‘Cục phó mất 385 triệu’ thiếu điều kiện vẫn được bổ nhiệm
Theo phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Môi trường), dù chưa đủ điều kiện nhưng ông Nguyễn Xuân Quang vẫn được bổ nhiệm bởi đây là trường hợp đặc biệt.
‘Cục phó mất 385 triệu’ thiếu điều kiện vẫn được bổ nhiệm.
Theo phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Môi trường), dù chưa đủ điều kiện nhưng ông Nguyễn Xuân Quang vẫn được bổ nhiệm bởi đây là trường hợp đặc biệt.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết ông Nguyễn Xuân Quang – phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường), người mất 385 triệu đồng tại một khách sạn ở Long An – được bổ nhiệm khi chưa có chứng chỉ trung cấp lý luận chính trị.
Theo tìm hiểu, từ năm 2013 Bộ TN-MT đã có quy định tiêu chuẩn đối với chức danh cấp phó cục trưởng trực thuộc tổng cục phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.
Bổ nhiệm vì trường hợp đặc biệt
Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 4-2016, khi tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Quang làm phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, ông Quang chưa có trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Đến thời điểm này, ông Quang vẫn chưa đi học và chưa có chứng chỉ này.
Trả lời câu hỏi vì sao ông Quang chưa đủ điều kiện nhưng vẫn được bổ nhiệm, bà Nguyễn Tân Huyền – phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Môi trường) – cho biết: “Tổng cục đã có văn bản đề nghị cử ông Quang đi học nhưng do chỉ tiêu hằng năm rất ít nên ông Quang chưa đi học”.
Theo bà Huyền, dù chưa đủ điều kiện nhưng ông Quang vẫn được bổ nhiệm bởi đây là trường hợp đặc biệt.
“Trong quy định của bộ ghi rõ: trường hợp đặc biệt khi công chức, viên chức chưa đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định thì người đứng đầu đơn vị tổ chức xem xét từng trường hợp cụ thể để quyết định bổ nhiệm” – bà Huyền lý giải.
Liên quan đến thông tin rằng ông Quang được bổ nhiệm khi chưa được xếp ngạch chuyên viên chính, bà Huyền cho rằng tuy chưa phải là chuyên viên chính nhưng ông Quang đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng về quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính.
Tuy nhiên, bà Huyền cũng thừa nhận muốn được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính thì phải thi qua kỳ thi do Bộ Nội vụ tổ chức. Được biết, phải sáu tháng sau khi bổ nhiệm (tức tháng 10-2016), ông Quang mới tham gia kỳ thi của Bộ Nội vụ.
Để làm rõ hơn những thông tin liên quan đến việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Quang, chiều tối 29-9 Tuổi Trẻ đã nhiều lần liên lạc với ông Nguyễn Văn Tài, người ký quyết định bổ nhiệm nhưng ông Tài không nghe điện thoại, không hồi âm tin nhắn.
Vụ việc đang điều tra
Chiều 29-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Phan Chí Thanh – giám đốc Công an tỉnh Long An – cho biết hiện vụ cục phó mất tiền ở khách sạn vẫn đang trong quá trình điều tra và sẽ được công an thông tin ngay khi có kết quả.
Đại tá Phạm Hữu Châu – phó giám đốc Công an tỉnh Long An – cho biết: “Vụ việc đang được giải quyết theo hướng đơn tố giác tội phạm, trong quá trình điều tra nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố theo quy định”.
Theo ông Nguyễn Tân Thuấn – phó giám đốc Sở TN-MT Long An, qua biên bản kiểm tra được lập tại bốn doanh nghiệp ở Đức Hoà cho thấy một số doanh nghiệp có vi phạm về chứng từ, quy trình xử lý thải.
Tuy nhiên, “đây là biên bản sơ bộ, chưa có kết luận nên chưa thể cung cấp cho báo chí. Riêng danh sách doanh nghiệp thanh tra sẽ do phía cục chọn chứ địa phương không can thiệp” – ông Thuấn nói.
Chỉ là “phong bì cơm nước”!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số doanh nghiệp tại Long An thừa nhận có đưa “phong bì cơm nước” khi đoàn về thanh tra.
Bà Trần Kim Nguyệt – giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ môi trường Nguyệt Minh 2 (Đức Hoà, Long An) – cho biết doanh nghiệp bà chuyên về lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải, nên hằng năm đều phải tiếp đón các đoàn kiểm tra môi trường.
Lần này, Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường vào kiểm tra cũng chỉ chủ yếu là xem xét các chứng từ, thủ tục, quá trình xử lý chất thải…
Trả lời câu hỏi việc “Công ty Nguyệt Minh 2 có đưa phong bì cho đoàn sau khi kết thúc việc kiểm tra?”, bà Nguyệt thẳng thắn: “Chúng tôi làm đúng nên chẳng có lý do gì phải hối lộ ai cả.
Tuy vậy, cũng phải nói là bất cứ đoàn nào đến làm việc với công ty, chúng tôi cũng hay có những phong bì nhỏ gọi là tiền cơm nước. Thay vì tiếp đãi một bữa cơm thân mật, chúng tôi gửi phong bì thay đoàn trả tiền cơm thôi”.
Trong khi đó, anh T. – lãnh đạo một doanh nghiệp khai thác khu công nghiệp trên địa bàn Long An, một trong những công ty nằm trong danh sách thanh tra đợt này, cho biết cứ mỗi lần có thanh tra bộ, cục về thì hồi hộp nhất là “thời điểm dự thảo thanh tra”.
Doanh nghiệp tại Cà Mau cầu cứu
Nhiều doanh nghiệp thủy sản tại Cà Mau cũng đã rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi bị đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Xuân Quang làm trưởng đoàn đến kiểm tra vào năm 2014.
Ông Lý Văn Thuận, nguyên tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau (CASEP), xác nhận vào giữa năm 2014, một số doanh nghiệp thuỷ sản trên địa bàn phản ảnh đã bị một cán bộ trong đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT hù doạ “phạt tiền tỉ” khi kiểm tra các doanh nghiệp.
Vụ việc khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang, phải cầu cứu đến lãnh đạo tỉnh Cà Mau và địa phương này đã có văn bản đến Bộ TN-MT.
“Sau đó, Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau và CASEP. Và sau lần phản ứng đó, hàng loạt doanh nghiệp chế biến thuỷ sản của Cà Mau bị Bộ TN-MT xử phạt, riêng vụ việc kia thì chìm xuồng” – ông Thuận nói.