, nếu gặp thì tìm mọi cách để né.

Nhiều “đồng nghiệp” của tôi lái xe “quá đát” thường có tư tưởng “cùi không sợ lở” nên khi bị lập biên bản vi phạm mà xin cảnh sát giao thông không được thì bỏ xe luôn, bởi thực tế các xe này giá trị không bao nhiêu.

Thường những người lái xe “quá đát” có hai trường hợp, một là tự trang bị xe chở thuê hàng hoá, hai là những cửa hàng kinh doanh có xe rồi thuê người lái xe chở hàng h. Với người tự trang bị xe chở hàng thuê, đây là nghề mưu sinh.

Nếu cơ quan chức năng muốn x xe quá cũ này thì chúng tôi phải chấp nhận. Nhưng nói thật, thay đổi cách mưu sinh, mua xe tải nhỏ để chở hàng, với chúng tôi, chỉ là ước mơ.

S.B. ghi

THANH GIANG (Q.9, TP.HCM)