10/01/2025

Thị trường hoá giáo dục để học sinh không chịu thiệt ?: Lợi bất cập hại!

Theo chuyên gia, cách tiếp cận thị trường trong giáo dục phổ thông là một việc làm ‘lợi bất cập hại’ vì sẽ tạo ra một môi trường mà cả thầy và trò đều đứng trước các xung đột về giá trị.

 

Thị trường hoá giáo dục để học sinh không chịu thiệt ?: Lợi bất cập hại!

 

Theo chuyên gia, cách tiếp cận thị trường trong giáo dục phổ thông là một việc làm ‘lợi bất cập hại’ vì sẽ tạo ra một môi trường mà cả thầy và trò đều đứng trước các xung đột về giá trị.

 

 

 

Nhiều ý kiến cho rằng không thể phủ nhận vai trò của nhà nước trong giáo dụcẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Các phi giá trị sẽ lên ngôi
Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng VN đang có cách tiếp cận riêng về quyền tự chủ trong giáo dục phổ thông, đó là cách tiếp cận theo kiểu đánh đổi giữa quyền tự chủ với việc tự bảo đảm các khoản chi. Theo ông Tiến, về bản chất, đó là một cách tiếp cận mang tính thị trường. Nó khuyến khích và đòi hỏi nhà trường cố gắng tạo ra các khoản thu ngoài ngân sách và dùng các khoản thu này để “mua” lấy quyền tự chủ.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng cách tiếp cận thị trường trong giáo dục phổ thông là một việc làm “lợi bất cập hại”. Nó tạo ra trong nhà trường một môi trường mà cả thầy và trò đều đứng trước các xung đột về giá trị. Đó là các xung đột giữa một bên là các giá trị hướng tới phẩm chất người học mà chương trình giáo dục phổ thông phải thực hiện với một bên là các giá trị thị trường, mà dù muốn hay không nhà trường phải theo đuổi để tạo ra các khoản thu. Kết quả của những xung đột này là sự loang rộng và thậm chí lên ngôi của các phi giá trị như: sự giả dối, bệnh thành tích, bệnh hình thức, bệnh bè phái, bệnh đối phó, thói khôn vặt, thói tuỳ tiện, thói vô cảm, sự lười nhác… Trong một môi trường như vậy, khó mà hình thành thực chất các phẩm chất mong muốn của học sinh.
Thị trường hóa giáo dục để học sinh không chịu thiệt ?: Lợi bất cập hại! - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Thị trường giáo dục để học sinh không chịu thiệt?

Lạm thu đầu năm học là vấn đề nóng hiện nay. Từ đấy, có nhiều ý kiến đặt vấn đề nên chăng có thị trường giáo dục ở bậc phổ thông để phụ huynh, học sinh được đối xử công bằng như “khách hàng” và tiếng nói của họ được lắng nghe.
Do vậy, ông Tiến đề xuất không nên có chuyện tự bảo đảm các khoản chi để được giao quyền tự chủ. Nhà trường vẫn được cấp ngân sách nhà nước đầy đủ và được giao quyền tự chủ khi đã được kiểm định và công nhận về chất lượng, có một hội đồng trường đủ mạnh, và thực hiện trách nhiệm giải trình một cách tin cậy. Đó là cách tiếp cận hướng tới văn hóa chất lượng. Nó sẽ tạo nên trong nhà trường phổ thông một môi trường văn hoá lành mạnh và trung thực để cả thầy và trò cùng vững tâm hướng tới các phẩm chất mà chương trình giáo dục phổ thông mong muốn.
Không thể phủ nhận vai trò của nhà nước
Ông Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục – IRED, trong bài viết Khái niệm thị trường giáo dục và vai trò tác nhân, cũng cho rằng: “Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của nhà nước trong giáo dục. Tại bất kỳ quốc gia nào, thông qua những chính sách về giáo dục của mình, nhà nước đều ít nhiều tác động, lèo lái và ảnh hưởng trên giáo dục, ảnh hưởng trên sự điều tiết, trên hành vi, chiến lược của các tác nhân khác trên thị trường giáo dục”.
Theo ông Khánh Trung, tại các nước phương Tây, nhà nước là bên đầu tư chính cho giáo dục với mục đích là đảm bảo công bằng trong cơ hội, đảm bảo quyền được học hành của người dân. Nhà nước không những là nhà đầu tư chính cho các trường công, mà còn cho các trường tư. Tại Bỉ, nhà nước tài trợ cho các trường tư dựa vào số lượng học sinh, hay dựa vào kết quả học tập của người học.
Khẳng định vai trò đầu tư, điều tiết của nhà nước trong giáo dục ở cả những nước như Bắc Âu, luật sư Chu Hồng Thanh, T.Ư Hội Luật gia VN, cho rằng dịch vụ giáo dục miễn phí phổ cập toàn bộ hệ thống giáo dục ở Bắc Âu đã giúp người học thuộc mọi tầng lớp và mọi hoàn cảnh phát huy tự chủ và khả năng sẵn có của từng cá nhân.
Xã hội hóa không có nghĩa “thảy” hết cho xã hội
Ở một góc nhìn khác của thị trường giáo dục, nhiều ý kiến cũng cho rằng khái niệm “xã hội hóa giáo dục” không nên chỉ gắn liền với việc kêu gọi các thành phần xã hội bỏ vốn kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, mà thực ra đang làm cho giáo dục trở thành một thị trường “bát nháo”, “chụp giật” mà nạn nhân lại là người dân. Đồng thời, xã hội hóa giáo dục không có nghĩa là “thảy” hết cho người dân, người kinh doanh giáo dục khiến cho học sinh học ở trường tư thiệt thòi hơn nhiều so với ở trường công.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch hội đồng Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), thì cho rằng dù học sinh học ở trường công hay tư thì cũng đều phải được ngân sách nhà nước đầu tư công bằng như nhau. Ví dụ, học sinh đến tuổi đi học phổ cập là được phát “voucher” (tương tự như phiếu mua hàng) như nhau, còn lựa chọn trường công hay tư thì sẽ theo nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Các trường tư có trách nhiệm nhận voucher đó và trừ vào học phí mà học sinh của mình phải đóng góp…
ý kiến
Thị trường hóa cần chiến lược và lộ trình chắc chắn
Xã hội tồn tại nhiều nhu cầu khác nhau, có người chỉ cần con học là được, có người muốn con em học trong một môi trường giáo dục hiện đại. Về lý thì cứ giáo dục phổ cập là phải nhà nước bao cấp nên chúng ta nên mạnh dạn suy nghĩ rằng đã đến lúc không thể cào bằng mà nên thị trường hóa. Nếu cứ muốn bao cấp như Phần Lan thì đó là điều không tưởng bởi chúng ta quên rằng GDP bình quân đầu người/năm của đất nước này là trên 50.000 USD. Tuy nhiên, thị trường hóa cần người hoạch định có tầm chiến lược và một lộ trình chắc chắn chứ không sẽ lại thất bại như việc bán công hoá trường học cách đây gần 10 năm.
Cao Huy Thảo (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc)
Phải đi đúng mục tiêu
Giáo dục phổ thông là giáo dục bắt buộc, do vậy không nên thị trường hóa mà nhà nước đầu tư để mọi học sinh đều có quyền bình đẳng như nhau. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên cần thiết xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay của người dân vì học sinh. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy cách triển khai và thực hiện của ban đại diện cha mẹ học sinh đang sai quy trình. Còn nhà trường thì có tình trạng cứ đẩy người có tiền ra làm trưởng ban nên có nhiều khi triển khai hoạt động dựa trên suy nghĩ của người có tiền mà không phù hợp với số đông phụ huynh còn lại. Phải để xã hội hoá đi đúng theo mục tiêu ban đầu.
Trần Phương Bình (Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM)
Bích Thanh (ghi)


 


Tuệ Nguyễn