28/11/2024

Lùi thời gian thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông

Theo thông tin từ Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, lãnh đạo Bộ GD-ĐT dự kiến đề xuất lùi thời gian thực hiện chương trình – sách giáo khoa mới một năm.

 

Lùi thời gian thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.

Theo thông tin từ Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, lãnh đạo Bộ GD-ĐT dự kiến đề xuất lùi thời gian thực hiện chương trình – sách giáo khoa mới một năm.


 

 

Chương trình – sách giáo khoa mới sẽ lùi đến năm học 2019 – 2020 và chỉ thực hiện với lớp 1ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo đó, chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) mới sẽ được thực hiện từ năm học 2019 – 2020 thay vì năm học 2018 – 2019 như Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về Đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, cũng có đề xuất thay đổi phương thức thực hiện. Thay vì thực hiện đồng loạt cả 3 lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) thì sẽ chỉ thực hiện từ lớp 1 trong năm đầu tiên đổi mới.
Có đảm bảo thời gian chuẩn bị và chất lượng ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng (gọi tắt Uỷ ban) của Quốc hội, cho hay sau khi nghe báo cáo của Bộ GD-ĐT, quan điểm của Uỷ  ban là mặc dù nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ về phương thức thực hiện, thời điểm triển khai, tuy nhiên đây là một công việc rất lớn, liên quan đến cả bậc học phổ thông, cả xã hội nên nguyên tắc là phải đảm bảo chất lượng, chuẩn bị kỹ lưỡng để khi triển khai thì phải đảm bảo thành công. Do vậy, Uỷ ban thống nhất với đề nghị của Bộ, nhưng yêu cầu Bộ làm rõ cơ sở của việc lùi một năm và thay đổi phương thức triển khai chỉ thực hiện với lớp 1 từ năm học đầu tiên thay vì cả 3 lớp đầu cấp.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban, cũng nhấn mạnh: “Quan điểm của Uỷ ban là cùng với Bộ làm sao có được một chương trình phổ thông tốt nhất chứ không gấp gáp. Một lần làm là một lần khó nên phải làm thế nào để tốt nhất cho học sinh. Cần tránh thay đổi nhiều trong GD-ĐT để gây ra những biến động trong xã hội, mặc dù những điều chúng ta làm vừa qua không phải là quá dở”.
Trước đó, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, cho Thanh Niên biết theo dự kiến của Ban soạn thảo chương trình thì tháng 10 tới sẽ đưa tất cả chương trình bộ môn lên Cổng thông tin của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến người dân.
Điều kiện thực hiện còn thiếu nhiều
Ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại liệu 1 năm có đủ để “lấp đầy” những khoảng trống về cơ chế chính sách, đội ngũ, cơ sở vật chất… như hiện nay hay không.
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế, nhận định: “Căn cứ theo dự thảo quy định điều kiện để thực hiện chương trình mới thì các trường đáp ứng các điều kiện tại thời điểm triển khai đại trà 2019 – 2020 là không nhiều”.
Ông Hùng chỉ ra một loạt vấn đề còn thiếu và chưa đồng bộ, như năng lực nghề nghiệp của một bộ phận đội ngũ còn yếu, thiếu động lực đổi mới, sáng tạo và tự học, tự bồi dưỡng…
Cũng theo ông Hùng, bất cập nữa hiện nay là biên chế giáo viên được cấp gần như cố định theo quy mô lớp học sinh, trong lúc đó học sinh đăng ký học tự chọn là một biến số. Tỷ lệ trường học 2 buổi/ngày, trường đạt chuẩn quốc gia thấp; phòng học, phòng thực hành – thí nghiệm, phòng bộ môn, nhà đa chức năng, sân chơi, bãi tập còn thiếu nhiều; thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu chưa đảm bảo.
Xung quanh thay đổi lớn nhất là việc dạy học tự chọn ở THPT, ông Hùng nêu thực tế: “Phòng học hiện nay nhiều nơi đang thiếu, triển khai dạy học tự chọn sẽ dẫn đến tăng sức ép về thiếu phòng học”.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới do Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 8 vừa qua, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh chỉ ra một thực tế đáng lo ngại hiện nay là vấn đề sĩ số học sinh/lớp.
Theo bà Thanh, lâu nay một trong những nguyên nhân giáo viên hạn chế đổi mới phương pháp dạy học vì sĩ số học sinh quá đông. Bà Thanh đề nghị: “Bộ nên quy định chuẩn tối thiểu về sĩ số học sinh/lớp để Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính căn cứ vào đó phân bổ định biên, tài chính cho giáo dục phù hợp hơn. Bộ cần có nghiên cứu để đưa ra lộ trình về sĩ số học sinh dần ngang bằng với các nước trong khu vực”.
Ý kiến
Mọi việc còn rất mơ hồ
Bộ lùi lại thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là đúng vì khung CT-SGK mới chưa thấy “ló dạng” và công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất đến giáo viên chưa thấy khởi động. Bên cạnh đó, giáo viên chưa biết đổi mới thực tế như thế nào. Là người trực tiếp giảng dạy mà chúng tôi toàn tiếp cận thông tin qua báo chí chứ không có bất kỳ một văn bản chính thức nào nên mọi việc còn rất mơ hồ. Việc dời thời điểm sau một năm sẽ giúp Bộ có thời gian chuẩn bị mọi việc cho thật “chín muồi” và hơn hết cần có thông tin chính thống đến giáo viên.
Trần Văn Toàn 
(Giáo viên Trường THPT Marie Curie, TP.HCM)
Cần thời gian chuẩn bị
Thay đổi thời gian thực hiện chương trình mới là quyết định đúng, bởi tôi nghĩ Bộ vẫn cần thời gian để chuẩn bị. Chẳng hạn công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để giảng dạy chương trình mới cần được tiến hành. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý trường học cũng cần được tập huấn và nâng cao năng lực điều hành thực hiện chương trình mới.
Lê Văn Phước 
(Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM)
Lùi một năm không là vấn đề
Vấn đề quan trọng nhất không phải là thời gian áp dụng mà là Bộ đã chuẩn bị các nguồn lực cho sự thay đổi ấy như thế nào. Trong đó giáo viên vẫn là mấu chốt. Các trường sư phạm đã có kế hoạch đào tạo giáo viên và kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên các trường phổ thông để đáp ứng như thế nào? Muốn triển khai chương trình mới thì ít nhất giáo viên phải được tiếp cận với sách giáo khoa mới trước khoảng một năm. Thời gian vừa rồi nói rất nhiều về sách giáo khoa nhưng giáo viên vẫn chưa thể định hình nội dung thực sự.
Huỳnh Thanh Phú 
(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)
B.Thanh – L.Ngọc
(ghi)


 

Tuệ Nguyễn