11/01/2025

Buổi chiều vào chật khoang xe…

“Mười hai giờ tan sở / Thiên hạ đi tở mở / Đến trạm buýt chờ xe / Ôi thôi đông quá cỡ / Từ xa tới rầm rầm / Ôtô buýt đâm sầm / Lách vô lề kịt kịt / Khách lên xuống ầm ầm / …Ôtô buýt! Ôtô buýt! Xịt, xịt, xịt… / Chạy như hít chạy như hít…”.

 

Buổi chiều vào chật khoang xe…

 

“Mười hai giờ tan sở / Thiên hạ đi tở mở / Đến trạm buýt chờ xe / Ôi thôi đông quá cỡ / Từ xa tới rầm rầm / Ôtô buýt đâm sầm / Lách vô lề kịt kịt / Khách lên xuống ầm ầm / …Ôtô buýt! Ôtô buýt! Xịt, xịt, xịt… / Chạy như hít chạy như hít…”.

 

Đó là bài thơ trào phúng trên báo Phổ Thông của nhà văn Nguyễn Vỹ cho thấy đi xe buýt của Sài Gòn ngày xưa từng là nỗi thảm sầu.

Mới đây, theo lời chỉ dẫn của một bác đi chung chuyến xe từ Tây Ninh về bến xe An Sương (TP.HCM), tôi tìm chuyến xe buýt số 4 có đi ngang đường Hoàng Văn Thụ. 

Lượt đi vì không biết có tuyến đường xe buýt này nên tôi đã đi taxi tốn gần 200.000 đồng. Lượt về với xe buýt, chừng nửa giờ sau tôi đã đến nơi và chỉ tốn có 6.000 đồng. 

Lượt đi mất tiền… ngu vì thiếu thông tin và nhất là nghi ngờ chất lượng xe buýt.

Ngồi trên xe buýt có máy lạnh, ghế êm tôi bỗng dưng nhớ lại những quãng đời đi xe buýt của mình từ khi còn là cậu bé đến khi phải đi xe buýt đến trường. 

Hồi bé đi xe buýt vì là sự tò mò của trẻ thơ. Lớn lên đi xe buýt là vì phải tiết kiệm chi phí.

“Buổi chiều vào chật khoang xe”

Xe buýt được trao về tay người Việt theo nghị định ngày 16-12-1957. Trước đây, xe buýt thuộc công ty của người Pháp Companie Francaise des Tramways d’Indochine – CFTI. 

Theo sau nghị định, chính phủ mua lại tất cả xe và cơ sở của Hãng CFTI để khai thác. 

Từ đó Công quản chuyên chở ra đời gầy dựng trên sự thất bại của Công ty CFTI với 104 chiếc xe cũ kỹ: xe buýt xanh.

Theo tuần báo TGTD lúc đó mới có 75 chiếc xe buýt chạy trên chín ngã đường từ Sài Gòn đi Chợ Lớn, Bình Tây, Phú Nhuận, Gia Định, Gò Vấp… với tổng cộng chiều dài là 53 cây số. 

Nơi xe buýt xuất bến mỗi sáng là công trường Diên Hồng. Gọi là xe buýt xanh để phân biệt với xe buýt vàng chạy từ Vườn Ông Thượng (công viên Tao Đàn) xuống vùng Tân Sơn Nhất. 

Được biết, chủ xe buýt lộ trình này là một người Việt và xe được sơn màu vàng để phân biệt với xe buýt màu trắng chạy đường dài Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định của công ty Tây.

Đi xe buýt thời nào cũng nhọc. Người ta đã định nghĩa vui về xe buýt là loại xe đưa ta đến nơi mà ta không muốn đến. 

Định nghĩa này không phải là không có sự đúng của nó nhưng còn thiếu cái khoản là sự chen chúc. Hãy đọc một đoạn viết ngắn trong một bài tùy bút về xe buýt: 

Cảnh chen chúc trên xe buýt đã cho dân đi buýt một kinh nghiệm quý báu: muốn có chỗ ngồi phải nhanh mắt và lanh lẹn. Nếu ta chẳng may có ai phải đứng trên xe buýt, người ấy mắt luôn luôn phải trông chừng những chỗ ngồi gần nơi mình đứng, và phải sà ngay người vào chỗ người khách vừa mới đứng dậy…

” Nguyễn Tân Gia, báo Thời Nay, 1959

Biết là phải chen chúc, là chật chội nhưng vì giá rẻ nên xe buýt vẫn là sự lựa chọn cho một cơ số người lao động, công tư chức.

Sau một thời gian, Công quản xe buýt đã khai thác được 13 tuyến đường với 154 xe trên tổng các tuyến đường là 88 cây số. 

Trên 13 ngã đường này có đặt 230 trạm xe buýt để hành khách lên xuống. Trong những hành khách này có một nhà thơ là Thanh Tâm Tuyền đã cảm khái: 

“Buổi chiều vào chật khoang xe / Đèn thắp lên / Tiếng máy nổ bỗng thành tiếng cười dài / Mưa xuống bên ngoài, ngoài cửa sổ / Những bàn tay níu lấy vòng sắt lạnh…” (Một chỗ trên xe buýt).

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, hiện nay có tổng cộng 141 tuyến xe buýt phủ kín hầu hết các tuyến đường TP và các tuyến đường giáp ranh với các tỉnh khác. Hằng ngày, hệ thống xe buýt chuyên chở khoảng 600.000 người trên hơn 17.000 chuyến xe buýt.

Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiến hành mở mới một số tuyến xe buýt, tăng số lượng xe, đồng thời đổi mới xe buýt.

THU DUNG

 

 





 

Xe buýt từ năm 1963 – 1975

Ngày ấy, Nhà nước không tài trợ mà là bao thầu toàn bộ chi phí cho xe buýt, nhưng xe buýt ngày càng lỗ lã nên năm 1963 có 200 xe buýt chạy trên 17 tuyến đường thì đến năm 1968 chỉ còn dưới 100 xe buýt chạy ở sáu lộ trình. Hơn 15% xe buýt thường thường phải nằm ở cơ xưởng để bảo trì và sửa chữa.

Từ thời điểm năm 1966, sau khi Bộ Kinh tế cho phép thí điểm tư hữu hóa xe lam, taxi, lượng xe chuyên chở công cộng này cùng các phương tiện xe xích lô đạp, xích lô máy phát triển càng mạnh, lấn áp hệ thống xe buýt mặc dù lượt hành khách đi xe buýt đạt đến con số gần 69 triệu vé/năm. 

Ðến năm 1968 toàn Sài Gòn có trên 3.000 xe lam, 6.000 xích lô đạp, 2.400 xích lô máy và 7.400 taxi. 

Số lượng xe công cộng do tư nhân hoạt động chiếm lĩnh đến 40% nhu cầu đi lại của hành khách trong nội ô và ngoại ô Sài Gòn. Công quản xe buýt hoạt động tiếp tục thua lỗ.

Rồi cái gì đến cũng phải đến. Ngày 24-12-1968, Thủ tướng Trần Văn Hương ký sắc lệnh quyết định giải tán Công quản xe buýt Sài Gòn và việc chuyên chở công cộng bằng xe buýt sẽ đem đấu thầu để tư nhân khai thác. 

Nhưng cũng không cầm cự được bao lâu. Đến năm 1971, xe buýt Sài Gòn phải ngưng hoạt động.

Từ đầu năm 1969 đến năm 1971, đường phố trống xe buýt. Đến năm 1972 xe buýt tái hoạt động do Tổng công đoàn tự do và nghiệp đoàn công nhân xích lô máy, xe lam Sài Gòn – Gia Định phụ trách và kéo dài cho đến 30-4-1975. 

Sự tồn tại của xe buýt cũng giống như hôm nay là sự chen vai thích cánh của loại xe này với các loại xe ba bánh và hai bánh trên khắp các nẻo đường Sài Gòn.

Võ Hoàng Minh trên tờ tuần san Phòng Thương Mại Sài Gòn năm 1972 đã viết: 

“Chỉ còn mỗi cách khiến người sử dụng tự động dẹp bỏ các phương tiện chậm chạp của họ là chính quyền cung cấp cho họ đầy đủ các phương tiện công cộng chuyên chở trong đô thành”.

Những vấn nạn giữa xe buýt và xe máy từ trước đến nay vẫn không thay đổi. 

Tuy nhiên, chúng ta có quyền hi vọng rằng xe buýt hiện đại thời nay: giá rẻ, máy lạnh, ghế êm, có những tuyến đường hành khách không phải chen chúc và thái độ phục vụ lịch sự sẽ thu hút được nhiều người “nào ta cùng buýt”.

Tất nhiên, chờ đợi một ngày sạch bóng xe máy thì còn mơ về ngày xa lắm, nhưng cải thiện và nâng cấp xe buýt về mọi mặt để người dân chọn xe buýt thay cho những phương tiện di chuyển khác thì vẫn là một khả năng…

LÊ VĂN NGHĨA