28/11/2024

Câu chuyện giáo dục: Hãy cho trẻ cơ hội đặt câu hỏi

Vừa qua, tôi có dự tiết dạy khoa học với bài ‘Phòng bệnh sốt rét’ của một thầy giáo trẻ. Thầy giáo tuy mới ra trường nhưng dạy rất tốt.

 

Câu chuyện giáo dục: Hãy cho trẻ cơ hội đặt câu hỏi.

Vừa qua, tôi có dự tiết dạy khoa học với bài ‘Phòng bệnh sốt rét’ của một thầy giáo trẻ. Thầy giáo tuy mới ra trường nhưng dạy rất tốt. 




Giáo viên cần tạo điều kiện cho học sinh mạnh dạn đặt câu hỏiẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH.

Tuy nhiên, có một điều làm tôi băn khoăn là dường như hiện nay, người lớn thường cho rằng trẻ em luôn tự biết những điều đơn giản.
Khi thầy hỏi: “Chúng ta nên làm gì để phòng bệnh sốt rét?”, nhiều học sinh (HS) trả lời rất đúng. Một HS nữ nhìn vào ảnh chụp trong sách giáo khoa và đọc dòng chữ dưới ảnh là “Tẩm màn bằng chất phòng muỗi”. Một HS nam ngồi cạnh hỏi bạn nhưng giọng khá lớn “Màn là gì?” nên mọi người đều nghe. Thầy giáo cau mày hỏi HS nam: “Màn là gì em cũng không biết sao?”, HS ấy làm thinh.
Thầy hỏi cả lớp: “Em nào biết màn là gì?”, chỉ một HS giơ tay trả lời màn là mùng. Lúc này, thầy giáo dường như nhận ra nên giải thích rằng người miền Nam gọi là mùng, còn người miền Bắc gọi là màn. Đột ngột, HS nam lúc nãy hỏi tiếp: “Mùng là cái gì?”. Thầy giáo trừng mắt nói: “Em đùa trong giờ học đó hả?”. HS nam ấy cúi đầu. Thầy giáo giảng qua phần khác.
Cuối tiết học, tôi xin thầy giáo trẻ 5 phút để nói chuyện với lớp. Tôi hỏi HS nam đã hỏi “Mùng là cái gì?” rằng em có ngủ mùng không, em lắc đầu. Tôi hỏi các em trong lớp ai ngủ phải giăng mùng, không một HS nào giơ tay. Tôi bảo HS cả lớp mở sách giáo khoa xem bài kế tiếp “Phòng bệnh sốt xuất huyết” nhìn tranh số 3. Tranh vẽ một bé trai đang ngủ trong mùng. Tôi nói đó gọi là cái mùng, giờ các em biết chưa, HS thắc mắc mùng là gì gật đầu, nhìn tôi cười. Các em cũng cho biết là các em ngủ trong phòng máy lạnh hay dùng quạt nên không ngủ mùng. Tôi nhắc các em lợi ích của ngủ mùng. Lúc góp ý, tôi cũng trao đổi với thầy giáo trẻ khá nhiều. Thầy cũng nhận ra mình cứ nghĩ những cái đơn giản là HS đã biết.
Tiết dự giờ ấy làm tôi nhớ tới cách đây vài tuần. Cháu gái tôi học lớp ba đến nhà chơi. Cháu lấy một quyển sách trên kệ đọc. Đang đọc, cháu hỏi ba cháu: “Đèn dầu là đèn gì ba?”. Em trai tôi lớn giọng nói: “Học lớp ba rồi mà còn hỏi đèn dầu là cái gì!”. Tôi cười nói với em tôi: “Nhà có xài đèn dầu không? Nó thấy đèn dầu ở đâu? Ai nói cho nó biết cây đèn dầu ra sao? Nó không biết là đúng rồi!”. Rất may, trong tủ thờ nhà tôi còn cây đèn dầu “hột vịt” đã cũ, tôi đem ra và chỉ cho cháu cách sử dụng. Cháu nói: “Cây đèn dầu ngộ quá bác há!”.
Trong cuộc sống hiện đại, nhất là ở các thành phố lớn, những thứ đơn giản nhưng không được sử dụng, trẻ không thể biết được. Các cháu chỉ có thể thấy qua phim ảnh, sách báo, nhưng nếu không có người lớn cho biết hay giải thích thì có nhìn thấy các cháu cũng không biết đó là gì. Bởi thế người lớn cần quan tâm, chỉ bảo, giải thích để trẻ tự tin đặt câu hỏi. Ngược lại, nếu trách mắng, trẻ sợ hãi không dám đặt câu hỏi. Khi đó, sự tự tin không còn mà lòng mong muốn học hỏi của trẻ cũng mất.

 

Lê Phương Trí 
(Giáo viên Trường tiểu học Đống Đa, Q.4, TP.HCM)