Kiểm tra căng tin trong trường học, cán bộ Sở nói ‘không muốn ăn’
Trước thực trạng một số đồ ăn tại đây do vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, cán bộ Sở đề nghị các phòng GD-ĐT phải tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của căng tin ở các trường.
Kiểm tra căng tin trong trường học, cán bộ Sở nói ‘không muốn ăn’.
Theo tin tức mới nhất trên Tuổi trẻ, vừa qua, tại hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học do Sở GD-ĐT TP.HCM và Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức vào ngày 27/9, ông Nguyễn Văn Gia Thụy – Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT thành phố cho biết, năm nay, Sở sẽ siết lại hoạt động của căng tin trong trường học.
Theo chia sẻ của ông Thụy khi đi kiểm tra các căng tin trong trường học, bản thân ông không muốn ăn một số đồ ăn tại đây do vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo. Do vậy, kiến nghị các phòng GD-ĐT phải tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của căng tin ở các trường.
Còn PGS. Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố cho biết, còn nhiều căng tin trong trường học ở thành phố chưa được cấp giấy phép hoạt động hoặc chưa ký cam kết. Vì vậy, cần huyến khích các trường học nên sử dụng chuỗi thực phẩm an toàn từ thành phố, hoặc thực phẩm đạt những chuẩn khác cho căngtin.
Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT thành phố sẽ chọn hai quận 3 và 5 để thí điểm thực hiện an toàn bữa ăn trong trường học.
Năm nay, Sở GD-ĐT TP. HCM sẽ siết lại hoạt động của căng tin trong trường học. Ảnh minh hoạ
Liên quan tới vấn đề trên, vừa qua, báo Công an TP. HCM phản ánh, một số bếp ăn, căng tin trong trường học còn sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Tình hình ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học trên địa bàn TP.HCM vẫn còn xảy ra. Cụ thể, năm 2014 xảy ra 1 vụ làm 97 học sinh mắc, năm 2015 có 1 vụ làm 65 học sinh mắc, năm 2016 xảy ra 2 vụ làm 127 học sinh mắc. Đến tháng 9-2017, cũng đã xảy ra 1 vụ làm 16 học sinh mắc.
Theo ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm – Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, hơn 60% các vụ ngộ độc xảy ra trong trường học qua phân tích kiểm nghiệm là do thức ăn nhiễm vi sinh vật, 25% là do thực phẩm bị biến chất, gần 4% là do có hoá chất tồn dư trong thực phẩm và hơn 10% là do các tác nhân khác.
Nguyên nhân để xảy ra ngộ độc thực phẩm là do nhân viên chưa nắm vững kiến thức về an toàn thực phẩm (về bảo quản, chế biến thực phẩm chưa hợp vệ sinh,…); các bếp ăn, cơ sở chế biến suất ăn sẵn chưa có sự giám sát thường xuyên; thời gian thực phẩm từ lúc chế biến đến khi sử dụng còn dài (sau 2 giờ) mà không có thiết bị bảo quản, hâm nóng;…
“Đáng lưu ý là tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh, hóa chất không được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chất kích thích tăng trưởng trong một số sản phẩm nông nghiệp cũng góp phần làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, một số bếp ăn, căng tin trong trường học còn sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa có sự giám sát chặt chẽ chất lượng thực phẩm trước khi đưa vào sử dụng”, ông Nguyễn Đại Ngọc nhận định.
Như báo Nhà báo & Công luận đã từng đề cập, bên cạnh một số căng tin trường học đang được doanh nghiệp đầu tư làm ăn chân chính với uy tín lâu năm, không những phát huy tốt vai trò của mình trong môi trường giáo dục, mà còn hỗ trợ tích cực trong việc giáo dục ý thức tự lập, các kỹ năng sống cho học sinh qua giao tiếp, hành xử chuẩn mực…, vẫn còn không ít trường xem việc thu từ căng tin là nguồn lợi kinh tế để mang ra “đong đếm” làm sao thu lợi nhiều nhất mà ít nghĩ đến sự cần thiết phải có môi trường ổn định, an toàn, đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu.
Sau một thời gian dài “đau đầu” trong việc tìm giải pháp quản lý hiệu quả căng tin ở các trường học, Trưởng phòng GD&ĐT của một quận trên địa bàn thành phố đã nghiệm ra rằng, làm giáo dục chỉ nên chuyên tâm vào công tác giáo dục. Bởi lẽ, kinh doanh căng tin trường học hiện nay, ngoài các quy định tối thiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, thì chất lượng và giá cả cũng là 2 vấn đề quan trọng không thể đảm bảo bằng văn bản cam kết, mà phải đảm bảo bằng thực tế thời gian mà doanh nghiệp thực hiện trước phụ huynh học sinh và yêu cầu của xã hội hiện nay.
(Tổng hợp)
Đậu Đậu