Các thành viên một hội đồng chấm khoá luận tốt nghiệp ĐH đã từng phát hiện một luận văn sao chép tới 99% nội dung của một sinh viên khoá trước đó, chỉ thay đổi họ tên người hướng dẫn, họ tên mình.
Khoá luận tốt nghiệp sao chép đến 99%
Các thành viên một hội đồng chấm khoá luận tốt nghiệp ĐH đã từng phát hiện một luận văn sao chép tới 99% nội dung của một sinh viên khoá trước đó, chỉ thay đổi họ tên người hướng dẫn, họ tên mình.
Sao chép nhưng quên đổi họ tên !
Chúng tôi phát hiện được là vì luận văn này được chính một thành viên hội đồng hướng dẫn cho một sinh viên của khoá trước
Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM
Hiện nay, theo quy định của đào tạo học chế tín chỉ, sinh viên (SV) sẽ phải làm đồ án, khoá luận tốt nghiệp vào học kỳ cuối cùng của khoá học. Đây là một học phần có khối lượng trên dưới 10 tín chỉ, và thời gian để hoàn thành trong vòng khoảng 3 – 4 tháng.
Quy mô đào tạo ở các trường ngày một phình ra khiến số đồ án tốt nghiệp ngày một tăng, nhưng chất lượng lại không được kiểm soát nên có lắm chuyện bi hài xung quanh vấn đề này.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, kể ông và đồng nghiệp trong hội đồng chấm khoá luận đã từng phát hiện một luận văn sao chép tới 99% nội dung luận văn của một SV khóa trước đó. SV này chỉ thay đổi họ tên người hướng dẫn, họ tên mình và ngày tháng năm trong đó. “Chúng tôi phát hiện được là vì luận văn này được chính một thành viên hội đồng hướng dẫn cho một SV của khoá trước. Chắc chắn còn nhiều khoá luận sao chép mà hội đồng không thể kiểm soát hết được”, tiến sĩ Ngãi cho hay.
Theo tiến sĩ N.P, giảng viên của Trường ĐH Tài chính – Marketing, thậm chí có những khóa luận SV lười đến nỗi đi ăn cắp của người khác mà quên cả việc thay đổi tên của thầy cô hướng dẫn. “Chẳng hạn, một bạn sao chép nguyên xi nội dung luận văn của người khác, ở chỗ tên thầy cô hướng dẫn lẽ ra chỉnh sửa thành tên thầy của mình lại vẫn giữ nguyên tên người hướng dẫn trước. Có em sao chép lung tung, phần lý thuyết lấy của khóa luận này một ít, chép của khóa luận kia một chút, ghép vào thành của mình. Có một nhóm SV thực tập chung một doanh nghiệp, sau khi nộp khoá luận, phần lý thuyết giống nhau 100%”, tiến sĩ N.P chia sẻ.
Nhiều giảng viên đều có nhận định khả năng nghiên cứu khoa học phần lớn SV đều ở mức rất thấp, chỉ có một số ít SV thực sự có khả năng và yêu thích việc này. “Nhiều SV lười nhác, hoặc ngại khó ngại khổ, nên đối phó bằng cách đi sao chép hoặc thậm chí bỏ tiền ra thuê người viết”, D.Q, giảng viên Trường ĐH Sài Gòn nhận định.
Theo các chuyên gia, chất lượng luận văn cao học, luận án tiến sĩ thấp là hệ quả của tình trạng đào tạo mà trong đó cả người học lẫn bên đào tạo không ưu tiên cho mục tiêu phát triển khoa học.
Một giảng viên hướng dẫn vài chục sinh viên
Tuy nhiên cũng có những tình huống bi hài từ phía giảng viên. Do số lượng SV quá đông nên một giảng viên phải hướng dẫn vài chục SV là chuyện thường. Không những thế, giảng viên chuyên môn A nhưng lại hướng dẫn đề tài thuộc chuyên môn B cũng không hiếm. “Thầy đi dạy, đi làm ở công ty, đi giảng bài ở tỉnh… nên cũng không có thời gian hướng dẫn chi tiết. Thường em chỉ liên lạc với thầy qua điện thoại, rồi tự làm đề cương gửi qua email cho thầy sửa. Nhưng hầu như thầy cũng không sửa gì. Sau khi làm xong, gửi nội dung cho thầy duyệt. Thầy chỉ đọc qua loa những mục chính rồi nói “OK”. Nói thật, nếu em có chép của người ta, chắc thầy cũng không biết”, N.T.L, cựu SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết.
Từ thực tế này, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đề nghị hạn chế tối đa việc giao giảng viên thỉnh giảng hướng dẫn khóa luận. Ông Bảo chia sẻ thêm: “Chúng tôi khuyến khích các em làm các công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến thực tế doanh nghiệp nơi các em thực tập để hạn chế tối đa việc sao chép. Chúng tôi yêu cầu trong công trình nghiên cứu, SV phải đưa ra những tình huống cụ thể và phải có xác nhận từ doanh nghiệp”.
Nghiên cứu khoa học để lấy học vị giờ đã trở thành ‘công nghệ’ và công nghệ sản xuất luận văn, luận án đã trở nên chuyên nghiệp khiến những đóng góp về mặt khoa học đang trở thành vấn đề đáng báo động.
Có nên buộc 100% sinh viên làm khoá luận ?
Chất lượng tệ như vậy, nhưng hằng năm các trường vẫn dành tới một học kỳ để SV làm khóa luận, vậy có nên tiếp tục hay có một hình thức nào khác thay thế?
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng khóa luận tốt nghiệp là quy định “lọc qua điểm”, có nghĩa những SV đạt học lực khá trở lên mới được làm thay vì 100% SV như trước đây. Hiện nay, mỗi năm chỉ có khoảng 40 – 50% SV của trường này đủ điều kiện làm khoá luận, và quy định mỗi giảng viên chỉ hướng dẫn 5 SV. Nhiều trường khác cũng sử dụng hình thức này. Đối với SV học lực trung bình sẽ được đăng ký học bổ sung một số học phần chuyên môn.
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Mỹ Trinh, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, dù trường vẫn giữ nguyên 100% SV làm luận văn tốt nghiệp nhưng có những quy định rất chặt chẽ. Đặc biệt, trường cũng sử dụng phần mềm kiểm tra việc sao chép nhưng ở kho dữ liệu rộng lớn, bằng cách liên kết với dữ liệu của nhiều trường, nhiều đơn vị.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi cho biết hiện nay trường có 3 hình thức cho SV lựa chọn: làm khoá luận, học môn thay thế hoặc làm tiểu luận + học một số môn thay thế. Thực tế tại trường cho thấy chỉ khoảng 20% SV chọn làm khoá luận, thậm chí ngành kế toán chỉ có 5%, thường là những SV có đam mê nghiên cứu khoa học và có điều kiện.