10/01/2025

Trầm cảm sau sinh

Nghiên cứu mới nhất cho thấy, cứ 4 phụ nữ mang thai ở VN thì có một người có thể bị trầm cảm và rối loạn tâm thần trong vòng một năm sau sinh.

 

Trầm cảm sau sinh

Nghiên cứu mới nhất cho thấy, cứ 4 phụ nữ mang thai ở VN thì có một người có thể bị trầm cảm và rối loạn tâm thần trong vòng một năm sau sinh.




Ảnh: Shutterstock

Chưa nhận được chia sẻ từ gia đình
Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 10 – 20% phụ nữ đang mang thai hoặc sau sinh từng trải qua ít nhất một dạng rối loạn tâm thần, trong đó chủ yếu là trầm cảm. Trong những trường hợp nghiêm trọng, trầm cảm sau sinh có thể dẫn đến suy nghĩ và hành động tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho đứa trẻ của mình.
Trầm cảm sau sinh - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Những thực phẩm giúp trái tim bạn trẻ hơn

“Tuổi” của tim được dựa trên các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, béo phì, hút thuốc và tiểu đường. Theo một nghiên cứu gần đây, có thể ngăn ngừa được hơn 50% ca tử vong do nhồi máu cơ tim bằng việc thay đổi chế độ ăn uống.
Bà Trần Thơ Nhị (Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội) cho biết một nghiên cứu gần đây nhất trong năm 2016 – 2017 tại Hà Nội công bố: “Đối với thai phụ sinh non thì nguy cơ trầm cảm cao gấp gần 3 lần so với bình thường. Những ông chồng thích thai nhi là con trai thì nguy cơ người phụ nữ bị trầm cảm cao gấp gần 2 lần so với những trường hợp ông chồng không quan tâm về mặt giới tính”. Ngoài những nguyên nhân về sự thay đổi trong cơ thể sau khi sinh con và yếu tố kinh tế gia đình, thì bạo lực gia đình làm gia tăng tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.
Qua thực tế nghiên cứu về trầm cảm sau sinh, thạc sĩ Phạm Kiều Linh (Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số) cho rằng dịch vụ hỗ trợ phụ nữ mang thai và sau sinh còn khoảng trống trong việc hỗ trợ phòng và điều trị trầm cảm. Trong số phụ nữ tự nhận thấy mình có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, nhiều trường hợp chưa nhận được chia sẻ từ gia đình. “Em thấy mình rất chán nản, trầm uất, không thiết tha chăm sóc bản thân và chăm sóc con. Mất ngủ kéo dài. Em cũng nghĩ mình cần đi khám hoặc gặp ai đó để được biết về tình trạng của mình, nhưng gia đình chồng cho rằng em lười. Một lần đưa con nhỏ đi khám, bác sĩ nhi khoa chính là người nhận ra em bị trầm cảm sau sinh và hướng dẫn em tìm gặp bác sĩ chuyên khoa”, một người mẹ trẻ tâm sự.
Vượt qua e ngại “tâm thần”
“Sau sinh, tôi mất ngủ triền miên và luôn ám ảnh sợ con chết, được người nhà đưa đi khám chuyên khoa thần kinh. Bác sĩ cho uống thuốc một tháng không đỡ, sau đó chuyển tôi đến khám tâm thần, sức khoẻ của tôi được cải thiện. Người bệnh thiếu thông tin, nhưng ngay bác sĩ trong ngành cũng chưa hướng dẫn đầy đủ khi chúng tôi gặp vấn đề”, một bà mẹ 40 tuổi bị trầm cảm sau sinh bày tỏ.
Thạc sĩ Phạm Kiều Linh cho biết trong hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ sức khỏe sinh sản thì trầm cảm trong khi mang thai hoặc sau khi sinh không được nhắc đến. Gần như các sản phụ đều không được theo dõi sức khỏe tâm thần sau sinh. Nhiều người không được can thiệp y tế kịp thời khi căng thẳng, lo âu kéo dài.
Bà Kiều Linh cho rằng các bác sĩ cũng chưa để ý đến các dấu hiệu trầm cảm của phụ nữ sau sinh: “Các cán bộ y tế không thuộc chuyên ngành tâm thần chưa có sự nhạy cảm cần thiết để phát hiện hay nghi ngờ các trường hợp trầm cảm”. Bà Linh dẫn chứng, có trường hợp đau bụng, dạ dày, cứ đi khám, uống thuốc vẫn không hết đau, nội soi dạ dày không phát hiện nguyên nhân. Mãi một năm sau, bệnh nhân đi khám tại nơi khác thì mới phát hiện không có vấn đề gì về dạ dày mà vấn đề đau có nguyên nhân gốc do rối loạn sức khỏe tâm thần, lo âu trong cuộc sống”.
Bác sĩ La Viết Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2, cho hay: “Phần nhiều người bệnh không được phát hiện, không được chữa trị sớm về trầm cảm sau sinh. Có trường hợp người mẹ sau sinh có hành động gây hại cho con thì mới được gia đình đưa đến bác sĩ tâm thần”. Tiến sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cũng cho biết: “Những bệnh nhân trầm cảm, trong đó có phụ nữ mang thai và sau khi sinh con, đến bệnh viện chuyên khoa đều trong tình trạng muộn. Cần bỏ qua tâm lý e ngại khi tìm đến bác sĩ tâm thần để được điều trị đúng, hiệu quả”.


Nên đi khám chuyên khoa tâm thần để được điều trị đúng khi có các biểu hiện liên quan đến trầm cảm sau sinh:
– Buồn chán bi quan kéo dài, thậm chí không quan tâm đến con, lo sợ bị bỏ rơi.
– Kích động, suy nghĩ tiêu cực, tự làm tổn thương bản thân hoặc con.
– Mệt mỏi kéo dài, không muốn vận động.
– Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ li bì, quá nhiều); thay đổi ăn uống (phần đông chán ăn, không quan tâm đến ăn uống, một số chị em lại ăn quá nhiều).


Liên Châu