11/01/2025

Nghi vấn tranh Việt giả đấu giá tại nước ngoài

Liên tiếp xuất hiện nghi vấn tranh Việt giả tại các phiên đấu giá tranh lớn ở nước ngoài khiến giới mỹ thuật trong nước lo lắng sẽ tác động xấu đến thị trường tranh VN.

 

Nghi vấn tranh Việt giả đấu giá tại nước ngoài.

Liên tiếp xuất hiện nghi vấn tranh Việt giả tại các phiên đấu giá tranh lớn ở nước ngoài khiến giới mỹ thuật trong nước lo lắng sẽ tác động xấu đến thị trường tranh VN.




Bức sơn mài 'Phong cảnh' được cho là của Nguyễn Gia Trí (trên) có nhiều chi tiết giống bức sơn mài 'Cảnh chùa Thầy' của Hoàng Tích Chù vẽ năm 1944 /// Ảnh chụp màn hình, Tư liệu

Bức sơn mài ‘Phong cảnh’ được cho là của Nguyễn Gia Trí (trên) có nhiều chi tiết giống bức sơn mài ‘Cảnh chùa Thầy’ của Hoàng Tích Chù vẽ năm 1944ẢNH CHỤP MÀN HÌNH, TƯ LIỆU.

Cả 3 bức tranh đang bị nghi vấn tranh giả của các danh hoạ VN vừa bán đấu giá thành công với giá cao tại phiên đấu giá Các tác phẩm nghệ thuật đương đại (Modern and Contemporary Art) tại Sotheby’s vào lúc 17 giờ ngày 30.9 ở Hồng Kông.
Đó là bức Gia đình (Lê Phổ, mực và gouache trên lụa bồi, khoảng 1938 – 1940) được bán với giá 534.288 USD. Bức sơn mài Gia đình nai ở bìa rừng (Phạm Hậu) bán giá 191.730 USD. Tác phẩm Phong cảnh (Nguyễn Gia Trí, 1940) bán 380.904 USD – lập kỷ lục tác phẩm bán đấu giá cao nhất của Nguyễn Gia Trí trên thị trường quốc tế.
Gần 100% là tranh giả ?
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long khẳng định bức Gia đình vẽ người đàn bà có hai bàn tay trái được cho là của Lê Phổ vẽ năm 1938 – 1940 “là giả 100%”. Theo ông phân tích, bức tranh đã vẽ sai hình hoạ, yếu kém về màu so với các tranh lụa của Lê Phổ nói chung.
Đồng quan điểm trên, hoạ sĩ Phạm An Hải (có thâm niên nhiều năm được Sotheby’s tuyển tranh đưa đi đấu giá tại Hồng Kông) thẳng thắn nói: “Sự việc này thực sự đáng lo ngại. Nguồn gốc bức tranh không được kiểm chứng. Chuyên viên thẩm định của họ tuy có nghề nhưng không thể làm xuể được. Cụ thể với bức tranh này, hình họa quá yếu, không thể là tranh của cụ Lê Phổ được”.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu Phạm Long cũng khẳng định bức sơn mài Phong cảnh ghi là “có chữ ký và vẽ năm 1940”, được cho là của “Nguyễn Gia Trí” cũng là giả với xác suất 90%, do có nhiều mức độ trùng lặp các chi tiết trong bức sơn mài Cảnh chùa Thầy của danh họa Hoàng Tích Chù vẽ năm 1944, hiện trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật VN.
“Nếu quan sát các khóm cây chuối, cây đại trong hai bức này, có thể dễ dàng nhận thấy chúng giống nhau tới 90%, từ chi tiết thân cây, lá cây, thậm chí cả mấy vết rách của các tàu lá chuối, cho đến bố cục tranh… Từ đó có thể đoán ra rằng cả hai bức này, ít nhất là toàn bộ các cây cối, đều được chép từ cùng một phác thảo hay từ một tấm giấy can”, ông Phạm Long nói.
Đồng thời ông Long cũng đánh giá bức Gia đình nai ở bìa rừng được cho là của “Phạm Hậu” và ghi là “có chữ ký và dấu triện của họa sĩ”, nhưng không ghi năm sáng tác, cũng là giả. Ông đưa ra kết luận trên sau khi quan sát kỹ và so sánh các bức tranh của Phạm Hậu đã từng được Sotheby’s Hồng Kông bán trước đây vào năm 2008, 2010, phát hiện thấy mức độ “tự trùng lặp, tự nhân bản” về chi tiết cây cối và nhóm các chú nai.
Nghi vấn tranh Việt giả đấu giá tại nước ngoài - ảnh 1

Chi tiết cây cối và nhóm các chú nai trong tranh Phạm Hậu luôn giống nhau, nên bị nghi ngờ là giảẢNH: TƯ LIỆU

Không còn là tiền lệ
Nhà nghiên cứu Phạm Long cho rằng sở dĩ những bức tranh đầy nghi vấn trên vẫn được tung ra đấu giá vì cơn khát tranh Đông Dương và nhu cầu muốn đầu tư kiếm lời nhanh của các nhà sưu tập VN (và có thể cả trong khu vực) sau khi tranh Lê Phổ vượt ngưỡng 1 triệu USD hồi tháng 4.2017. “Dù xác suất gặp tranh giả lớn, nhưng những người mua vẫn có đầu ra và không bị kiện tụng, nên các nhà đầu tư vẫn lao vào phân khúc “tranh Đông Dương”; còn những người chơi tranh và yêu nghệ thuật thực sự, mua tranh không để buôn bán kiếm lời, sẽ là nạn nhân chính”, ông Long nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trực tiếp với Sotheby’s, họa sĩ Phạm An Hải xác nhận cách làm việc của các nhà đấu giá như Sotheby’s thường rất chuyên nghiệp, nhưng các chuyên gia thẩm định hiện nay của họ trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, và họ chỉ đặc biệt chú trọng thẩm định thật – giả đối với các bức tranh có trị giá từ vài triệu USD trở lên, ít quan tâm nhiều đến các tranh có trị giá thấp hơn.
Ngày 28.5.2017, Christie’s Hồng Kông đã bán đấu giá thành công bức sơn dầu Mơ về một ngày mai (Tô Ngọc Vân) với giá 350.000 USD, cùng bài giới thiệu của “chuyên gia” Hubert. Tuy nhiên bức tranh này đã bị nhiều họa sĩ tố là tranh chép của tác phẩm Trẻ ăn mày (The Young Beggar) của hoạ sĩ Tây Ban Nha thế kỷ 17 Bartolome Esteban Murillo.
Tác động xấu với thị trường
Hoạ sĩ Phạm An Hải bày tỏ lo ngại về việc tranh Việt giả đấu giá tại nước ngoài, nếu bị phát hiện là giả sẽ gây tác động xấu đến các nhà sưu tập và đầu tư, gây tâm lý lo ngại tranh thật – giả và không dám mạnh dạn đầu tư tiếp vào tranh Việt. “Thậm chí điều này sẽ kéo tụt giá tranh của VN xuống trong những kỳ tiếp theo”, hoạ sĩ nói. Tuy vậy để hạn chế được vấn đề trên, họa sĩ cũng thừa nhận quá khó vì không có biện pháp, nguồn tranh nhiều khi từ những người sưu tập nước ngoài nhỏ lẻ đem ra bán lại mà chính họ cũng không biết là giả.


 

Lucy Nguyễn