12/01/2025

Ở cao ốc ngay ngáy lo cái hầm ngập nước

Chỉ trong 3 tháng cao điểm của mùa mưa vừa qua, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã phải cứu hộ 15 trường hợp ngập nước tại các tầng hầm. Còn cao ốc nào chưa được nghiệm thu chống ngập tầng hầm?

 

Ở cao ốc ngay ngáy lo cái hầm ngập nước.

 

 

Chỉ trong 3 tháng cao điểm của mùa mưa vừa qua, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã phải cứu hộ 15 trường hợp ngập nước tại các tầng hầm. Còn cao ốc nào chưa được nghiệm thu chống ngập tầng hầm?

Trường hợp xảy ra ngập tầng hầm cần ứng cứu, bà con nên gọi tổng đài 114 để lực lượng chuyên nghiệp hỗ trợ việc bơm nước không thu phí

Đại tá Nguyễn Quang Nhựt

Chủ đầu tư, chủ sở hữu quản lý sử dụng các tòa nhà phải lập trước phương án ứng phó, di dời các phương tiện, tài sản tại tầng hầm trong trường hợp tầng hầm có nguy cơ ngập nước khi mưa lớn.

Đó là chỉ đạo của UBND TP.HCM vừa được đưa ra do có nhiều tầng hầm nhà cao tầng bị ngập nước khi mưa, dù cơ quan chức năng đã có nhiều khuyến cáo. 

Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết từ ngày 21-6 đến 2-10 đã phải cứu hộ 15 trường hợp ngập nước tại các tầng hầm trên địa bàn TP gây hư hỏng nhiều tài sản của người dân.

Nhiều công trình chưa nghiệm thu hệ thống thoát nước

Đại tá Nguyễn Quang Nhựt – trưởng Phòng tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM – cho biết Q.2 có 5 vụ ngập tầng hầm tòa nhà phải ứng cứu, nhiều nhất so với các nơi khác. Đa số các tầng hầm này đều có hệ thống thoát nước và được trang bị máy bơm. 

Tuy nhiên, do các tủ điện để thấp nên khi ngập nước thì không có điện cho máy bơm hoạt động. 

Cũng có một số trường hợp đặt tủ điện trên cao, nhưng nước tràn vô tầng hầm nhiều mà hệ thống bơm nhỏ nên không bơm kịp. Các máy bơm này chủ yếu dùng cho việc chữa cháy hơn là thoát nước.

Trước đó, Sở Xây dựng TP và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP đã khảo sát 89 công trình trên địa bàn TP cao từ chín tầng trở lên có tầng hầm, đã hoàn thiện đưa vào sử dụng. 

Theo đó, có 49/89 công trình chưa nghiệm thu hoặc chủ đầu tư chưa cung cấp được biên bản nghiệm thu hệ thống thoát nước công trình. 

Riêng về hệ thống thoát nước tầng hầm, có 37/89 công trình chủ đầu tư chưa nghiệm thu hoặc chưa cung cấp được biên bản nghiệm thu hạng mục. 

Đặc biệt, có năm công trình đưa vào sử dụng khi chưa nghiệm thu và một công trình chưa thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công xây dựng.

Theo Sở Xây dựng TP, các tầng hầm ngập khi mưa là do lỗi kỹ thuật khi thiết kế đến thi công, dẫn đến việc nước tràn vào tầng hầm bằng hai đường từ ngoài tràn vào theo dốc hầm hoặc theo cống thoát nước trào lên. 

Có chung cư khi mưa lớn, nước tràn vào tầng hầm bằng cả hai đường gây ngập nặng, trong khi yêu cầu thiết kế phải đảm bảo không để nước bên ngoài tràn vào và sử dụng van một chiều để nước từ cống không trào lên tầng hầm. 

Mặt khác, một số chung cư do móng, vách, tầng hầm; hệ thống thu gom, thoát nước bị hư vỡ… Một số dự án không thiết kế công suất máy bơm, hoặc có thiết kế nhưng không tính toán cho việc thoát nước khi mưa lớn…

Chủ đầu tư phải chủ động chống ngập

Hầm giữ xe tại toà nhà số 5 Nguyễn Siêu (Q.1) là nơi ngập nặng nhất trong mùa mưa 2016. Nước mưa tràn vào tầng hầm gây ngập sâu quá đầu người, khiến toàn bộ xe của khách chìm trong nước. Chủ bãi giữ xe sau đó đã hỗ trợ 10% chi phí sửa xe cho khách. 

Ông Đặng Công Duy Khánh, chủ bãi giữ xe, cho biết mùa mưa 2016 ông chỉ bố trí ba máy bơm nhỏ cho hầm xe, nên khi mưa lớn bất ngờ trở tay không kịp. 

Rút kinh nghiệm, năm nay ông Khánh đã cho xây gạch bao xung quanh hầm ngăn nước ở ngoài không tràn vào và đổi máy bơm lớn hơn. 

Ngoài ra, nhà xe cũng chuẩn bị bao tải chứa cát phòng nước ngập tràn qua bờ tường chắn. “Nhờ chuẩn bị tốt nên mấy trận mưa xối xả vừa rồi tầng hầm giữ xe không bị ngập nước nữa” – ông Khánh nói.

Tại những công trình từng ngập nước khi mưa khác, chủ đầu tư cũng đưa ra phương án khắc phục. 

Tại dự án khu dân cư đô thị Vĩnh Lộc, chủ đầu tư đã gia cố phần dốc dẫn vào hầm tránh cho nước ở ngoài tràn vào. Còn chủ đầu tư chung cư Khang Gia đã đưa vào sử dụng hệ thống thoát nước, nên những đợt mưa lớn vừa qua chung cư không bị ngập.

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Nguyễn Văn Đực – giám đốc Công ty tư vấn thiết kế Tân (TP.HCM) – cho biết chủ đầu tư chung cư, nhất là chung cư ở các tuyến đường thường xuyên ngập nặng, phải chuẩn bị nhiều phương án chống ngập tầng hầm. 

Đối với khu vực ngập cục bộ, mức nước ngập không cao có thể sử dụng cửa chắn hầm. Còn đối với khu vực ngập sâu, kéo dài một hai ngày phải sử dụng những màng lưới chắn hoặc bao tải chứa cát chắn trên tầng hầm. 

“Các nhà sản xuất nên nghiên cứu sản xuất các bờ đê chắn thao tác nhanh, gọn lẹ dành riêng cho công trình cao ốc để chủ đầu tư có thể mua ứng phó với ngập tầng hầm” – ông Đực gợi ý.

Các cao ốc chưa nghiệm thu hệ thống thoát nước tầng hầm

* Văn phòng số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng (Q.1) do Công ty cổ phần Cảnh Hưng Hải Thành làm chủ đầu tư.

* Cao ốc văn phòng số 229 Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) do Công đoàn Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư.

* Chung cư số 59 Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) do Công ty TNHH căn hộ vườn phố Việt Nam làm chủ đầu tư.

* Chung cư cao tầng 553 Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh) do Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn – TNHH MTV làm chủ đầu tư.

* Cao ốc văn phòng và căn hộ số 6-8 đường D2 (P.25, Q.Bình Thạnh) do Công ty TNHH bất động sản Nam Thị làm chủ đầu tư.

* Chung cư đường 15 (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) do Công ty cổ phần Bách Niên Gia làm chủ đầu tư.

TIẾN LONG – QUANG KHẢI