11/01/2025

Thị trường giáo dục để học sinh không chịu thiệt?

Lạm thu đầu năm học là vấn đề nóng hiện nay. Từ đấy, có nhiều ý kiến đặt vấn đề nên chăng có thị trường giáo dục ở bậc phổ thông để phụ huynh, học sinh được đối xử công bằng như “khách hàng” và tiếng nói của họ được lắng nghe.

 

Thị trường giáo dục để học sinh không chịu thiệt?

Lạm thu đầu năm học là vấn đề nóng hiện nay. Từ đấy, có nhiều ý kiến đặt vấn đề nên chăng có thị trường giáo dục ở bậc phổ thông để phụ huynh, học sinh được đối xử công bằng như “khách hàng” và tiếng nói của họ được lắng nghe.




Nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh việc có nên thị trường hóa giáo dục phổ thông hay không?  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh việc có nên thị trường hóa giáo dục phổ thông hay không?ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Một số chuyên gia kiên quyết phản ứng cách tiếp cận thị trường trong giáo dục phổ thông nhưng với khối tư thục, chính vì việc không công nhận và không có thể chế rõ ràng về thị trường giáo dục đã dẫn đến những xung đột mà bên thiệt thòi vẫn là người dân.
Khi học sinh, phụ huynh không được lắng nghe
“Nóng” trên mạng xã hội và các diễn đàn phụ huynh, giáo dục mấy ngày qua là việc một Trường phổ thông tư thục công bố tăng học phí. Trường hợp trên không phải cá biệt, xung đột giữa phụ huynh và nhà trường về chất lượng giáo dục và học phí vẫn thường diễn ra ở hệ thống trường ngoài công lập. Dưới góc nhìn của chuyên gia, nhiều người cho rằng đằng sau là một loạt vấn đề về thể chế.
Bà Phạm Thị Ly, một chuyên gia giáo dục, cho rằng: “Một mặt chúng ta thấy hiện trạng giáo dục đang diễn tiến giống như một thị trường, nơi mà sự phân biệt giàu nghèo diễn ra khắc nghiệt không thua kém gì bất cứ lĩnh vực nào khác, trong đó thành phần dễ bị tổn thương nhất sẽ gánh chịu mọi thiệt thòi. Số học sinh (HS) phổ thông giảm trong lúc dân số vẫn tăng, và hàng triệu HS bỏ học không được nghiên cứu nguyên nhân, rất có thể đã phản ánh những tổn thương…”. Mặt khác, theo bà Ly, do tư duy “giáo dục phổ thông không phải thị trường”, phụ huynh và người học, những người đang trả tiền cho dịch vụ giáo dục qua tiền thuế (gián tiếp) và học phí (trực tiếp) không được đối xử công bằng như những khách hàng. Những người cung ứng giáo dục (nhà nước, nhà trường) không coi phụ huynh và HS là một bên bình đẳng, thậm chí là bên quan trọng nhất của giáo dục, không cần nghe tiếng nói của họ.
Chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, nhà nước và nhà trường “ban phát” gì thì người học phải chịu vậy. Trong chính sách giáo dục, những chủ trương cải cách và đổi mới, cũng không ai cần biết quan điểm của phụ huynh và người học. Hệ quả là giáo dục đang là một lĩnh vực làm giàu của nhiều người, với cái giá phải trả của người dân, kể cả của tầng lớp trung lưu.
Khi “khách hàng” không là thượng đế
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công độc lập, cho rằng cho con học trường tư là một hợp đồng dân sự: người bán (trường), người mua (phụ huynh) nhưng hợp đồng này đặc biệt hơn bình thường vì người bán trong trường hợp này có nhiều thông tin hơn, có nhiều quyền lực hơn người mua (nhiều thông tin hơn, tức thông tin bất đối xứng – một dạng thất bại thị trường).

Cũng theo ông Đồng, thị trường giáo dục, dù là cạnh tranh như các thị trường hàng hóa khác, nhưng món hàng giáo dục đăc biệt ở chỗ khách hàng không hẳn là thượng đế vì không dễ dàng chuyển đổi “nhà cung cấp”. Quan hệ nhà trường – phụ huynh là một giao dịch dân sự, nhưng không có hợp đồng cụ thể, chi tiết; chất lượng món hàng, giá cả, lộ trình tăng giá đều không có. Và “hợp đồng” đó, dù có hàng trăm, hàng nghìn “người mua” nhưng người mua đều “thỏa thuận” với tư cách “nhỏ lẻ”. Như mọi thị trường khác, thị trường giáo dục rồi sẽ có xung đột: khi chất lượng “món hàng giáo dục” không như mong đợi, tăng giá vô tội vạ, đẻ ra các khoản thu tùy tiện… “Phần thiệt, như hiện nay thuộc về phụ huynh. Từ phía nhà nước hiện tại chưa có những cơ chế hiệu quả bảo vệ lợi ích cho phụ huynh”, ông Đồng nhận định.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho rằng khác với việc mua bán các sản phẩm thông thường, quyền tự chủ tài chính của các trường ngoài công lập phải trên cơ sở thỏa thuận và đạt được sự đồng thuận của cha mẹ HS, sự tự chịu trách nhiệm của cá nhân hay tập thể những người giữ vai trò chủ trường, bảo đảm công khai, minh bạch, được lòng dân, phục vụ trực tiếp cho công tác giáo dục, hoàn toàn không trái quy định của pháp luật, không chỉ vì lợi nhuận. Sự thỏa thuận dựa trên nguyên tắc: Những gì mà cha mẹ HS bỏ ra đầu tư cho con thì con họ phải được hưởng thụ tương xứng và còn hơn thế nữa. Có thực hiện nguyên tắc như vậy, cơ sở giáo dục ngoài công lập mới giữ được chữ tín. Đó là trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục cũng là cơ chế tự nhiên để các cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển bền vững và không bị đào thải trong môi trường cạnh tranh cao. (Còn tiếp)

 

Tuệ Nguyễn