11/01/2025

Hội nghị trung ương 6: Mở đường cho cải cách sâu rộng hơn

Vấn đề kiên quyết tinh gọn bộ máy mà Hội nghị trung ương 6 đặt ra cần được hiểu như một cải cách chính trị then chốt, mở đường cho cải cách khác sâu rộng hơn.

 

Hội nghị trung ương 6: Mở đường cho cải cách sâu rộng hơn.

 

Vấn đề kiên quyết tinh gọn bộ máy mà Hội nghị trung ương 6 đặt ra cần được hiểu như một cải cách chính trị then chốt, mở đường cho cải cách khác sâu rộng hơn.

 

Hội nghị trung ương 6: Mở đường cho cải cách sâu rộng hơn - Ảnh 1.

Hội nghị trung ương 6 lần này quan tâm đến vấn đề phương thức lãnh đạo của Đảng và sắp xếp lại bộ máy chính trị – Ảnh: VGP

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết của TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM).

“Đầu bài cải cách hệ thống chính trị Việt Nam gắn liền với ba vấn đề tương quan mật thiết với nhau. Đó là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp lại bộ máy chính trị và công tác quản lý cán bộ. 

Quá trình này có thể được ví von một cách hình tượng: Trước hết khi nhà dơ thì ta cần dọn dẹp, sau khi quét dọn thì sắp xếp lại phòng ốc, định vị lại chức năng, để có thể phân công con người vào từng chức năng, và cuối cùng dựa trên vai trò – trách nhiệm xây dựng hệ thống đánh giá, giám sát đầu ra công việc.

Hội nghị trung ương 6: Mở đường cho cải cách sâu rộng hơn - Ảnh 2.

“Nhạy cảm và phức tạp”

 

Hội nghị trung ương 4 khóa 12 nối tiếp tinh thần của các hội nghị trước tiếp tục “dọn dẹp nhà cửa” bằng việc tăng cường kỷ luật Đảng và quyết tâm chống tham nhũng không có “vùng cấm”. 

 

Như vậy, sau khi “dọn dẹp, lau chùi” thì việc định dạng và sắp xếp lại “nhà cửa” – cả các cơ quan Đảng lẫn hệ thống hành chính – cần được hiểu như một cải cách chính trị then chốt, mở đường cho cải cách khác sâu rộng hơn về bộ máy, về con người và cả về ngân sách sau này”.

Hội nghị trung ương 6 tiếp tục đụng vào vấn đề phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền và sắp xếp lại bộ máy chính trị – việc mà như trong diễn văn khai mạc của Tổng bí thư được miêu tả là quan trọng, nhưng cũng “nhạy cảm” và “phức tạp”.

“Phức tạp” vì nó chứa đựng nhiều góc nhìn đa dạng về các vấn đề cải cách hệ thống, mà các đại hội, hội nghị trước đã bàn, đã dự định nhưng chưa có khả năng hoàn tất. Chẳng hạn vai trò hiến định của Đảng Cộng sản như một Đảng cầm quyền trong giai đoạn mới. 

Trong mối tương quan của Đảng cầm quyền với các cơ quan, chủ thể khác của Nhà nước như Chính phủ, Quốc hội, Toà án, Mặt trận Tổ quốc…, Đảng Cộng sản sẽ định dạng cách mình lãnh đạo như thế nào, thông qua công cụ gì, xác lập quyền hạn ra sao, và đi kèm với đó là cơ chế giải trình trách nhiệm như thế nào.

Hay việc sắp xếp một số cơ quan tham mưu của Đảng và quản lý hành chính của Nhà nước. Rõ ràng đây không chỉ là vấn đề mang tính sáp nhập cơ học, mà là một quá trình lịch sử. Như cuộc trao đổi của nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu đề cập đến khả năng kết thúc mô hình của ba ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. 

Sự hình thành của ba ban này dựa trên một nhu cầu nhất định trong việc tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương về những vấn đề liên quan đến các khu vực phên giậu và có tính nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Sự đánh giá tiếp tục hay kết thúc của mô hình này trong thời điểm hiện tại cũng sẽ phải mang tính chất bối cảnh lịch sử của nó.

Cải cách then chốt

Việc quyết định và thực thi các đề án đổi mới phương thức và sắp xếp bộ máy sẽ mang tính “nhạy cảm”, không những vì quá trình này đụng tới vấn để giảm người, thu gọn bộ máy, cắt ngân sách, mà nó đi đến tận cùng câu hỏi: Cuối cùng là các đổi mới và sắp xếp đó dựa trên mô hình và nguyên tắc nào?

Từ góc nhìn học thuật, mô hình chính trị các quốc gia trên thế giới có nét tương đồng đã được đặt lên bàn cân nghiên cứu: từ tiếp tục hệ thống Đảng song song với Nhà nước, đến các nhất thể hóa giữa Đảng và các cơ quan nhà nước ở các cấp độ, và mức độ khác nhau.

Từ góc nhìn thực tiễn, chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề quản trị cấp bách: bộ máy cồng kềnh; quyền hạn và trách nhiệm nhiều cơ quan không rõ ràng; biên chế tiếp tục tăng dẫn đến chi thường xuyên cũng tăng trong bối cảnh ngân sách đang bị thâm hụt, nợ công cao; đi cùng với đó là năng suất lao động Việt Nam đang còn khoảng cách với các nước ASEAN trong cùng khu vực.

Thực tiễn điều hành chính sách và cải cách thể chế của Việt Nam từ năm 1986 đến giờ chỉ ra: dù thảo luận mô hình nào hay chấp nhận các mức độ thay đổi khác nhau từng thời điểm, mục tiêu Việt Nam định hướng đến là xây dựng bộ máy chính trị cho tương thích với việc phát triển của nền kinh tế thị trường và tăng cường việc vận hành hiệu quả cơ chế trách nhiệm giải trình giữa các nhánh quyền lực.

Như vậy, sau khi “dọn dẹp, lau chùi” thì việc định dạng và sắp xếp lại “nhà cửa” – cả các cơ quan Đảng lẫn hệ thống hành chính – cần được hiểu như một cải cách chính trị then chốt, mở đường cho cải cách khác sâu rộng hơn về bộ máy, về con người và cả về ngân sách sau này.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM)