11/01/2025

Thanh tra việc cấp phép cho VN Pharma nhập 7 loại thuốc

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc cấp phép cho VN Pharma nhập 7 loại thuốc. Thời hạn thanh tra diễn ra trong 60 ngày làm việc thực tế

 

Thanh tra việc cấp phép cho VN Pharma nhập 7 loại thuốc

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc cấp phép cho VN Pharma nhập 7 loại thuốc. Thời hạn thanh tra diễn ra trong 60 ngày làm việc thực tế





Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (hàng đầu) tại phiên tòa ngày 25.8ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Ngày 26.9, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp giấy đăng ký lưu hành đối với 7 loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Canada) sản xuất và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma.
Theo quyết định này, ông Vũ Hồng Khánh, Thanh tra viên cao cấp, Phó vụ trưởng Vụ 3 Thanh tra Chính phủ (TTCP), làm trưởng đoàn. Thời hạn thanh tra diễn ra trong 60 ngày làm việc thực tế, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Trước đó, trong vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại VN Pharma, ngày 25.8, TAND TP.HCM đã tuyên án bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C) cùng mức án 12 năm tù về tội buôn lậu, do hành vi nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet chữa bệnh ung thư không rõ nguồn gốc về VN tiêu thụ.
Sau đó, chiều 22.9, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (VKS) ban hành quyết định kháng nghị, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM về vụ án “buôn lậu” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và 9 đồng phạm.
Đối với việc giám định của Bộ Y tế, VKS nhận định có nhiều mâu thuẫn, không khách quan, nên cần thiết phải trưng cầu giám định lại, với thành phần hội đồng giám định khác.
Theo VKS phân tích, ngày 17.12.2014, Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet, với thành phần gồm 10 người, do Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (QLD) Đỗ Văn Đông làm chủ tịch hội đồng. VKS nêu, ông Đông là cấp dưới của Cục trưởng Cục QLD Nguyễn Quốc Cường (người ký văn bản cấp phép cho VN Pharma nhập lô hàng trên) nhưng lại làm chủ tịch hội đồng là không khách quan.
Bởi Cục QLD là đơn vị cấp phép nhập khẩu lô hàng này; quá trình cấp phép có nhiều thiếu sót, sai phạm nên là đối tượng cần xem xét trong vụ án nhưng lại tham gia giám định chuyên môn lô hàng do chính mình cấp phép. Mặt khác, Cục QLD tham gia tố tụng với tư cách người phát hiện và tố giác tội phạm, nhưng sau đó lại tham gia giám định tư pháp chính lô hàng mình cấp phép nhập khẩu có vấn đề là chưa đảm bảo tính khách quan.
Ngoài ra, tại kết luận giám định ngày 22.4.2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế nêu: “Lô hàng nói trên chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người” và thành phần tạp chất là 17% (trong khi cho phép không quá 1%). Theo VKS, căn cứ khoản 23, 24 điều 2 luật Dược 2005 và điều 4 Nghị định 08/2013 của Chính phủ: “Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp: không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; mạo tên, kiểu dáng, công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác”.
VKS nhận định, kết quả giám định của Bộ Y tế có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khách quan của vụ án. Giám định cho rằng thuốc này “… không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”, trong khi các bị cáo nhập về với mục đích chữa bệnh ung thư cho người nhưng cũng chính kết luận lại cho rằng là thuốc kém chất lượng, mà không kết luận là thuốc giả là chưa phù hợp.
Về số tiền 7,5 tỉ đồng các bị cáo khai chi hoa hồng cho các bác sĩ bệnh viện để tiêu thụ lô thuốc, VKS cho rằng cần làm rõ số tiền này chi cho lô thuốc nào, vì nếu chi cho lô thuốc 9.300 hộp H-Capita 500 mg Caplet thì không phù hợp vì tiền mua lô hàng này còn thấp hơn tiền chi hoa hồng (giá trị lô hàng này 5,3 tỉ đồng). Mặt khác, đây là số tiền liên quan trong vụ án, sử dụng vào việc phạm pháp nên cần điều tra làm rõ những người có liên quan và tuyên tịch thu sung công quỹ.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, 7 loại thuốc nhập khẩu bị thanh tra đã bị Cục QLD rút khỏi danh sách lưu hành từ 9.2014. Tất cả đều do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Canada) sản xuất. Các loại thuốc này đều ở dạng bào chế dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, được Công ty CP VN Pharma đăng ký nhập khẩu.

Với những gì thể hiện trên hồ sơ kết quả trúng thầu của riêng năm 2013, thì chỉ một loại thuốc H2K Levofloxacin do Canada sản xuất đã trúng thầu ở nhiều bệnh viện, trong đó có 2 bệnh viện tuyến T.Ư mua với số lượng hơn 1 tỉ đồng mỗi bệnh viện, chưa kể các sở y tế và các bệnh viện địa phương khác.

Theo các chuyên gia, H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin là 2 loại thuốc kháng sinh tổng hợp. Trong đó, H2K Ciprofloxacin được điều trị cho các bệnh nhiễm khuẩn nặng mà các thuốc kháng sinh thông thường không tác dụng, như: viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, viêm xương… Còn H2K Levofloxacin được sử dụng trong điều trị cho các bệnh nhân viêm xoang cấp, viêm phế quản mãn, viêm phổi cộng đồng, viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn da, bệnh than…

 

Anh Vũ – Phan Thương – Liên Châu