Cô giáo giúp trò nghèo, xã cố tình làm khó?
Tìm mọi cách giúp học trò nghèo đến trường, nhưng năm lần bảy lượt cô Huỳnh Thị Thanh Phương (giáo viên Trường tiểu học An Phú 2, huyện Củ Chi, TP.HCM) bị chính quyền địa phương “chỉnh”. Vì sao?
Cô giáo giúp trò nghèo, xã cố tình làm khó?
Tìm mọi cách giúp học trò nghèo đến trường, nhưng năm lần bảy lượt cô Huỳnh Thị Thanh Phương (giáo viên Trường tiểu học An Phú 2, huyện Củ Chi, TP.HCM) bị chính quyền địa phương “chỉnh”. Vì sao?
Năm học mới đã bắt đầu hơn một tháng mà em Nguyễn Văn Sang (học sinh lớp 3 Trường tiểu học An Phú 2) vẫn chưa có đồng phục, chưa đóng học phí.
Cha mất, mẹ đi bước nữa và sống ở Đài Loan 5 năm nay nhưng chưa thể gửi tiền về, Sang sống với bà ngoại làm nghề cạo gió, giác hơi.
Thương học trò, cô Phương chụp ảnh, đăng hoàn cảnh của Sang lên mạng xã hội, nhờ mạnh thường quân giúp đỡ cho em có đồng phục, học phí, bảo hiểm, dụng cụ học tập.
“Không được nhận gì của cô Phương”
“Cô Phương nói sẽ xin tiền học cho bé Sang, tui mừng quá chừng – bà Nguyễn Thị Phượng (bà ngoại Sang) kể – Nhưng rồi không biết sao xã nghe được, xã xuống nói tui không được nhận bất cứ thứ gì từ cô Phương. Họ nói chuyện của Sang để ấp lo, xã lo. Mà gần hai tháng rồi vẫn không thấy quần áo gì.
May là cuối tháng 9 mới được nhà trường phát cho bộ đồ thể dục mới. Vậy là cháu Sang luân phiên mặc hai bộ đồ thể dục đến trường. Rồi xã có cho tập vở, cặp mới và 200.000 đồng. Tui kêu Sang lên trường hỏi mua đồng phục nhưng trễ quá…”.
Sang không phải là trò nghèo duy nhất được cô Phương giúp đỡ. Sau chín năm đi dạy, từ tháng 4-2016, cô Phương bắt đầu xin quần áo cũ, sách và tiền cho học trò nghèo thông qua mạng xã hội. Đến nay, cô đã kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ học phí cho bảy trường hợp khó khăn đến trường.
“Đại diện xã và hiệu trưởng cũ nhiều lần họp, rầy rà chuyện tôi dùng tư cách cá nhân xin tiền cho các cháu. Xã nói tôi cứ giới thiệu hoàn cảnh khó khăn ra xã, để xã lo. Nếu không người ta tưởng tôi lừa đảo!” – cô Phương kể lại.
Ngoài việc kêu gọi tài trợ cho học trò nghèo, cô Phương còn mở không gian đọc sách miễn phí tại nhà (với gần 2.000 quyển sách), nguồn sách do sinh viên, mạnh thường quân nhiều nơi đóng góp.
Tuy nhiên biên bản buổi làm việc ngày 4-5-2017 giữa UBND xã An Phú và cô Phương lại có kết luận: “Đề nghị cô ngừng hoạt động và không được tụ tập trẻ em (tại Không gian đọc sách Củ Chi – PV), cho đến khi có giấy chứng nhận đăng ký đủ điều kiện hoạt động”.
UBND xã nói gì?
Nói về việc của cô Phương, ông Nguyễn Văn Tài – chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Củ Chi – cho biết: “Hoạt động của cô Phương không có vấn đề gì. Nhưng có một vài chỗ cần định hướng theo đúng khuôn khổ luật pháp.
Cô Phương cho số tài khoản riêng trên Facebook để huy động nguồn tiền chăm lo cho trẻ em nghèo, mà cô đang là giáo viên, làm như vậy phản cảm. Về nguyên tắc, huy động sự đóng góp của xã hội để hoạt động từ thiện chỉ có tổ chức mới làm được. Nếu cô thông qua tổ chức chi đoàn sẽ hay hơn.
Ở đây cô mang danh cá nhân, nên chúng tôi chấn chỉnh với trách nhiệm xã hội. Chăm lo cho các em ai cũng chăm lo, không riêng cô. Để cô làm với tư cách cá nhân không đảm bảo, không công khai, không minh bạch.
Mục đích chính của chúng tôi là định hướng để hoạt động của cô đi vào nề nếp, tạo thêm danh tiếng cho cô, đảm bảo nhiệm vụ chính trị địa phương, đảm bảo mục đích chăm lo cho trẻ em”.
Việc kêu gọi mạnh thường quân đóng góp là chuyện “tế nhị”, cần sự hợp tác với xã để cùng chăm lo trẻ em, tránh trường hợp phân phối từ thiện không đồng đều. “Có trẻ không được nhận quà, có trẻ tiếp cận hai, ba nguồn như vậy, không khách quan”.
Ông Nguyễn Văn Tài – chủ tịch UBND xã An Phú
Về thư viện của cô Phương, bà Bùi Thị Xuân Thảo – phó chủ tịch UBND xã An Phú – cũng nói: “Phòng đọc của cô Phương không có phép. Nó là thư viện tư nhân. Cô Phương có ý định thành lập thư viện tư nhân nên có gửi đơn ra cho xã, nhờ xã hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục.
Nhưng tới giờ cô vẫn chưa làm danh mục đầu sách. Đoàn viên vô giúp đỡ thì cô Phương hẹn tới hẹn lui nên chưa xong thủ tục, làm sao mình cấp phép? Cô ấy cứ hoạt động vậy hoài, ai sẽ kiểm định?”.
Ông Nguyễn Văn Tài còn nói thêm: “Không nhất thiết phải làm thư viện tư nhân. Ở đây muốn nâng tầm cô lên cho danh chánh ngôn thuận, hướng dẫn cô tất cả thủ tục. Nhưng nghe đâu cô không đủ đầu sách, nên giờ thư viện vẫn mang tính chất tự phát.
Chúng tôi rất lo, vì nguồn sách của cô quy tập từ khắp nơi, trong đó có thể có sách lậu. Hôm trước, chúng tôi đã qua Không gian đọc sách Củ Chi để hỗ trợ cô sắp xếp, phân loại, quản lý đầu sách, làm kệ sách, định hướng để thư viện của cô hoạt động nề nếp…”.
Về phản ảnh của cô Phương rằng UBND xã gây khó dễ không cho các tổ chức, CLB tình nguyện đến Không gian đọc sách Củ Chi tổ chức Trung thu cho trẻ em, ông Tài nói: “Xã đã tổ chức đêm hội Trung thu trao 3.000 bánh cho các em.
Các bạn sinh viên đi mua bánh, kẹo đâu kiểm soát được chất lượng, không khéo các cháu ăn lại bị gì, khổ xã. Tổ chức Trung thu ở đó (Không gian đọc sách Củ Chi – PV) là cả vấn đề phức tạp…”.
5 lần lên xã giải thích về hoạt động thiện nguyện
Cô Huỳnh Thị Thanh Phương là nhân vật trên báo Tuổi Trẻ vào đầu năm học 2016-2017, với bài viết “Câu chuyện đẹp đầu năm học mới”.
Khi đó, em Võ Thị Kim Ngọc (một học sinh cũ của cô Phương) toan bỏ học thì được bà cố nuôi dẫn đến cầu cứu cô Phương. Cô đã tặng Ngọc bộ sách và đi xin học phí để em được tiếp tục đến trường.
Sau đó, Tuổi Trẻ cũng có bài giới thiệu về “Không gian đọc” của cô Phương, kể chuyện cô đi xin sách về cho trẻ em nghèo đọc. Từ đó đến nay, theo cô Phương, cô phải lên UBND xã An Phú làm việc năm lần để giải thích, xin cấp phép các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng của mình.