10/01/2025

Tiếng Hà ‘lội’

Giáo sư Trần Quốc Vượng từng đưa ra nhận định: ‘Văn hoá Hà Nội có phong độ riêng; ngôn ngữ Hà Nội có sắc thái riêng: Tiếng Hà Nội’. Cái sắc thái riêng mà GS Vượng nói đến là tiếng Hà Nội thanh thoát, dễ nghe, truyền cảm và tình cảm.

 

Tiếng Hà ‘lội’.

Giáo sư Trần Quốc Vượng từng đưa ra nhận định: ‘Văn hoá  Hà Nội có phong độ riêng; ngôn ngữ Hà Nội có sắc thái riêng: Tiếng Hà Nội’. Cái sắc thái riêng mà GS Vượng nói đến là tiếng Hà Nội thanh thoát, dễ nghe, truyền cảm và tình cảm.


 

 

Nữ sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà NộiẢNH: PHẠM HÙNG.

Từ chủ quan đến nhận xét khách quan
Về tiếng Hà Nội, ca dao, tục ngữ có câu: “Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu”
Câu ca dao cho người ta biết tiếng nói của người Hà Nội xưa thế nào. Và tiếng Hà Nội dù có những sắc thái riêng vẫn không thoát được cái chung của tiếng Việt. Mà tiếng Việt thì trong bài Tiếng An Nam của Nguyễn Văn Vĩnh (đăng trên tạp chí Đông Dương số ra ngày 12.2.1914) đã nhận định quá đúng: “Tiếng nói nước ta là tiếng nói hay, đủ tiếng mà diễn ra được hết ý tình, đủ dùng cho mọi dân có cương thường đạo lý, có cách đàm luận, có cách lịch sự, có cách giao tiếp với nhau cũng tao nhã”.
Pierre Jacques Lemonnier de la Bissachère là giáo sĩ của chủng viện Hội Truyền giáo đối ngoại Paris sang Đàng Ngoài năm 1790 và ở Đại Việt 18 năm. Ông đã thu thập, ghi chép rất nhiều câu chuyện về đời sống, xã hội giai đoạn này ở Thăng Long và Bắc kỳ. Trong cuốn Hiện tình của xứ Bắc kỳ, Nam kỳ và những vương quốc Cao Miên, Lào và Lạc Thổ (xuất bản năm 1812 tại Paris), về tiếng Bắc kỳ và Thăng Long so với tiếng Nam kỳ, ông viết: “Tiếng Bắc kỳ, đặc biệt là tiếng Thăng Long mềm mại, thanh lịch và đậm chất thi ca”.
Trong ca dao, ít nhiều vẫn còn kiểu “thổi kèn khen lấy” thì nhận định của một người ngoại quốc mang tính khách quan.
Và tiếng Hà “lội”
Nhà văn Tô Hoài, người sinh ra lớn lên ở Hà Nội, ông hiểu biết rất sâu văn hóa đất Kẻ Chợ đã có một bài viết về tiếng Hà Nội. Theo Tô Hoài, ở Hà Nội trước đây có 3 giọng nói, một giọng thường được gọi là giọng Kẻ Chợ, chỉ người nơi khác học nói lấy điệu. Giọng Kẻ Chợ mượt mà, đài các vừa ngọt xớt lại vừa chua ngoa của mấy bà giàu có, mấy cô vợ thầy thông, thầy phán và những người tập tễnh học làm sang, học đòi giọng Kẻ Chợ. Giọng này bây giờ không còn.
Giọng của những người ngụ cư trong nội vùng 36 phố phường. Tiếng nói của người nơi đô hội này không pha vùng nào, tiếng rành rõ, chững chạc, khoan thai, sáng sủa. Tiếng và giọng ấy cũng là giọng chính của tiếng Hà Nội bây giờ. Giọng Hà Nội chỉ nghe được ở trung tâm quanh hồ Gươm và 36 phố phường cũ.
Emond Nordeman là giáo sư tiếng Pháp dạy ở Trường Thông ngôn Hà Nội, ông thành thạo tiếng Việt và là tác giả cuốn Quảng tập viêm văn (Chrestomathie Annamite) bằng tiếng Việt, cuốn sách được xuất bản tại Hà Nội năm 1898. Từ bản tiếng Việt, chính ông dịch sang tiếng Pháp với mong muốn để người châu Âu hiểu thêm về văn hóa An Nam. Trong phần ghi chép lại những gì thu thập được theo phương ngữ (thổ âm) vùng Bắc bộ, trong đó có Hà Nội, thì hầu như không có phát âm lẫn lộn l thành n hoặc ngược lại, chỉ có ngữ âm thuộc vần tr thành ch hay ngược lại, vần s thành x và ngược lại. Từ cuốn sách của Nordeman thì hoặc người Hà Nội xưa không nói nhịu hoặc Nordeman chưa tìm hiểu hết.
Theo nhà văn Tô Hoài, các vùng mấp mé ngoại ô nói giọng khác với dân khu vực “36 phố phường” là giọng thứ ba. Ông cho rằng từ chợ Mơ trở xuống hay nói nhịu, vùng tây bắc ngoại thành đã nói tiếng Kẻ Bưởi, Kẻ Noi. Tô Hoài kết luận: “Những người quê gốc ở phía nam Hà Nội là bệnh chứ không phải nói nhịu. Ví dụ hay làm nói nhầm là hay nàm, nói năng thì thành lói lăng”.
Tuy nhiên, nhà văn Tô Hoài không chỉ ra vì sao khu “36 phố phường” không nói nhịu l và n trong khi vùng ven đô lại nói nhịu.
Năm 2011, Hà Nội tiến hành khảo sát thực trạng nói nhịu l và n (trong dự án gọi là nói ngọng) tại 13 huyện ngoại thành Hà Nội, kết quả cho thấy có 22,27% trong số 203.832 học sinh và 11,80% trong số 10.875 giáo viên nói và viết sai chữ l, n. Dĩ nhiên trước kia các huyện này không thuộc thành phố Hà Nội.
Nhưng dân ở các tỉnh quanh Hà Nội gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… thường nói nhịu l, n (ngày nay họ vẫn nói nhịu) di cư đến vùng lõi Hà Nội từ thế kỷ 17 cho đến nửa đầu thế kỷ 20 mở xưởng sản xuất và buôn bán sao họ cũng không nói nhịu? Sở dĩ họ không nói nhịu vì đã bị “Thăng Long hóa”.
Thăng Long và từ đời vua Minh Mạng gọi Hà Nội là nơi tập trung các tầng lớp tinh hoa của xã hội, vì thế tính sĩ diện, lòng tự trọng rất cao, nói nhịu sẽ bị người nói chuyện với mình thầm chê cười nên ai mắc chứng này đều quyết sửa chữa. Điều đó đã tác động đến người di cư và họ đã ý thức phải sửa. Lòng tự trọng của người dân vùng ven cũng rất cao, song do mối quan hệ chỉ quẩn quanh trong làng xã nên họ cũng không cần sửa vì người ta cũng giống mình!
Tuy nhiên, cũng có cách lý giải khác. Từ cuối thế kỷ 19, chính quyền Pháp đã mở các trường tiểu học Pháp – Việt đầu tiên ở Hà Nội và các trường tập trung chủ yếu ở khu vực 36 phố phường. Học tiếng Pháp mà nói nhịu sẽ bị các thầy giáo người Pháp bắt nói lại, vì thế trẻ đi học không còn nói nhịu. Chính những đứa trẻ này về nhà đã bắt lỗi khi nghe người lớn nói nhịu, lại thêm tính sĩ diện, lòng tự trọng như đã nói ở trên nên dần dần khu vực 36 phố phường không còn người nói nhịu.
Dĩ độc trị độc
Thực ra không phải bây giờ người ta mới nghĩ đến chuyện sửa nói nhịu l, n. Trong thập niên 60, 70 thế kỷ 20, nhà nghiên cứu văn hoá Hà Nội Giang Quân đã sửa nói nhịu cho nhiều phát thanh viên các đài truyền thanh ngoại thành bằng cách khi viết tin cho họ đọc, ông “viết nhịu”, ví dụ như nói năng ông viết thành lói lăng và chắc chắn phát thanh viên sẽ đọc thành nói năng. Trong những năm qua ngành giáo dục Hà Nội đã triển khai dự án chữa nói nhịu. Tuy nhiên, để chữa bệnh này thì rất cần thiết phải kéo dài dự án nhiều năm và triển khai liên tục mới mong Hà Nội không thành Hà “lội”.

 

Nguyễn Ngọc Tiến