10/01/2025

Đất Hãng phim truyện Việt Nam sử dụng sai sẽ bị thu hồi

Đó là khẳng định của đại diện Bộ Tài chính trong cuộc họp báo chuyên đề về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước diễn ra ngày 27.9.

 

Đất Hãng phim truyện Việt Nam sử dụng sai sẽ bị thu hồi

Đó là khẳng định của đại diện Bộ Tài chính trong cuộc họp báo chuyên đề về vấn đề cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước diễn ra ngày 27.9.


 

 

Khu đất số 4 Thụy Khuê (Q.Tây Hồ, Hà Nội) đang được VFS dùng làm trụ sở, còn một phần cho thuê /// Ảnh: Minh Ngọc

Khu đất số 4 Thuỵ Khuê (Q.Tây Hồ, Hà Nội) đang được VFS dùng làm trụ sở, còn một phần cho thuêẢNH: MINH NGỌC

Trước đó, những mâu thuẫn xung quanh việc cổ phần hoá (CPH) Hãng phim truyện VN (VFS) chủ yếu liên quan đến định giá đất đai. Theo công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của VFS vào đầu năm 2016, tại thời điểm đó, hãng đang quản lý và sử dụng 4 khu đất ở Hà Nội và TP.HCM. Trong đó có 2 khu đất “vàng” là số 4 Thuỵ Khuê (Q.Tây Hồ, Hà Nội) và số 6 Thái Văn Lung (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM).
Khu đất số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) có diện tích sử dụng gần 5.500 m2. Tuy là đất thuê, đã hết hiệu lực hợp đồng và chưa có hợp đồng mới, nhưng hãng vẫn đang sử dụng làm trụ sở, còn một phần cho thuê lại. Giữa VFS và bên thuê đất cũng xảy ra những tranh chấp dẫn đến việc khởi kiện ra tòa nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Khu đất rộng hơn 1.200 m2 tại Thái Văn Lung (TP.HCM) cũng là đất thuê, nhưng hãng đang hợp tác kinh doanh với một đơn vị khác để xây dựng 2 công trình, trong đó một công trình cao 4 tầng làm văn phòng, phòng dựng phim, phòng lồng tiếng, phòng nghỉ cho đạo diễn… Riêng khối nhà 11 tầng được xây dựng trên diện tích 1.134 m2 đang được khai thác cho thuê làm văn phòng. Trước thời điểm CPH, giữa hãng phim và đơn vị đối tác cũng xảy ra bất đồng liên quan đến việc quản lý toà nhà.
Ngoài ra, hãng còn đang quản lý và sử dụng 905 m2 đất trên phố Hoàng Hoa Thám (Q.Ba Đình, Hà Nội) làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe và khu đất rộng 6.382 m2 tại H.Đông Anh (Hà Nội). Bộ VH-TT-DL đã có công văn giao đất cho hãng và VFS đang hoàn tất thủ tục pháp lý cho 2 tài sản này.
Trả lời báo chí về tính pháp lý của những lô đất này sau khi CPH, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết nếu quy hoạch làm xưởng phim thì theo ông Tiến sẽ chỉ được làm xưởng phim. “Nếu quy hoạch chuyển sang xây chung cư, siêu thị… TP sẽ thu lại đất hoặc nhà nước xác định giá mới theo giá xây dựng bất động sản, có xác định rõ giá mặt tiền bao nhiêu. Khi đó, công ty CPH đủ tiền trả cho nhà nước theo phương án mới thì mới được sử dụng cho mục đích này. Không có tiền trả, đấu giá cho đơn vị khác khai thác đất”, ông Tiến nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) – cổ đông chiến lược và chiếm 65% cổ phần của hãng phim, cho biết trước mắt cổ đông chiến lược muốn chỉnh trang, tu sửa trụ sở hãng phim tại số 4 Thuỵ Khuê và sẽ dựng bảng nhận viết kịch bản thuê, làm phim thuê, sản xuất phim. Ông Nguyên cho hay Vivaso mong muốn được xây dựng rạp chiếu phim tại đây để chiếu các bộ phim của hãng cũng như các bộ phim của nước ngoài. Ông Nguyên chưa nói cụ thể về mục đích sử dụng với 4 mảnh đất mà Hãng phim truyện VN được giao hay thuê.
Trách nhiệm của địa phương và Bộ VH-TT-DL
Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý, theo đại diện Bộ Tài chính, chiếu theo luật Đất đai cũng như các quy định khác, trước khi CPH bất cứ doanh nghiệp nhà nước nào phải rà soát, xác định đúng giá trị đất đai và phương án, mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch của từng khu vực. Doanh nghiệp nhà nước chỉ được sử dụng đất đai trong ngành nghề chính. Nếu sai mục đích, đất đai sẽ bị địa phương thu hồi.
“Sẽ không có chuyện khiếu kiện nếu quy hoạch rõ ràng. Không thể chưa đối chiếu quy hoạch đất rõ ràng đã bán, CPH doanh nghiệp. Các công ty tư vấn phải có nhiệm vụ tư vấn cho doanh nghiệp CPH. Nếu không công khai mục đích sử dụng đất trong bản cáo bạch là vi phạm quy định pháp luật, sẽ bị truy cứu trách nhiệm và nhà đầu tư có thể kiện”, ông Tiến khẳng định.
Trước câu hỏi của PV về việc trong cáo bạch cho thấy hợp đồng thuê đất tại VFS đã hết hạn và có nhiều tranh chấp sở hữu quyền thuê đất với các cá nhân khác, đại diện bộ Tài chính khẳng định đây là trách nhiệm của địa phương và bộ chủ quản về quản lý tài sản. “Vấn đề này phải chiếu theo luật Đất đai. Để hết thời hạn thuê đất và xảy ra tranh chấp là trách nhiệm của địa phương trong quản lý đất đai. Nếu mảnh đất đó không đủ giấy tờ hợp pháp phải trả về cho địa phương, không được đưa vào phương án CPH”, ông Tiến nêu quan điểm.
Đại diện Bộ Tài chính cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL (bộ chủ quản của VFS) trong việc quản lý tài sản tại đơn vị này. Khi CPH rồi mới phát hiện ra đất tranh chấp, hết hạn là trách nhiệm của hai cơ quan này.

 

Anh Vũ